“Khu rừng” cần thêm tiếng vọng

Văn hóa - Ngày đăng : 06:51, 03/06/2012

(HNM) - Viết văn cho thiếu nhi hôm nay không còn trong tình trạng "như đi qua khu rừng vắng vẻ đến rợn ngợp" như nhà văn Võ Quảng từng nhận xét, song nó lại đang đối diện với nhiều mối băn khoăn khác…

Những ngày đầu tháng 6, tại nhiều hiệu sách ở Hà Nội, phụ huynh ra vào tấp nập mua sách làm quà cho con em nhân ngày Quốc tế thiếu nhi. Hai sự kiện khác diễn ra dịp này là Tháng sách nhân kỷ niệm 55 năm thành lập NXB Kim Đồng và Festival Truyện tranh lần thứ III cũng thu hút nhiều hơn sự quan tâm của bạn đọc với mảng sách này.

Văn học thiếu nhi cần có sự đầu tư và phát triển mạnh hơn nữa trong thời gian tới.

Chưa hợp thành đội ngũ

Nhìn từ sự phát triển của NXB Kim Đồng trong 55 năm qua, có thể nhận thấy văn học thiếu nhi đã có giai đoạn "bề thế", phát triển vững vàng nhờ đội ngũ người viết tâm huyết, tài năng như Tô Hoài, Nguyễn Huy Tưởng, Phạm Hổ, Đoàn Giỏi, Võ Quảng, Định Hải, Xuân Quỳnh… Sau giai đoạn ấy, một loạt tác phẩm đoạt giải thưởng trong các cuộc thi sáng tác truyện cho thiếu nhi trong những năm 1980-2000 được tái bản vừa qua thêm một lần khẳng định cho sự nối tiếp chắc chắn trong đội ngũ viết cho thiếu nhi. Đó là loạt truyện lịch sử của Hà Ân, Nguyễn Đức Hiền, Nghiêm Đa Văn, các tác phẩm giàu chất văn, đầy ắp không khí tuổi học trò trong trang viết của Nguyễn Ngọc Thuần, Phạm Ngọc Tiến, Kao Sơn, Nguyễn Nhật Ánh, Phan Thị Thanh Nhàn… Nối tiếp những cây bút này là ai và văn học thiếu nhi sẽ phát triển ra sao?

Dễ nhận thấy sách cho thiếu nhi hôm nay của các tác giả trong nước vô cùng phong phú. Ngoài những cây bút đã thành danh nói trên, đội ngũ tác giả của những trang văn hướng tới lứa tuổi học trò vẫn không ngừng mở rộng. Đó có thể là hai thế hệ tiếp nối như mẹ con nhà văn Nguyên Hương và Hương Nam, là những cây bút mới được phát hiện qua cuộc vận động sáng tác văn học cho thiếu nhi (Hội Nhà văn Đan Mạch, NXB Kim Đồng, Hội Nhà văn Hà Nội tổ chức) như Phạm Hoàng Giang, Lê Thanh Tùng, Lê Bình… Có khi là một học sinh trung học như Tô Đức Quỳnh hay cậu bé lớp 5 Nguyễn Bình. Một số nhà văn trẻ như Phong Điệp, Nguyễn Xuân Thủy… cũng ít nhiều dành thời gian viết cho bạn đọc nhỏ tuổi. Đặc biệt, văn học viết cho tuổi mới lớn xuất hiện khá rôm rả với nhiều cây bút thuộc lứa 9X, đã có vị trí xác định cho dù luôn phải giành "thị phần" với sách "nhập ngoại".

