Nhất trí ra nghị quyết về đầu tư cho tam nông
Chính trị - Ngày đăng : 17:03, 05/06/2012
Trước khi thảo luận, các đại biểu đã nghe báo cáo giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
Các đại biểu đánh giá cao các chương trình mục tiêu nông thôn, hiệu quả của nó trong việc phát triển kinh tế-xã hội đất nước, đặc biệt là trong giai đoạn suy thoái kinh tế toàn cầu hiện nay. Ở nước ta, nông nghiệp là ngành chiến lược, nông dân là lực lượng chiến lược và nông thôn là địa bàn chiến lược. Đẩy mạnh, giải quyết những vấn đề nội tại, xây dựng nông thôn mới và nâng cao vật chất, tinh thần của nhân dân, luôn là mục tiêu, nhiệm vụ của Đảng, Nhà nước, thể hiện xuyên suốt trong các hệ thống chính sách.
Trong phiên thảo luận hôm nay, các ý kiến phát biểu đã tập trung đánh giá tình hình ban hành chính sách pháp luật về đầu tư công cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn: những mặt được và hạn chế; kết quả thực hiện chính sách pháp luật về đầu tư công cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn và đề xuất, kiến nghị những chính sách pháp luật cần hoàn thiện và những giải pháp để nâng cao hiệu quả quản lý để thực hiện đầu tư công trong nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong thời gian tới.
Hệ thống văn bản chính sách chồng chéo, thiếu đồng nhất
Đại biểu Nguyễn Lâm Thành - Lạng Sơn cho rằng, hệ thống văn bản, pháp luật, về đầu tư công cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn được ban hành tương đối đầy đủ và khá nhiều nhưng có sự trùng lặp, không đồng nhất nên dễ gây khó khăn cho công tác thực hiện. Điều này đã dẫn đến sự phát triển nông nghiệp của chúng ta giai đoạn vừa qua mặc dù đã đạt được những thành tựu to lớn nhưng chưa thực sự vững chắc, tính cạnh tranh chưa cao.
Bên cạnh đó, mặc dù Chính phủ đã rất cố gắng bố trí cân đối nhiều nguồn vốn khác nhau, nhưng mới đáp ứng được 55-60% nhu cầu. Tuy nhiên, nguồn lực trên phân bố chủ yếu vào phần xây dựng cơ sở hạ tầng và còn rất phân tán, đầu tư cho chương trình giống, công nghệ sinh học, nông nghiệp công nghệ cao, nghiên cứu khoa học còn thấp, chính sách khuyến công và thúc đẩy thương mại còn rất ít và mờ nhạt; đời sống một bộ phận đồng bào vùng sâu, vùng xa vẫn khó khăn, thiếu thốn cần được hỗ trợ trực tiếp cả về lương thực.
“Chính sách nông nghiệp, nông dân, nông thôn là vấn đề rất lớn. Thông qua hoạt động giám sát này tôi kiến nghị Quốc hội nghiên cứu đề ra nghị quyết về lĩnh vực này nhằm tiếp tục thực hiện tốt chính sách trong lĩnh vực rất lớn, thực hiện tốt chủ trương của Đảng và Nhà nước trong thời gian sắp tới và cũng gắn với vấn đề tái cấu trúc nền kinh tế trong giai đoạn sắp tới”, đại biểu Thành đề xuất.
Chứng minh cho sự chồng chéo về các văn bản chính sách, đại biểu Trương Minh Hoàng - Cà Mau dẫn chứng: “Do nhiều văn bản chồng chéo như vậy nên trách nhiệm giữa ngành này, ngành khác cũng đùn đẩy trách nhiệm cho nhau. Có những việc khi triển khai thực hiện đã có rồi nhưng ngành này lại cho rằng nhiệm vụ của ngành khác chứ không phải của ngành mình. Hoặc có những việc thực sự rất khó khả thi, ví dụ chính sách áp dụng cho đồng bằng sông Cửu Long chẳng hạn, hỗ trợ 10 triệu đồng một hộ để mua đất cất nhà ở hay cho vay không lãi 10 triệu đồng, tổng số là 20 triệu đồng để mua đất sản xuất nông nghiệp, ví dụ trồng lúa là 0,25ha, đất sản xuất nuôi tôm thì 0,5ha, bởi vì là hộ nghèo mà hỗ trợ như thế thì họ không thể mua được đất”.
