Chủ động, linh hoạt giúp doanh nghiệp vượt khó

Xã hội - Ngày đăng : 06:31, 03/06/2012

(HNM) - Từ đầu năm 2012 tới nay, nền kinh tế Việt Nam tiếp tục phải đối mặt với những thách thức. Nhiều doanh nghiệp (DN) rơi vào tình trạng hụt hơi do thiếu vốn duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh trong khi chi phí đầu vào tăng cao, sản phẩm làm ra tồn đọng…

Trước tình hình đó, ngày 10-5-2012, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 13/NQ-CP về việc miễn, giảm, gia hạn một số khoản thu ngân sách. Trị giá gói giải pháp tài chính này lên tới 29.000 tỷ đồng. Vấn đề đặt ra là phải tổ chức triển khai như thế nào để cộng đồng DN sớm tiếp cận những lợi ích từ chính sách nêu trên, nhanh chóng vượt qua khó khăn. Đó cũng chính là nội dung cuộc đối thoại của phóng viên Báo Hànộimới với ông Phi Vân Tuấn, Cục trưởng Cục Thuế thành phố Hà Nội.

Nhiệm vụ của ngành thuế là rất căng thẳng

- Thưa ông, thời điểm này hoạt động sản xuất, kinh doanh của cộng đồng DN trên địa bàn TP Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung đang hết sức căng thẳng?

- Vâng! Năm 2011, có 65% số DN trên địa bàn Hà Nội làm ăn thua lỗ. Con số đó của cả nước là hơn 60% với khoảng trên 130.000 tỷ đồng. Năm tháng đầu năm 2012, có khoảng 6.000 DN của Hà Nội nộp đơn xin tạm dừng hoạt động và ngừng nộp thuế.

- Bối cảnh đó có tác động đến hoạt động nghiệp vụ của ngành thuế?

- Sự suy giảm của nhiều lĩnh vực kinh tế như bất động sản, chứng khoán, xây dựng… đã ảnh hưởng trực tiếp tới các ngành sản xuất và một số loại hình dịch vụ. Ví dụ khi xây dựng đình trệ thì các ngành sản xuất nguyên vật liệu xây dựng như xi măng, sắt thép, gạch lát… không thể tiêu thụ được sản phẩm; kéo theo là dịch vụ vận tải, thị trường lao động… Chi phí đầu vào lớn, hàng tồn kho tăng, người lao động thiếu việc làm, nguồn tiền mặt khan hiếm, lãi suất ngân hàng ở mức cao… Tất cả những điều đó đều có mối liên quan mật thiết với nhau. Khi kinh tế suy giảm, DN làm ăn kém hiệu quả, hoạt động sản xuất, kinh doanh giảm sút thì việc thực hiện nhiệm vụ của cơ quan thuế cũng sẽ rất khó khăn.

- Từ đầu năm tới nay, nhiều DN trên địa bàn thành phố làm ăn thua lỗ và dừng hoạt động như vậy, liệu việc thu ngân sách của Hà Nội trong năm 2012 có đạt mục tiêu đặt ra?

- Đương nhiên là sẽ có những ảnh hưởng. Điều đó ngay cả Quốc hội và Bộ Tài chính cũng đã dự báo. Nhưng vấn đề là ở chỗ, chúng ta triển khai những giải pháp gì để khắc phục tình trạng đó sao cho khó khăn sớm qua đi và thiệt hại cũng như những ảnh hưởng (nếu có) ở mức độ thấp nhất.

- Tình hình thu thuế của Hà Nội hiện nay như thế nào và kế hoạch đặt ra trong năm 2012 ra sao, thưa ông?

- Năm 2012, kế hoạch đặt ra là 135.000 tỷ đồng tiền thuế, tính tới thời điểm này Hà Nội đã thu được trên 55.000 tỷ đồng, một số khu vực đang giảm thu rất mạnh, đặc biệt là số DN nhỏ và vừa.

- Nhưng nhìn vào con số, như vậy là khá khả quan?

