Bài 1: Một nguồn gốc đất, hai chính sách đền bù

Giới trẻ - Ngày đăng : 06:40, 05/06/2012

(HNM) - Hơn 20 năm sinh sống ổn định trên mảnh đất được hợp tác xã giao cho, bỗng một ngày 11 hộ xã viên Hợp tác xã Vận tải xây dựng Bình Minh (HTX Bình Minh) ngỡ ngàng nhận được thông báo của UBND phường Thịnh Liệt, quận Hoàng Mai về việc thu hồi đất để thực hiện dự án xây dựng Công viên Yên Sở khu A…


Dự án "từ trên trời rơi xuống"...?

Năm 1986, UBND huyện Thanh Trì có Quyết định số 407/UB - HTX thành lập HTX Vận tải Sở Thượng (HTXVT Sở Thượng) trên cơ sở "nâng cấp" Tổ vận tải chuyên dùng Sở Thượng thuộc xã Yên Sở. HTX có 30 hộ xã viên, nằm rải rác hai bên đầu cầu Pháp Vân, thuộc địa bàn của hai xã Thịnh Liệt và Yên Sở. Những ngày đầu mới hoạt động, nguồn thu chính của HTX là chở gạo bằng xe súc vật kéo từ bến Cảng Phà Đen về Công ty Lương thực Thanh Trì. Năm 1986, do nhu cầu phục vụ vận tải, UBND huyện Thanh Trì đã giao cho HTXVT Sở Thượng quản lý, sử dụng hai khu đất tại Đồng Giếng và đồng Mục Bài thuộc xã Yên Sở. Tiếp đó, ngày 4-4-1986, UBND huyện Thanh Trì có công văn số 71/CV-UB, đồng ý cho HTXVT Sở Thượng tạm sử dụng khu đất có diện tích 870m2 tại phường Thịnh Liệt (khu vực đồng Mục Bài) để làm cầu rửa xe. Ngày 4-1-1990, UBND huyện Thanh Trì có thông báo số 182/CV-HTT tạm thời cho phép HTXVT Sở Thượng quản lý khu đất này để phục vụ rửa xe ô tô và làm nhà bảo vệ. Do nhu cầu giải quyết đời sống cho các hộ xã viên, năm 1991, HTX đã báo cáo UBND xã Yên Sở và ngành chức năng về việc xây dựng nhà ở kết hợp dịch vụ vận tải tại khu đất trên. Căn cứ nghị quyết đại hội xã viên, năm 1992, Chủ nhiệm HTX Vũ Xuân Hiền đã ban hành nhiều quyết định về việc giao nhà ở, cửa hàng cho các hộ gia đình xã viên HTXVT Sở Thượng.

Những căn hộ của các xã viên HTX Bình Minh sử dụng ổn định từ trước năm 1992.


Năm 1997, HTX đã có đơn gửi UBND huyện Thanh Trì xin chuyển đổi mục đích sử dụng đất để làm văn phòng giao dịch và nhà ở cho xã viên. Tại công văn số 50/TB-UB ngày 16-5-1998, Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Trì ký, đã "đồng ý" cho HTXVT Sở Thượng làm thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất sang làm dịch vụ nhà ở... Thời điểm năm 2004, thành phố thực hiện việc chia tách địa giới hành chính, một phần diện tích đất của huyện Thanh Trì được chuyển về quận Hoàng Mai. HTXVT Sở Thượng cũng chính thức đổi tên thành HTX Vận tải xây dựng Bình Minh (HTX Bình Minh). Số xã viên HTX Bình Minh lúc này chỉ còn lại 24 hộ thuộc địa bàn phường Thịnh Liệt. Năm 2005, khi thành phố thực hiện GPMB lấy đất xây dựng tuyến đường Vành đai 3, 13 hộ xã viên HTX Bình Minh trong diện bị giải tỏa được thành phố và quận Hoàng Mai hỗ trợ đền bù theo chính sách hiện hành, tạo điều kiện mua nhà tái định cư tại khu TĐC Yên Sở. 11 hộ xã viên còn lại tiếp tục sống và làm ăn yên ổn trên khu đất đã được giao nằm ven đường Pháp Vân, thuộc tổ 31 phường Thịnh Liệt, không có tranh chấp, khiếu kiện.