Từ thực tế này, đại biểu Hoàng kiến nghị Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các cơ quan chức năng có liên quan phải thường xuyên tổng rà soát những bất cập chồng chéo trong các loại văn bản, sớm có văn bản pháp luật thống nhất về đầu tư công trên cơ sở pháp lý để quản lý và thực hiện cho được đầu tư công, đặc biệt là đầu tư công trong nông nghiệp, nông dân và nông thôn.
Đại biểu Phương Thị Thanh - Bắc Kạn cũng đề nghị, Chính phủ xem xét sớm ban hành văn bản quy phạm pháp luật về đầu tư trung hạn và dài hạn ở tất cả các nguồn vốn đầu tư công. Điều chỉnh nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ nguồn vốn đầu tư theo hướng tăng điểm số các tiêu chí về dân số, dân tộc thiểu số, tỷ lệ hộ nghèo và đưa thêm tiêu chí tính điểm đối với các tỉnh có diện tích rừng và đất rừng trên diện tích tự nhiên như tiêu chí đất trồng lúa hiện nay. Ưu tiên tăng nguồn vốn cho các địa phương còn khó khăn để sớm hoàn thiện kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển sản xuất nông nghiệp, nông thôn.
Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra giám sát thực hiện chính sách đầu tư cho nông nghiệp, nông dân và nông thôn. Định kỳ cùng với việc đánh giá kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm, cần quan tâm đánh giá tổng mức đầu tư và các tiêu chí thực hiện chỉ tiêu về kinh tế xã hội giữa các vùng để có sự so sánh, đánh giá và kịp thời sửa đổi, bổ sung các chính sách pháp luật đầu tư công cho lĩnh vực tam nông cho phù hợp.
Một điểm nổi bật trong khâu xây dựng chính sách được nhiều đại biểu quan tâm đó là việc bổ sung, sửa đổi Luật đất đai.
Đại biểu Nguyễn Thu Anh - Lâm Đồng cho rằng, việc khống chế hạn mức giao đất nông nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân tại Điều 70 Luật đất đai đang gây khó khăn trong việc mở rộng diện tích canh tác và áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng sản phẩm.
Đại biểu Thu Anh đề nghị Chính phủ, trình sớm sửa đổi Luật đất đai vào kỳ họp thứ 4 của Quốc hội để khắc phục những hạn chế bất cập quy hoạch lại việc sử dụng đất. Đặc biệt, cần rà soát một cách chi tiết việc sử dụng đất đai trên phạm vi toàn quốc phải xác định cho được quỹ đất cơ bản dùng cho nông nghiệp, đặc biệt là đất lúa; thực hiện công bằng việc thu hồi đất, khẳng định chủ trương giao đất, thuê đất, ổn định lâu dài cho người dân, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân chuyển quyền sử dụng đất yên tâm đầu tư phát triển sản xuất lâu dài….
Các đại biểu Nguyễn Bắc Việt - Ninh Thuận, Nguyễn Thanh Thụy - Bình Định, Trịnh Thế Khiết - TP Hà Nội, Trần Văn Tấn - Tiền Giang, Lê Thị Công - Bà Rịa - Vũng Tàu… cũng chung kiến nghị Quốc hội, Chính phủ sớm ban hành và sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các chính sách phục vụ đầu tư cho nông nghiệp và nông thôn, nhất là chính sách quản lý đất đai.
“Nếu Điều 70 của Luật đất đai mà chúng ta khẳng định, đất nông nghiệp cũng như đất rừng 50 năm thì chúng tôi nghĩ nó sẽ đáp ứng được yêu cầu là người dân sẽ yên tâm để đầu tư vào sản xuất”, đại biểu Khiết nói.