Tuy nhiên, như nhà văn Văn Hồng nhận định từ năm 2003, "khu rừng" văn học thiếu nhi hôm nay rộn rịp hơn nhưng tình trạng hú lên không có người đáp thì vẫn còn đấy. Nghĩa là, vì một số lý do mà nhiều trang văn hay chưa đến được với bạn đọc. Từ "hiện tượng" Nguyễn Nhật Ánh, mừng thì mừng thật đấy nhưng vẫn thấy băn khoăn bởi không mấy người có được sức bật vọt khỏe khoắn như nhà văn này. Sau những cuộc vận động sáng tác cho thiếu nhi, hầu hết tác giả không có cơ hội tiếp tục con đường đòi hỏi sự bền bỉ, luôn phải "trẻ hóa tâm hồn". Có tác giả trẻ vừa thành công với những tác phẩm viết cho thiếu nhi đã vội tuyên bố… sẽ tạm dừng để viết truyện cho người lớn.

Một đội ngũ người viết cho thiếu nhi chuyên nghiệp, đủ sức tạo nên những tiếng vọng lớn từ cộng đồng trẻ tuổi chưa thể có được, thực là đáng tiếc!

Thương hiệu Việt

Sách kiến thức cho thiếu nhi có thể nhập ngoại, không sao. Nhưng một đứa trẻ lớn lên không thể chỉ đọc mọi thứ thuộc về thế giới mà bỏ qua lịch sử, tâm hồn, chuyện ông bà, quê hương, xứ sở… Văn học thiếu nhi góp phần làm giàu tâm hồn trẻ, xây dựng nhân cách con người trong thời đại mới. Bên cạnh đó, tác phẩm viết cho thiếu nhi còn giúp trẻ mở lối ra thế giới.

Nhà thơ Nguyễn Phan Quế Mai khi sống và làm việc tại Phillipines đã cùng các phụ huynh tổ chức câu lạc bộ đọc sách văn học cho thiếu nhi bằng tiếng mẹ đẻ của chúng tại một trường quốc tế ở đây. Văn học bằng ngôn ngữ bản địa đã trở thành lối đi và cũng là nẻo về của con người trong một thế giới phẳng.

Jean-Claude Servais, tác giả, họa sĩ truyện tranh nổi tiếng người Bỉ đến với thế giới truyện tranh nhờ dấu ấn về đời sống miền quê hoang dã của ông. Tại thủ đô của vương quốc Bỉ có riêng một trung tâm truyện tranh (CBBD) với diện tích mặt bằng hơn 4.000m2, mỗi năm đón trên 200.000 lượt khách tham quan, khám phá không chỉ truyện tranh của Bỉ mà còn là cả nền truyện tranh Châu Âu.

Rõ ràng, những loại hình nghệ thuật hấp dẫn này đã thể hiện vai trò về kinh tế và cầu nối văn hóa rõ nét.

Văn học thiếu nhi của Việt Nam không phải không có dấu ấn nhất định trên thế giới. "Dế mèn phiêu lưu ký" của Tô Hoài, gần đây là các tác phẩm của Nguyễn Nhật Ánh, rồi Nguyễn Ngọc Thuần đã được dịch sang nhiều thứ tiếng, đoạt giải thưởng quốc tế… Nhưng, chỉ ít ỏi thế thôi thì chưa đủ làm rạng danh văn chương thiếu nhi nước ta trong con mắt bạn bè thế giới. Phải có thêm nhiều giọng điệu hấp dẫn, thêm nhiều trang viết có sức lay động, nhiều câu chuyện bắt nguồn từ chất liệu đời sống đủ để công chúng phải đáp lời sôi nổi hơn. Quanh ta, bạn bè có nơi phát triển truyện giả tưởng, chỗ lại đầu tư chuyển thể tác phẩm kinh điển sang truyện tranh, chỗ khác hướng vào văn học dành cho tuổi mới lớn…

Đến một lúc nào đó, văn học thiếu nhi trong nước cũng phải nghĩ cách tạo lập thương hiệu "made in Viet Nam". Muốn thế, tác giả không thể không đam mê, đơn vị xuất bản phải có chiến lược và Nhà nước có chính sách hỗ trợ.

Thi Thi