- Số thu nêu trên mới chỉ bằng 98-99% so với cùng kỳ năm trước. Nhà nước giao chỉ tiêu thu thuế năm 2012 tăng 17% so với năm 2011. Trong khi đó, thời điểm này còn chưa bằng cùng kỳ năm trước chứ chưa nói tới số tăng thêm. Phân tích để thấy công việc của ngành thuế Hà Nội là rất căng thẳng. Xin nhấn mạnh, Hà Nội và TP Hồ Chí Minh là hai "đầu tàu" kinh tế đóng góp chủ yếu cho tổng thu ngân sách quốc gia.

29.000 tỷ đồng không phải là "quà tặng" dành cho tất cả các DN

- Được biết, ngành thuế Hà Nội đã có các kế hoạch, giải pháp nhằm chủ động tháo gỡ những khó khăn cho các DN. Ông có thể cho biết cụ thể hơn về điều này?

- Từ trước khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 13/NQ-CP, chúng tôi đã tham mưu, đề xuất với Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế và lãnh đạo TP Hà Nội một số vấn đề cần thực hiện. Đó là việc điều chỉnh các chính sách vĩ mô trong việc giãn, giảm thuế để hỗ trợ cho các DN; kiến nghị với khối ngân hàng về việc giảm lãi suất cho vay, mở rộng đối tượng cho vay; thực hiện các chương trình bán hàng bình ổn giá, đưa hàng bình ổn giá về khu vực ngoại thành, giúp các DN đẩy mạnh việc tiêu thụ sản phẩm; lập các Quỹ hỗ trợ của TP giúp các DN có thêm nguồn vốn…

- Những kế hoạch, giải pháp đó đã phát huy hiệu quả như thế nào, thưa ông?

- Cũng như việc triển khai Nghị quyết 13/NQ-CP, mục tiêu mà những kế hoạch, giải pháp chúng tôi đưa ra là giúp các DN nhanh chóng ổn định hoạt động sản xuất, kinh doanh. Làm ăn có được duy trì, ổn định thì mới có thể nghĩ tới chuyện tăng trưởng. Do đó, những việc làm ngày hôm nay là nhằm thu được hiệu quả trong tương lai. Chứ ở đây hiệu quả không phải là cái nhìn thấy ngay.

- Trở lại với gói hỗ trợ về việc miễn, giảm, gia hạn một số khoản thu ngân sách theo tinh thần của Nghị quyết 13/NQ-CP, nhiều DN thắc mắc khi thấy mình không trong diện được thụ hưởng một số chính sách ưu đãi. Đây không phải là tiền mặt Nhà nước "bung ra" để kích cầu kinh tế như đã thực hiện năm 2009. Thực chất 29.000 tỷ đồng là số tiền giãn, giảm thuế lẽ ra phải nộp cho Nhà nước thì nay được lưu giữ tại các DN.

- Vâng! Nhìn chung tất cả các DN của chúng ta đều đang gặp khó khăn về nguồn vốn, đặc biệt là các DN nhỏ và siêu nhỏ. Với gói hỗ trợ 29.000 tỷ đồng, các DN sẽ có thêm nguồn vốn, từ đó giảm việc đi vay tiền ngân hàng, đương nhiên sẽ giảm chi phí phải chi để trả lãi cho số tiền đi vay. Khi giảm được chi phí chung, các mặt hàng, sản phẩm DN làm ra có cơ hội giảm giá, thúc đẩy lẫn nhau để lưu thông hàng hóa.

- Như vậy, vấn đề DN có vượt qua được giai đoạn khó khăn này hay không phụ thuộc chính ở bản thân DN chứ gói hỗ trợ không phải "quà tặng" hay "chiếc bánh" dành cho tất cả các DN.

Ngành thuế có gây áp lực cho các DN?

- Có những ý kiến cho rằng, gói hỗ trợ 29.000 tỷ đồng mới giải quyết được phần trên của "tảng băng". Nghĩa là mới chỉ hỗ trợ, giúp đỡ các DN đang tồn tại, các DN làm ăn có lãi. Còn những DN đã "chết lâm sàng" hoặc đang ngắc ngoải thì không nằm trong số đối tượng được hỗ trợ. Ông nghĩ sao về vấn đề này?