Sửa đổi một số tiêu chí chương trình xây dựng nông thôn mới
Đại biểu Nguyễn Thu Anh - Lâm Đồng cho rằng, xây dựng tiêu chí chương trình xây dựng nông thôn mới phải đảm bảo tính khả thi, phù hợp với điều kiện kinh tế từng vùng miền, từng địa phương theo mức độ quan trọng và nguồn lực thực hiện.
Đại biểu Thu Anh đề nghị, cần tăng cường phân cấp cho các địa phương trong việc phân bổ nguồn vốn được giao để thực hiện các mục tiêu đề ra, bảo đảm sử dụng vốn hiệu quả, tránh dàn trải, kéo dài.
Theo đại biểu Trần Văn Tấn - Tiền Giang, Chính phủ cần sửa đổi một số tiêu chí xây dựng nông thôn mới tại Quyết định số 491 ngày 16.04.2009 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành tiêu chí quốc gia xây dựng nông thôn mới cho phù hợp hơn với thực tế cuộc sống và yêu cầu phát triển hiện nay.
Cụ thể, tiêu chí về cơ cấu lao động quy định trên địa bàn xã nông thôn mới chỉ có 35% lao động nông nghiệp, còn lại là lao động phi nông nghiệp là chưa hợp lý đối với điều kiện và đặc thù ở các xã thuần nông khu vực đồng bằng sông Cửu Long; Tiêu chí về thu nhập, quy định thu nhập bình quân đầu người của xã nông thôn mới phải đạt 1,3 bình quân đầu người ở khu vực nông thôn là không khả thi, vì tiêu chí đặt ra chưa căn cứ vào thực tế đời sống thu nhập của người dân hiện còn rất khó khăn. Do vậy, cần phải thực hiện việc điều tra, khảo sát thực tế về đời sống của người dân ở khắp các vùng nông thôn để nghiên cứu và đưa ra tiêu chí thu nhập cho phù hợp, đảm bảo việc thực hiện có hiệu quả và bền vững.
Đại biểu Tấn cũng đề nghị, các tiêu chí khác như môi trường, chợ, nông thôn, sân vận động, nghĩa trang cần để cho các địa phương tự quy định.
Liên quan đến công tác lập thực hiện quy hoạch sản xuất nông nghiệp, quy hoạch nông thôn mới, đại biểu Trương Văn Vở - Đồng Nai đề nghị lưu ý nguyên nhân điều hành quản lý thực hiện quy hoạch từ bộ ngành liên quan của Chính phủ vừa qua chưa được coi trọng đúng mức. Do đó, không đủ cơ sở pháp lý để các ngành, các cấp từ Trung ương, địa phương, xác định trọng điểm đầu tư, thông qua kế hoạch đầu tư trung hạn và phân kỳ đầu tư hàng năm cho sản xuất, cho hạ tầng nông nghiệp, nông thôn làm phân tán nguồn lực.
“Theo tôi, cần kịp thời hướng dẫn các địa phương tiến hành rà soát quy hoạch tổng thể phát triển sản xuất nông nghiệp đến năm 2020 theo Quyết định 124 ngày 02 tháng 02 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất từ Trung ương đến địa phương, giữa quy hoạch tổng thể, quy hoạch vùng, quy hoạch ngành đặc biệt là phải phù hợp với Nghị quyết 17 Quốc hội khóa XIII ngày 22/11/2011 về quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm 2011 - 2015. Tôi cho rằng công tác lập quy hoạch, quản lý thực hiện theo quy hoạch cần được coi trọng đúng mức và phải đi trước một bước. Vì đây chính là cơ sở pháp lý để tổ chức thực hiện kế hoạch, chính sách đầu tư có trọng điểm, khắc phục có hiệu quả tình trạng đầu tư dàn trải, hiệu quả thấp”, đại biểu Vở nói.
