Bảo tồn “đặc sản” vùng Tây Bắc

Văn hóa - Ngày đăng : 06:51, 06/06/2012

(HNM) - Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân vừa đồng ý cho Tuyên Quang và các tỉnh có hát then tiến hành kiểm kê, lập hồ sơ đề nghị UNESCO xem xét công nhận hát then là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Để có tên trên bản đồ di sản thế giới thì ngay từ bây giờ việc bảo tồn và phát huy giá trị các làn điệu then cổ phải được quan tâm đầu tư đúng cách, xứng tầm.


Nghệ thuật diễn xướng mang yếu tố tâm linh

Nếu như ca trù, quan họ, múa rối nước, hát chèo là "đặc sản" vùng Đồng bằng sông Hồng; dân ca ví dặm, hò vè là "món ăn tinh thần" không thể thiếu của người dân vùng Bắc Trung bộ; đờn ca tài tử là niềm tự hào của người dân Nam bộ thì hát then là nét sinh hoạt văn hóa đặc trưng của đồng bào dân tộc Tày, Nùng, Thái vùng Tây Bắc.

Hát then là một nghệ thuật đặc sắc của đồng bào dân tộc vùng Tây Bắc.

Ông Tăng Thình (Hội Văn nghệ Tuyên Quang) cho hay: Hát then đi liền với đàn tính là nghệ thuật diễn xướng mang yếu tố tâm linh. Then có thể hiểu là "thiên", vì thế người hát, múa then trong những dịp lễ, tết là những người đại diện cho cộng đồng "giao tiếp" với thần linh, cầu cho mùa màng tươi tốt, đời sống ấm no, hạnh phúc. Then có nhiều hình thức biểu đạt như "Kỳ yên" (cầu mong cho mưa thuận gió hòa), "giải hạn" (cầu mong tránh khỏi tai họa), "lẩn ẻn" (xem duyên phận của các đôi trai gái), "mừng thọ" (chúc cho người cao tuổi sống lâu), "lẩu then" (then cấp sắc) cùng các loại múa (hái hoa, kiếm, chèo thuyền, đoàn quân sluông múa chầu trong cung đình)... Đặc trưng của then là giai điệu mượt mà, đằm thắm, âm hưởng đầm ấm tạo cảm giác gần gũi, thiêng liêng. Nhờ đó, hát then vốn là văn hóa "gốc" của dân tộc Tày nhưng người Nùng, người Thái cũng hát then; hiện nay hát then đã có mặt ở 14 tỉnh, thành phố. Ngoài ý nghĩa tâm linh, đồng bào các dân tộc Tày, Nùng, Thái còn hát then để ca ngợi quê hương, đất nước, con người.

Mai một nghệ nhân, thiếu người kế cận

Mặc dù có sức lan tỏa mạnh mẽ, song hát then cũng như nhiều di sản văn hóa phi vật thể ở Việt Nam đứng trước nguy cơ mai một nghệ nhân, thiếu người kế cận. Ông Nguyễn Vũ Phan, Phó Giám đốc Sở VH,TT&DL tỉnh Tuyên Quang cho biết, tỉnh có tất cả 4 nghệ nhân nắm giữ làn điệu then cổ thì đã mất đi 2 người. 40 hạt nhân văn hóa là người dân tộc Tày có nhiệm vụ phổ biến, duy trì làn điệu hát then ở cơ sở cũng chỉ có một số người biết hát then cổ. Đáng lo ngại hơn là một bộ phận người dân tộc Tày không còn nói được tiếng mẹ đẻ. Đơn cử như xã Minh Thanh (huyện Sơn Dương) có hơn 70% dân số là người dân tộc Tày nhưng phần lớn không nói được tiếng dân tộc. "Thực trạng này là thách thức không nhỏ đối với việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản hát then" - ông Nguyễn Vũ Phan lo lắng.

Ở Lạng Sơn, theo ông Hoàng Thành Khởi, Trưởng phòng VH-TT huyện Văn Quan (Lạng Sơn), đã mấy lần làm đề án bảo tồn hát then nhưng rồi phải bỏ ngang vì thiếu kinh phí, nhưng nếu có tiền cũng không có người truyền dạy. Xã Bình Phú, nơi hiếm hoi của tỉnh còn duy trì được đội hát then truyền thống thì mỗi năm đội văn nghệ xã cũng chỉ biểu diễn được 3-4 buổi. Không riêng gì Lạng Sơn, Tuyên Quang mà các tỉnh khác có nghệ thuật hát then như Cao Bằng, Bắc Kạn, Bắc Giang, Quảng Ninh, Đắc Lắc… đều có chung "số phận".

Cấp bách bảo tồn

Thực trạng trên cho thấy, để hát then có thể hòa chung vào dòng chảy di sản văn hóa của nhân loại thì việc khôi phục, bảo tồn và phát huy giá trị di sản hát then là yêu cầu cấp bách. Một số địa phương nhận thức được tầm quan trọng của di sản đã tự tìm cách bảo tồn. Từ năm học 2011-2012, Trường THPT Lương Văn Tri, huyện Văn Quan (Lạng Sơn) đã đầu tư kinh phí mua 18 đàn tính, 2 bộ xóc nhạc và mời cán bộ ở Trung tâm Văn hóa huyện về truyền dạy cho học sinh lớp 10, 11 trong các buổi sinh hoạt ngoại khóa. Làng Văn hóa - Du lịch Tân Lập (xã Tân Trào, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang) "đãi" khách du lịch bằng những làn điệu hát then độc đáo do chính đội văn nghệ của làng biểu diễn…

Theo ông Nguyễn Vũ Phan, Phó Giám đốc Sở VH,TT&DL tỉnh Tuyên Quang, việc đưa hát then vào trường học hay phục vụ khách du lịch đều là biện pháp hữu hiệu để bảo tồn và phát huy giá trị của di sản, song việc truyền dạy này phải do các nghệ nhân gạo cội - những người nắm rõ các làn điệu then cổ thực hiện bởi UNESCO sẽ chỉ xem xét công nhận then cổ là di sản chứ không phải là then cách tân (then mới). Đồng quan điểm trên, nhạc sỹ Lương Nguyên, người từng làm tổng đạo diễn Liên hoan hát then - đàn tính, nhấn mạnh: Muốn bảo tồn hát then phải để cho nó được sống trong cộng đồng. Cơ quan quản lý nhà nước chỉ giữ vai trò định hướng chứ không thể làm thay. Ở góc độ nghệ nhân, bà Võ Thị Thi (bản Sầm, xã Bình Phú, huyện Văn Quan, tỉnh Lạng Sơn) mong muốn: Nhà nước sớm có chính sách đãi ngộ thỏa đáng với nghệ nhân để họ yên tâm truyền dạy, bồi dưỡng cho các thế hệ sau.

Minh Ngọc