Đa dạng mô hình nông nghiệp ven đô
Xã hội - Ngày đăng : 06:54, 04/06/2012
Chăm sóc hoa tại xã Đông Ngạc (huyện Từ Liêm). Ảnh: Trung Kiên
Theo Hội Nông dân quận Hà Đông, hiện toàn quận chỉ còn hơn 1.200ha đất nông nghiệp trong khi số người trực tiếp sống bằng nông nghiệp chiếm khoảng 45% dân số. Bà Đỗ Thị Năm, Phó Chủ tịch Hội Nông dân quận Hà Đông cho biết, cùng với các ngành nghề dịch vụ, buôn bán, việc phát triển các mô hình trồng rau an toàn, hoa, cây cảnh không chỉ tạo việc làm, mà còn góp phần đáng kể tăng thu nhập cho nông dân. Với diện tích 1.000m2, ông Đặng Như Thưởng, phường Yên Nghĩa đã đầu tư trên 300 triệu đồng để xây dựng hệ thống giàn treo, giàn phun nước cho hàng nghìn chậu lan, giò lan… thu về hàng trăm triệu đồng/năm. Từ một vài hộ, đến nay phong trào trồng hoa lan đã lan ra nhiều xã, phường của quận Hà Đông như Phú Lãm, Biên Giang, Văn Quán…
Nhiều nông dân huyện Từ Liêm đã tìm được các mô hình nông nghiệp phù hợp trong bối cảnh đất chật người đông. Anh Nguyễn Thái Vinh xã Phú Diễn có 15 năm trồng cỏ để bán, chia sẻ: nắm bắt được nhu cầu trang trí nhà cửa, công trình bằng những nguyên liệu tự nhiên, anh đã thuê hơn 1 mẫu ruộng trồng cỏ để trang trí biệt thự, nhà hàng, khách sạn... Với 2 mẫu cỏ giống để bán, trừ chi phí, thuê 10 nhân công, mỗi năm anh Vinh để dành được khoảng 200 triệu đồng. Ở Phú Diễn còn 40 hộ chuyển đổi những thửa ruộng còn lại sau thu hồi đất thành những thảm cỏ đẹp cho giá trị cao.
Nguyễn Quang Thu ở thôn Đông Hạ xã Đắc Sở, huyện Hoài Đức trồng 2 mẫu phật thủ cho thu nhập 40-50 triệu đồng/sào. Đưa cây phật thủ "lên ngôi" anh mở rộng diện tích trên quy mô 1 hécta tại huyện Lục Ngạn tỉnh Bắc Giang thu lãi trên 1 tỷ đồng/năm.
Tại Hà Nội, phong trào nông dân sản xuất kinh doanh giỏi phát triển cả chiều rộng và chiều sâu, có sức lan tỏa ở tất cả các lĩnh vực sản xuất, lôi cuốn, khích lệ hàng triệu hộ tham gia. Từ phong trào này, nhiều hộ nông dân sau thu hồi đất đã tìm được các mô hình sản xuất, kinh doanh phù hợp, hiệu quả cao. Hoạt động của các tổ chức Hội Nông dân ven đô đã và đang có những thay đổi về chất rõ rệt. Thực tế đặt ra nhiều vấn đề đòi hỏi Hội Nông dân các cấp phải có mô hình tổ chức và nội dung hoạt động phù hợp bởi tính đặc thù, không giống như các cơ sở Hội nông dân ở các xã vùng nông thôn thuần túy.
Chủ tịch Hội Nông dân Hà Nội Trịnh Thế Khiết cho rằng, để đưa tiến bộ KHKT tới nông dân, TP cần tăng nguồn vốn đầu tư lớn, có cơ chế, chính sách khuyến khích hỗ trợ thúc đẩy sản xuất nông nghiệp; nâng cấp, cải thiện hạ tầng giao thông để rút ngắn khoảng cách giữa ngoại thành và nội thành, tăng cường thông tin quảng bá và xúc tiến thương mại, giới thiệu sản phẩm rộng rãi hơn, góp phần thay đổi tư duy sản xuất của nông dân theo hướng bền vững.n