Nón Phú Châu

Xã hội - Ngày đăng : 07:06, 03/06/2012

(HNM) - Theo giới thiệu của ông Nguyễn Xuân Đoàn, Phó Chủ tịch UBND xã Phú Châu, huyện Ba Vì thì tuy không phải là nghề truyền thống của địa phương, song nghề làm nón đã nhanh chóng lan rộng ra cả xã. Đến nay, ở Phú Châu gần như 100% số hộ làm nghề khâu nón. Tuy nghề không làm giàu nhanh nhưng đã mang lại đời sống tươm tất cho người dân.

Một góc làng quê Phú Châu. Ảnh: Nguyễn Mai

Men theo triền đê sông Hồng yên bình, chúng tôi về xã Phú Châu. Anh bạn đi cùng cứ tấm tắc, tốc độ đô thị hóa nhanh chóng mặt đang diễn ra ở nhiều nơi nhưng ở Phú Châu vẫn giữ được vẻ yên bình. Qua những xóm làng hiền hòa, trên những con đường bê tông trải rộng, khang trang, những ngôi nhà mái ngói thâm nâu nằm xen với các vườn cây xanh ngắt, chúng tôi đến thôn Phú Xuyên, thôn khởi nguồn của nghề làm nón Phú Châu nói riêng, Ba Vì nói chung. Đang trong hè, nắng mưa thay đổi thất thường, kèm với vụ mùa cấy gặt nên nhu cầu sử dụng nón của chị em tăng cao. Đây cũng là dịp các em nhỏ được nghỉ hè nên nhà nào nhà ấy tập trung cao độ vào sản xuất.

Gia đình chị Nguyễn Thị Thơm, xóm 12 thôn Phú Xuyên làm nón hàng chục năm nay. Chị cho hay, từ lúc lên 6, lên 7 tuổi đã được bà, được mẹ dạy cho nghề khâu nón và duy trì mãi nghề này. "Đến nay, ngoài làm ruộng, chăn nuôi, hễ có thời gian rảnh là 4 mẹ con nhà tôi lại tập trung vào khâu nón. Chịu khó, mỗi ngày cũng khâu được 5-7 chiếc, sáng ra đi chợ nón Phú Châu bán thu tiền ngay. Quả thực, nếu không khâu nón, chúng tôi chẳng biết làm gì những ngày nông nhàn" - chị Thơm cho biết.

Theo giới thiệu của người làng, công "cấy nghề" về Phú Châu chính là cụ bà Phạm Thị Nhàn, người gốc làng Chuông, huyện Thanh Oai. Năm 1939, cụ Nhàn đã lấy chồng về thôn Phú Xuyên, xã Phú Châu và mang theo nghề làm nón về đây. Mới đầu, cụ dạy cho một số người, sau đó dân làng bảo nhau và mở rộng ra cả thôn rồi lan sang các thôn xung quanh và trở thành nghề của toàn xã. Cũng giống như cách làm nón ở làng Chuông, nón lá Phú Châu nhẹ, bền và đẹp bởi nón chỉ có 15 lớp vòng (ít hơn 3 đến 5 vòng so với nón làng nghề khác) nhưng vẫn giữ được độ chắc chắn. Làm nón có nhiều khâu, nhưng khó nhất là khâu quay nón - đòi hỏi người thợ phải có tay nghề cao, cẩn thận, tỉ mỉ thì nón mới phẳng. Đây là công đoạn quyết định độ thẩm mỹ của chiếc nón.

Theo Phó Chủ tịch UBND xã Phú Châu Nguyễn Xuân Đoàn, đến nay cả 3 thôn của xã gồm Phú Xuyên, Phong Châu và Liễu Châu với hơn 2.500 hộ dân có nghề làm nón. Nghề khâu nón ngày càng phát triển thuận lợi, việc sản xuất dần đi vào chuyên môn hơn. Để cung cấp nguyên liệu cho sản xuất, nhiều hộ đầu tư xe ô tô tải lên rừng gom lá, mua nứa về bán cho các hộ pha chế nguyên, vật liệu. Mới đây, ông Lê Văn Hiếu, thôn Phú Xuyên còn sáng tạo ra máy vò lá nón thay thế cách vò lá thủ công bằng chân. Tính ra, mỗi máy năng suất bằng hàng trăm ngày công lao động trước đây cộng lại. Năm 2009, đề án "Tăng cường và phát triển làng nghề" ở Phú Châu được triển khai với kinh phí 100 triệu đồng, xã đã mở 5 lớp tập huấn, phổ biến kỹ thuật, nâng cao tay nghề, phát huy nghề nón truyền thống. Đây là động lực lớn để người dân trong xã duy trì và phát triển nghề này.

Vào các buổi sáng, chợ nón Phú Châu lại nhộn nhịp không khí bán mua. Người mang nón thành phẩm ra chợ bán, người ra chợ mua lá, hoa, vanh, cước… về khâu. Chợ Phú Châu không chỉ thu hút hàng trăm người dân trong xã mà còn có cả những người ở các xã bên như: Vật Lại, Tây Đằng về đây thu mua hàng rồi chuyển về các chợ lớn như Quảng Oai, thậm chí lên tận Phú Thọ. Nghề làm nón không dễ làm giàu song nó đã mang lại đời sống kinh tế ổn định cho nhiều hộ dân. Đến nay, nghề này chiếm khoảng 20% giá trị kinh tế ở địa phương. Hiện thu nhập bình quân đầu người ở Phú Châu đã đạt trên 17 triệu đồng/người/năm, 90% đường làng ngõ xóm đã được bê tông hóa khang trang, sạch sẽ. Phú Châu đang thực hiện xây dựng nông thôn mới, kinh tế làng nghề hứa hẹn là một trong những điểm nhấn để đưa phong trào về đích đúng hẹn vào năm 2015.

Nguyễn Mai