Đùng một cái, năm 2011, 11 hộ xã viên HTX Bình Minh bất ngờ nhận được công văn của UBND phường Thịnh Liệt, thông báo toàn bộ diện tích đất họ đang sử dụng đều nằm trong chỉ giới thu hồi thực hiện dự án xây dựng Công viên Yên Sở khu A. Ngạc nhiên hơn, tại văn bản xác nhận của UBND phường Thịnh Liệt ngày 15-9-2011 đã kết luận nguồn gốc đất của 11 gia đình xã viên HTX Bình Minh sinh sống nhiều năm nay là "đất đã bàn giao cho BQLDA Thoát nước Hà Nội quản lý diện tích 1.721m2 theo biên bản bàn giao giữa UBND xã Thịnh Liệt và BQLDA Thoát nước Hà Nội (biên bản bàn giao ngày 10-4-1998). Không đủ điều kiện bồi thường". Ngay sau khi nhận được thông báo của UBND phường, Ban Quản trị HTX Bình Minh và 11 hộ gia đình xã viên đã đồng loạt có đơn đề nghị gửi tới các cấp có thẩm quyền, khẳng định họ chưa từng nhận được bất cứ một quyết định thu hồi hay phương án đền bù nào để thực hiện dự án như thông báo của UBND phường Thịnh Liệt. Càng không có chuyện đất của các hộ xã viên đã được bàn giao cho BQLDA Thoát nước Hà Nội. Tuy nhiên, bất chấp kiến nghị của người dân, ngày 27-4-2012, UBND phường Thịnh Liệt đã có thông báo số 51/TB-UBND về việc "niêm yết công khai phương án dự thảo bồi thường, hỗ trợ đối với 11 hộ gia đình có công trình tài sản xây dựng trên phần đất công khu đồng Mục Bài - tổ 31 - phường Thịnh Liệt". Đáng lưu ý, theo phương án dự thảo bồi thường, hỗ trợ mà UBND phường Thịnh Liệt đề xuất, mỗi hộ xã viên HTX Bình Minh không được mua nhà tái định cư mà chỉ được nhận tiền bồi thường về công trình, vật kiến trúc với mức tiền từ 2,5 đến 4,2 triệu đồng. Vậy là, hơn 20 năm sinh sống ổn định trên mảnh đất được giao, 11 hộ xã viên HTX Bình Minh đang đứng trước nguy cơ "không tấc đất cắm dùi", trong khi số tiền đền bù mà họ được nhận không đủ mua một chỉ vàng theo thời giá hiện tại!

Một nguồn gốc đất, hai chính sách đền bù

Có mặt tại khu đất nơi 11 hộ xã viên HTX Bình Minh sinh sống tại tổ 31, phường Thịnh Liệt, trước mắt chúng tôi hiện ra những gian nhà cấp 4 xiêu vẹo nằm giữa cánh đồng mênh mông nước. Tiếp chúng tôi trong gian nhà lợp tôn trống hoác, nóng hầm hập, ông Vũ Xuân Hiền - Chủ nhiệm HTX Bình Minh không giấu được bức xúc: "Hơn 20 năm làm Chủ nhiệm HTX Bình Minh, chưa bao giờ tôi cảm thấy bị uất ức như thế này. Năm 1986, khi UBND huyện Thanh Trì tạm giao cho HTX quản lý, sử dụng đoạn đường cụt, trong văn bản không hề có từ nào nói đây là "đất công". Kể từ khi có quyết định giao đất cho bà con xã viên HTX năm 1992 đến nay, chúng tôi đã ăn ở ổn định, không có biến động gì. Chẳng biết UBND phường Thịnh Liệt căn cứ vào văn bản nào để cho rằng khu đất chúng tôi đang sinh sống suốt 20 năm là "đất công", đã được bàn giao cho BQLDA Thoát nước từ năm 1998? Càng không hiểu vì sao sau 14 năm, đất của chúng tôi lại được chuyển từ tay BQLDA Thoát nước sang BQLDA Công viên Yên Sở khu A? Nếu là đất thuộc dự án thì tại sao không có quyết định thu hồi, không có phương án đền bù, hỗ trợ GPMB cho chúng tôi? Tại sao cùng một nguồn gốc đất do HTX giao cho, nhưng 13 hộ xã viên bị GPMB lấy đất xây dựng đường Vành đai 3 lại được nhận mức đền bù theo chính sách hiện hành, còn 11 hộ xã viên chúng tôi chỉ được nhận mức đền bù rẻ mạt? Chúng tôi đều là những xã viên cao tuổi, hiện không có công việc ổn định, chỉ có duy nhất mái nhà để che nắng, che mưa. Nếu thành phố cần lấy đất để GPMB xây dựng công trình công cộng, chúng tôi sẵn sàng bàn giao, với điều kiện phải được đền bù theo đúng quy định hiện hành. Với số tiền đền bù mà UBND phường Thịnh Liệt đưa ra, chắc chúng tôi chỉ còn nước ra gầm cầu để sống!".

Trên thực tế, những thắc mắc của ông Hiền và các hộ dân HTX Bình Minh là hoàn toàn có cơ sở. Trước đó, năm 2005, khi UBND TP Hà Nội thực hiện GPMB xây dựng tuyến đường Vành đai 3, 13 hộ gia đình xã viên HTX Bình Minh nằm trong diện bị thu hồi, giải tỏa. Sau khi xem xét kỹ hồ sơ, nguồn gốc đất, ngày 8-9-2006, UBND TP có văn bản số 4003/UBND-NNĐC cho phép các hộ được HTXVT Sở Thượng giao nhà, đất nhận hỗ trợ 60% giá đất ở và hưởng chính sách mua nhà tái định cư. Ngày 3-9-2009, Hội đồng bồi thường, hỗ trợ và tái định cư quận Hoàng Mai đã ban hành phương án chi tiết bồi thường, hỗ trợ và tái định cư cho 13 hộ xã viên HTX Bình Minh. Theo đó, ngoài số tiền đền bù 8,2 triệu đồng/m2, mỗi hộ xã viên còn được tạo điều kiện mua 40m2 nhà tại khu tái định cư X2A Yên Sở để ổn định cuộc sống. Như vậy, cùng một khu đất được HTX Bình Minh giao cho các hộ xã viên, cùng được thu hồi, GPMB để thực hiện hai dự án phục vụ mục đích công cộng của thành phố, nhưng mức bồi thường, hỗ trợ mà các hộ xã viên nhận được tại dự án xây dựng Công viên Yên Sở khu A lại kém các xã viên trong diện thu hồi đất xây dựng đường Vành đai 3 "một trời một vực"!

Nhóm PV Điều tra