Tạo sự chủ động nhiều hơn cho địa phương
Đại biểu Nguyễn Thị Thanh - Ninh Bình đề nghị, cùng với việc tái cơ cấu nền kinh tế, lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn cần được quan tâm nhiều hơn, trong đó việc đầu tiên là cần có quy hoạch đồng bộ và có tính khả thi. Theo đại biểu Thanh, cần phải có chiến lược cho việc quy hoạch vùng, quy hoạch từng sản phẩm phù hợp với từng địa bàn, từng địa phương trên cơ sở khoa học, đó là bản đồ thổ nhưỡng của từng vùng, từng tỉnh.
Theo đại biểu Nguyễn Văn Sơn - Hà Tĩnh, trong tái cơ cấu đầu tư công cho nông nghiệp, nông thôn, nông dân, phải thực sự rà soát lại các chính sách bắt nguồn từ nhu cầu lợi ích của cơ sở, từ nền sản xuất, đặc biệt từ đó tạo niềm tin, sự chủ động và động lực cho nhân dân. Các nguồn lực được lồng ghép từ ngân sách trung ương và địa phương phải gắn với vùng, gắn với xử lý các việc do thiên tai và đặc biệt, phải tạo được sự chủ động cho địa phương và người dân, có như vậy mới phát huy được sức mạnh.
“Ở đây chúng tôi chỉ quan tâm một điều là ai sẽ là đầu mối từ Trung ương đến địa phương trong các chương trình mục tiêu này để chúng ta bàn tiếp và để có xử lý, cơ chế phân cấp quản lý, có nguồn vốn của Trung ương, có tỉnh, có huyện, lúc nào cơ sở được đồng tình và chúng ta phải đặt vấn đề để giám sát chỉ đạo được tốt hơn. Đó là việc tính hiệu quả, tính hiệu lực điều chỉnh để ta thực hiện tốt các chương trình nông thôn, nông nghiệp, nông dân”, đại biểu Sơn nói.
Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương - Quảng Bình cũng đề nghị tạo sự chủ động hơn nữa cho địa phương trong việc đầu tư. Nguồn vốn nên giao cố định theo khung 2 hoặc 3 năm, tránh được sự phiền hà là các tỉnh “lại mất công ra trung ương để xin mà trung ương cũng đỡ phiền hà phải tiếp các đoàn của các tỉnh”. Dự án cũng cần phải được phân bổ từ đầu năm, tránh tình trạng cuối năm mới phân bổ và địa phương giải ngân không kịp thì lại bị trung ương thu hồi vốn.
Quan tâm đến nguồn vốn hỗ trợ đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn, đại biểu Hồ Thị Thủy - Vĩnh Phúc cho rằng, trong điều kiện ngân sách Nhà nước có hạn, cần có sự đột phá về chính sách để thu hút khuyến khích các nhà đầu tư thuộc các thành phần kinh tế đầu tư vào lĩnh vực này, nhất là nguồn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài.
“Theo báo cáo chỉ có 3,8% tổng số dự án và 2,3% vốn đầu tư của nước ngoài đổ vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn ở Việt Nam và đang có xu hướng giảm hàng năm. Cần có cơ chế tiêu chí để lồng ghép các nguồn vốn trong việc đầu tư, xây dựng các chương trình dự án. Nhà nước cần có chính sách ưu đãi tín dụng hơn nữa đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn để người dân và doanh nghiệp được tiếp cận vốn vay”, đại biểu Thủy gợi ý.
Tiếp thu ý kiến của các đại biểu, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Cao Đức Phát cùng Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ đã tham gia giải trình thêm một số nội dung.
Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết, về quy hoạch nông thôn mới, đến thời điểm này, nhiều xã đã hoàn thành công tác quy hoạch. Bộ trưởng nhất trí, cùng với tăng cường đầu tư cho phát triển, cần tăng đầu tư hỗ trợ các hộ, vùng nghèo còn khó khăn và đặc biệt quan tâm đối phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Đồng thời, cần phải tăng cường quản lý để nâng cao hiệu quả đầu tư công trong nông nghiệp, nông thôn, tăng cường phân cấp quản lý quy hoạch và đầu tư gắn với tăng cường giám sát của nhân dân.
