Nghịch lý cần chấm dứt
Góc nhìn - Ngày đăng : 07:14, 06/06/2012
Ấy nhưng không phải chuyện bao giờ cũng thuận chiều như vậy mà có những nghịch lý tồn tại trong thời gian dài, không thể chấp nhận được. Tại phiên thảo luận của Quốc hội về Đề án Tái cơ cấu nền kinh tế, đại biểu Đỗ Văn Đương (Đoàn TP Hồ Chí Minh) bức xúc: DN nhà nước (DNNN) phải nuôi Nhà nước chứ không phải... ngược lại. Ý kiến trên là có cơ sở khi thời gian qua Nhà nước đã phải chi ngân sách khá nhiều để duy trì sự tồn tại của một số DNNN. Trên thực tế, không như các DN tư nhân, DN có vốn đầu tư nước ngoài, các DNNN được hưởng những ưu đãi không nhỏ về vốn đầu tư, mặt bằng sản xuất, thậm chí là cả việc đào tạo nguồn nhân lực... Nhưng tiếc rằng hoạt động sản xuất, kinh doanh của khối DNNN không phát triển tỷ lệ thuận với những ưu đãi đó. Theo Bộ Kế hoạch - Đầu tư, dù chiếm tới 70% vốn đầu tư toàn xã hội, 50% vốn đầu tư Nhà nước, 60% tín dụng của các ngân hàng thương mại, 70% nguồn vốn ODA nhưng các DNNN chỉ đóng góp được khoảng 37%-38% GDP. Mức lỗ bình quân của một DNNN cao gấp 12 lần so với DN ngoài Nhà nước. Còn theo Bộ Tài chính, hiện nay số nợ của các DNNN đã lên tới hơn 415.000 tỷ đồng, chiếm tới 16,9% tổng dư nợ tín dụng. Cũng theo thống kê của Bộ Tài chính, có 30/85 tập đoàn, tổng công ty có tỷ lệ nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu cao hơn 3 lần, đặc biệt có 7 tập đoàn, tổng công ty có tỷ lệ này trên 10 lần...
Một thời, những DNNN được kỳ vọng là những "anh cả", "đầu tàu", những "con chim đầu đàn" của nền kinh tế đất nước. Và mọi sự ưu ái đều được tập trung phục vụ cho những kỳ vọng đó. Tuy nhiên "nhung lụa" không khiến cho các DNNN cứng cáp, đủ mạnh để gánh trên vai trọng trách. Cùng với đó là sự bất cập của cơ chế quản lý, thiếu kiểm tra, giám sát, chưa có những ràng buộc về trách nhiệm cá nhân... đã dẫn đến hoạt động sản xuất kinh doanh thiếu hiệu quả, việc đầu tư tràn lan ra ngoài ngành, ngoài lĩnh vực được giao, gây thất thoát tài sản nhà nước...
Để giải quyết những bất cập đó, đáp số cho bài toán là nhanh chóng tái cơ cấu các DNNN. Thực tế vấn đề này đã được đặt ra. Song thời gian qua, việc cơ cấu lại các DNNN mới chỉ dừng ở mức độ giảm về số lượng nên chưa có ảnh hưởng rõ rệt đến cơ chế phân bổ nguồn lực nhà nước, tái cấu trúc ngành nghề và hiệu quả hoạt động của khu vực DNNN. Theo nhận định của các chuyên gia, để nâng cao hiệu quả hoạt động, phải đặt DNNN vào môi trường cạnh tranh, cần tách biệt giữa vai trò Nhà nước với tư cách là chủ sở hữu và vai trò của Nhà nước với tư cách quản lý, điều tiết.
Việc tái cơ cấu DNNN không thể chậm chễ hơn nữa. Không thể để Nhà nước lấy tiền đóng góp từ các tổ chức, cá nhân thông qua chính sách thuế để tiếp tục nuôi những "con cưng". Đây cũng chính là sự công bằng cần thiết trong xã hội. Và vấn đề xã hội mong chờ ở kỳ họp Quốc hội đang diễn ra là phải đưa ra được giải pháp hiệu quả, lộ trình thực hiện cụ thể, phân công trách nhiệm rõ ràng... trong việc tái cơ cấu DNNN. Chỉ như vậy mới sớm chấm dứt nghịch lý Nhà nước "nuôi"... DNNN.