Cải cách chính sách tiền lương - các vấn đề mấu chốt
Đời sống - Ngày đăng : 16:52, 04/06/2012
Để khắc phục những vấn đề trên, đòi hỏi có lộ trình khoa học… Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XI đã yêu cầu phải khẩn trương xây dựng chính sách cải cách tiền lương để khắc phục những vấn đề đó…
Có thể nói qua 10 năm thực hiện cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội và trợ cấp ưu đãi người có công chúng ta đã đạt được một số kết quả nhất định. Về cải cách chính sách tiền lương là đã hình thành được hệ thống lương tối thiểu và cơ chế xác định, điều hành theo cơ chế thị trường, Chính phủ cũng đã xác định, công bố lộ trình và thực hiện thống nhất giữa các loại hình doanh nghiệp theo cam kết WTO, điều chỉnh tăng dần, từng bước hướng tới nhu cầu tối thiểu của người lao động, phù hợp với khả năng chi trả của doanh nghiệp, góp phần ổn định quan hệ lao động…
Tuy nhiên, hệ thống chính sách tiền lương hiện nay vẫn còn nhiều bất cập như mức lương tối thiểu vẫn chưa bảo đảm nhu cầu tối thiểu. Quan hệ tiền lương vẫn mang tính bình quân và thấp hơn nhiều so với quan hệ tiền lương trên thị trường. Hệ thống thang lương, bảng lương nhà nước còn rất phức tạp. Đối với DNNN, lương chưa là thước đo hiệu quả, năng suất lao động, năng lực của người lao động mà chủ yếu chỉ dùng để đóng hưởng BHXH. Một số doanh nghiệp trả tiền lương cao nhưng không phải do năng suất và hiệu quả cao mà chủ yếu do lợi thế ngành nghề trong xã hội, mức chênh lệch tiền lương giữa một số viên chức quản lý doanh nghiệp với người lao động cũng như với mặt bằng chung còn quá cao gây bức xúc trong dư luận. Còn các doanh nghiệp khác thì xây dựng thang, bảng lương mang tính đối phó và thường tách tiền lương thành phụ cấp, trợ cấp để giảm đóng tiền BHXH cho người lao động. Với cách trả lương như vậy nên chưa khuyến khích được người lao động, cán bộ, công chức, viên chức phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ…
Vì thế, trong năm 2012-2013, Đảng, Nhà nước yêu cầu phải khẩn trương bổ sung, sửa đổi một số chính sách cần thiết, nhằm sớm khắc phục những bất hợp lý nổi cộm hiện nay. Đồng thời, khẩn trương nghiên cứu xây dựng Đề án cải cách chế độ tiền lương giai đoạn 2013-2020 cùng với các đề án có liên quan, tạo bước đột phá trong vấn đề này.
Chính vì thế, trong các hội thảo cải cách chính sách tiền lương được tổ chức gần đây, hầu hết các ý kiến đều thống nhất về các bất cập của chính sách tiền lương. Vấn đề bây giờ là chọn kế sách nào và thực hiện bước đi như thế nào cho phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của Việt Nam. Một số chuyên gia cho rằng, điểm khởi đầu quan trọng nhất là phải xây dựng luật cơ bản về tiền lương thật rõ ràng, đúng đắn. Ví dụ như đưa ra định nghĩa về tiền lương, đề ra những nguyên tắc cơ bản tạo nên hệ thống lương công bằng và hợp lý, đặc biệt quy định rõ và nghiêm cấm một số vấn đề liên quan đến trả lương không có lợi cho người lao động…
Tiếp đó là các vấn đề về chính sách bảo vệ tiền lương (bao gồm làm thêm giờ và các khoản phúc lợi) và hướng tới việc thành lập các quỹ độc lập với chủ sử dụng lao động nhằm đảm bảo việc trả lương, đây đang là xu hướng chung của thế giới. Việc trả lương cũng cần phải công bằng, không phân biệt đối xử và cần xây dựng thành luật hoặc các chính sách mới, không chỉ dựa trên các khiếu nại của người lao động về lương mà nên ở tư thế chủ động ngăn ngừa trước…
Hai vấn đề mấu chốt trong chính sách cải cách tiền lương hiện nay được đông đảo ý kiến khẳng định chính là xác định mức lương tối thiểu và cách trả lương theo vị trí công việc.