Bộ trưởng Vương Đình Huệ cho biết, việc bố trí ngân sách cho lĩnh vực tam nông đã có sự tăng mạnh từ 2009, đảm bảo nguyên tắc 5 năm sau cao gấp 2 lần 5 năm trước. Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Tài chính hướng dẫn các địa phương và các bộ, ngành liên quan về chính sách miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp; thủy lợi phí; tín dụng ưu đãi... Sắp tới, Bộ sẽ trình Chính phủ để báo cáo Quốc hội điều tiết phân bổ ngân sách nhà nước theo hướng đảm bảo cho địa phương phát triển nông nghiệp.
Về định hướng đầu tư, Bộ trưởng cho biết, Chính phủ dự kiến tiếp tục ưu đãi về sử dụng đất, khuyến khích đầu tư các dự án công nghệ cao, các vùng đặc biệt khó khăn, vùng xuất khẩu; tiếp tục xây dựng hạ tầng nông thôn; ưu tiên bố trí thông qua các chương trình dự án nhằm khuyến khích các hộ nghèo, khó khăn phát triển, có chính sác để các địa phương chủ động bố trí ngân sách đầu tư, hỗ trợ ngân sách trực tiếp cho nông dân và địa phương để đảm bảo giữ vững diện tích trồng lúa.
Cũng theo Bộ trưởng, nguồn trái phiếu chính phủ đã được tập trung cho xây dựng hạ tầng, kiên cố hóa trường học… Đến nay, chúng ta đã hoàn thành cơ bản hệ thống thủy lợi toàn quốc.
Về thí điểm bảo hiểm nông nghiệp, đến nay đã triển khai hơn 54.000 hợp đồng ở các huyện thí điểm với tổng diện tích lúa được bảo hiểm là gần 63.000ha, hơn 602.000 gia cầm, 59,2ha đất mặt nước trồng thủy sản…
Cũng tại phiên thảo luận hôm nay, các đại biểu đều nhất trí ban hành nghị quyết hậu giám sát việc thực thi chính sách pháp luật đàu tư cho tam nông. Theo chương trình, trong ngày làm việc cuối cùng của kỳ họp, Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua nghị quyết này, trong đó có đề ra các chủ trương, chính sách để khắc phục kịp thời những tồn tại, yếu kém và phát huy những kết quả đã đạt được, tạo cơ sở cho Chính phủ và các cơ quan liên quan tiếp tục thực hiện.
Một số kết quả thực hiện chính sách pháp luật về đầu tư công cho tam nông giai đoạn 2006-2011 1. Huy động vốn đầu tư công cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn từng bước được nâng lên Thời gian qua, phương thức hoạt động của các hợp tác xã bước đầu được đổi mới, phù hợp hơn với cơ chế thị trường. Việc thực hiện chính sách đầu tư công đã góp phần hỗ trợ cho hoạt động của hợp tác xã, một số hợp tác xã hoạt động hiệu quả, tạo lòng tin, mang lại lợi ích cho xã viên, góp phần giải quyết việc làm và tăng thêm thu nhập cho người lao động . Trong tổng số 14.233 hợp tác xã đang hoạt động có 6.372 hợp tác xã nông nghiệp, chiếm 44,7%, tập trung nhiều nhất ở vùng đồng bằng sông Hồng với 3.155 hợp tác xã, chiếm gần 50% số hợp tác xã nông nghiệp của cả nước; 59 hợp tác xã lâm nghiệp; 200 hợp tác xã thuỷ sản. Nhiều hợp tác xã nông nghiệp đã thể hiện được vai trò trong việc hướng dẫn chuyển giao tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; cung ứng vật tư, dịch vụ thủy lợi, tiêu thụ sản phẩm, việc làm. |