- Về chính sách, cá nhân tôi cho rằng như vậy là đầy đủ và phù hợp. Đây cũng là cơ hội để tái cơ cấu các DN. Những DN năng lực yếu phải chấp nhận đào thải. Chính sách thuế chỉ hỗ trợ những người đóng góp về thuế còn lại là các chính sách vĩ mô khác cũng như thuộc diện đối tượng của các ngành khác như ngân hàng chẳng hạn.

- Như vậy nghĩa là có những điều các DN kêu… không chuẩn hoặc thiếu cơ sở?


- Vấn đề gì cũng vậy, ý kiến thì có nhiều. Quan trọng là xuất phát điểm đóng góp vì lợi ích tổng thể hay nêu xuất vì những lợi ích riêng. Tôi lấy ví dụ các DN kinh doanh mặt hàng bia. Họ cho rằng tăng thuế tiêu thụ đặc biệt từ 45% lên 50% là quá cao. Tuy nhiên, do điều tiết vĩ mô, chúng ta không khuyến khích sản xuất mặt hàng này. DN kêu thì không vào sản xuất mặt hàng này nữa chứ không thể đầu tư vào rồi lại… kêu.

- Xin trao đổi thêm với ông: Tôi cứ nghĩ như trên sân bóng thì cơ quan thuế như trọng tài, còn cộng đồng DN như các cầu thủ. Nhiều khi, DN sợ cơ quan thuế như cầu thủ sợ trọng tài. Mà những ông "vua sân cỏ" thì bao giờ cũng đúng?

- Tôi hiểu ý của các nhà báo. Quan điểm của chúng tôi là các thủ tục ưu đãi về thuế theo Nghị quyết 13/NQ-CP của Chính phủ nói riêng cũng như các chính sách khác về thuế nói chung phải được thực hiện theo hướng tinh giản, chặt chẽ, công khai, tránh kiểu "xin - cho", gây áp lực không đáng có cho DN.

- Vậy trong thời gian qua, ngành thuế Hà Nội thực hiện việc cải cách các thủ tục hành chính như thế nào?

- Chúng tôi bắt đầu từ công nghệ. Tới nay hầu hết các DN của Hà Nội đều thực hiện kê khai thuế qua mạng. Mọi việc đều được cố gắng tối đa thực hiện theo hướng công khai, minh bạch, từ đó chủ động phòng ngừa tiêu cực. Nội dung Nghị quyết 13/NQ-CP cũng vậy, chúng tôi nhanh chóng truyền tải tới các DN bằng nhiều con đường, trong đó chủ yếu là thông qua thư điện tử. Các DN có thể tự đối chiếu xem mình được hưởng những gì và phải làm những thủ tục gì… Tiếp đến có thể thấy cải cách mạnh mẽ ở bộ phận "một cửa". Chúng tôi cố gắng đáp ứng để người nộp thuế đến cơ quan thuế ít nhất, trong thời gian ngắn nhất, tiết kiệm nhất. Từ đó giảm nhân lực, thời gian, chi phí đi lại… để tập trung cho hoạt động sản xuất, kinh doanh. Đó là bề nổi. Còn về tổng thể thì toàn bộ ngành thuế phải xác định tư tưởng phục vụ.

- Ông có thể cho biết cụ thể hơn?

- Những bộ phận kê khai, hoàn thuế, thanh - kiểm tra… cũng phải tập trung cải cách. Công tác hoàn thuế có khẩn trương, kịp thời cũng hỗ trợ tốt cho DN. Bộ phận kiểm tra thuế cũng vậy, khi kiểm tra tại bàn, khi điện thoại trao đổi với DN, tất cả đều nhằm giảm cho DN thời gian khắc phục lỗi sai sau này. Để một năm sau dồn lại, DN vừa bị phạt, vừa mất thời gian tính toán để kê khai cho đúng… Cải cách trong ngành thuế rất phong phú và nằm ở nhiều nơi, nhiều bộ phận, liên quan tới từng cán bộ, nhân viên chứ không chỉ nhằm vào "một cửa".

Mong muốn, hướng tới mối quan hệ thân thiện

- Tôi nghĩ, dù có áp dụng công nghệ hiện đại, dù các chính sách, kế hoạch, biện pháp… có chuẩn đến đâu thì yếu tố con người vẫn là quan trọng nhất và quyết định tới hiệu quả.