Mức lương tối thiểu (còn gọi là mức lương sàn) là công cụ để nhà nước can thiệp trực tiếp vào vấn đề tiền lương. Đây là cách bảo vệ hiệu quả cho những người lao động hưởng lương thấp và người lao động không có tổ chức… Bên cạnh đó, cần có sự phân chia rõ ràng giữa khu vực tiền lương tối thiểu với khu vực tiền lương thương lượng tập thể. Tiền lương tối thiểu không thể thay thế tiền lương thương lượng tập thể. Nên chăng, cần chú ý tới vấn đề lương tối thiểu có tác động mạnh mẽ tới việc làm và chế độ đối với lao động.
Thông thường, ở các nước phát triển, người ta xây dựng các hội đồng tiền lương theo cơ chế ba bên: Doanh nghiệp - người lao động - nhà nước để xác định tiền lương tối thiểu. Hội đồng có thể quyết định mức này, hoặc là để Chính phủ quyết định trên cơ sở đề nghị của Hội đồng. Hiện nay, với mức lương tối thiểu mà Chính phủ quy định thực hiện từ 1/5/2012 là 1.050.000 đồng, có thể nói, cũng chưa thể đảm bảo nhu cầu sống tối thiểu cho một người.
Một vấn đề nữa là, nếu xem việc chi trả tiền lương như chi cho đầu tư phát triển thì phải coi tiền lương là giá cả sức lao động, được xác định theo nguyên tắc thị trường. Do đó, mức tiền lương trả cho người lao động phải căn cứ vào năng suất, kết quả lao động và mức đóng góp của người lao động tại vị trí họ đảm nhận công việc, trên cơ sở bảo đảm hài hòa lợi ích giữa người lao động và doanh nghiệp. Có như vậy mới góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ người lao động và minh bạch hoá các quan hệ xã hội. Đây là một vấn đề khó khăn nhất hiện nay vì nó phải đồng thời với sự tinh giản bộ máy, tái cấu trúc nền tài chính công, tái cấu trúc đơn vị sự nghiệp công và tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước… Có thể thấy sự thành bại trong cải cách chính sách tiền lương là ở chỗ này vì nó gắn liền với lợi ích của một nhóm người.
Tuy nhiên, cải cách chính sách theo hướng này cần có lộ trình và có thể chuyển dần từng bước sang trả lương theo việc. Ngoài ra, một số chuyên gia nước ngoài cho rằng, Việt Nam nên thực hiện theo cơ chế “toàn tâm cống hiến” với ý nghĩa là cán bộ và công chức được hưởng mức cao hơn nhưng minh bạch hơn và họ không được phép tham gia các hoạt động tạo ra các nguồn thu nhập thêm từ bên ngoài… Có thể, trước mắt, nên thí điểm cải cách tiền lương theo cơ chế “toàn tâm cống hiến” ở các vị trí lãnh đạo cấp cao... Bởi số lượng công chức ở những vị trí này nhỏ hơn so với các nhóm công chức khác; trách nhiệm của họ trong việc nâng cao hiệu quả của khu vực Nhà nước là rất lớn và họ có vai trò “đầu tàu” gương mẫu trong hệ thống công vụ...
Từng bước xây dựng một cách khoa học, hiệu quả trong từng mắt xích của quy trình cải cách chính sách tiền lương sẽ là một “đòn bẩy” để mỗi người đều có sự gắn bó mật thiết với công việc tương xứng. Từ đó, sẽ tạo nên một xã hội hài hoà và phát triển…