- Tôi rất hiểu điều đó vì ra trường xong, tôi về làm việc tại Cục Thuế Hà Nội tới nay đã 27 năm, trong đó có một thời gian tôi làm việc tại bộ phận thanh tra.

- Công việc hằng ngày của ngành thuế là liên quan đến đồng tiền và tới các chính sách điều tiết vĩ mô. Ông có lo ngại anh em trong ngành vì đồng tiền mà làm sai lệch chính sách?

- Quan trọng là phải phân cấp chịu trách nhiệm và với từng phần việc phải có trọng tâm, trọng điểm. Về khía cạnh này, tôi đặc biệt chú trọng tới công việc của anh em Phòng kiểm tra nội bộ. Đây là bộ phận tập trung những con người tinh nhuệ, vừa làm nhiệm vụ sàng lọc cơ chế, chính sách, vừa tiến hành kiểm tra các quy trình, bảo vệ cán bộ. Việc kiểm tra có cái tuần tự, có cái đột xuất, chú trọng vào những khâu, phần việc nhạy cảm… Từ đó kịp thời rút kinh nghiệm những bất cập tồn tại, nhanh chóng khắc phục lỗ hổng trong quy trình. Hằng tuần các bộ phận đều phải tổ chức sinh hoạt công tác chuyên môn để có những chấn chỉnh cần thiết và nhận xét về phần việc của từng cá nhân chứ không phải 6 tháng, 1 năm mới tổ chức họp để đánh giá…

- Ông có thể dẫn chứng kết quả cụ thể của một công việc để cho thấy về năng lực chuyên môn, đội ngũ cán bộ làm công tác này đã có những chuyển biến nhất định?

- Vâng! 4 tháng đầu năm nay, chúng tôi đã tiến hành trên 1.000 cuộc thanh kiểm tra, truy thu hơn 300 tỷ đồng và giảm lỗ khoảng 400 tỷ đồng. DN thua lỗ nhiều cũng phải thanh kiểm tra, tìm ra những vấn đề cho thấy DN làm ăn không lỗ cũng là giúp DN phát triển sản xuất, kinh doanh và đóng góp vào ngân sách nhà nước.

- Như vậy là ngành thuế đồng hành với DN vượt qua khó khăn?

- Tôi không muốn dùng từ "đồng hành". Trên thực tế, ngành thuế và cộng đồng các DN có vai trò và công việc riêng, không thể đồng hành theo kiểu tôi thực hiện vai trò, công việc của anh và ngược lại. Theo tôi, ngành thuế và các DN phải cùng chia sẻ, giúp đỡ nhau làm tốt vai trò, phần việc của mình. Cơ sở để thực hiện điều đó là mối quan hệ thân thiện.

- Với góc độ nghiệp vụ của mình, ông đánh giá như thế nào việc thực hiện chính sách thuế của các DN hiện nay?

- Cộng đồng các DN của chúng ta đang chấp hành pháp luật ngày càng nền nếp hơn. Các DN cũng muốn xây dựng thương hiệu một cách bền vững chứ không phải làm ăn chộp giật, thời vụ. Công việc của chúng tôi là chia sẻ với các DN để bảo đảm sự công bằng.

- Vậy còn các DN, họ đánh giá như thế nào về ngành thuế Hà Nội? Chỉ số hài lòng của các DN đối với những người làm công tác này là bao nhiêu phần trăm?

- Tôi nghĩ việc này để các cơ quan khác như Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), các tổ chức trong và ngoài nước hay các cơ quan báo chí… đánh giá. Tôi chỉ mong giữa người thừa hành pháp luật (ngành thuế) và người chấp hành pháp luật (các DN) có sự thân thiện để đôi bên hiểu và giúp đỡ cho công việc của nhau.

- Chúng tôi cũng hy vọng điều ông nói nhanh chóng thành hiện thực và trước hết, kinh tế của Hà Nội cũng như của đất nước thời gian tới sẽ vượt qua những khó khăn thách thức. Cảm ơn ông về cuộc trao đổi cởi mở!

Hoàng Thu Vân - Khánh Ly