Vốn cho bất động sản vẫn tắc
Bất động sản - Ngày đăng : 08:22, 02/06/2012
Phải khơi thông tín dụng
TP Hồ Chí Minh hiện còn hơn 20.000 căn hộ tồn chưa bán được, dự báo sẽ tăng gấp đôi trong 3 năm tới. "Hàng" tồn quá nhiều trong khi "cầu" không có, khiến nhiều DN BĐS "chết cứng", kéo theo các ngành liên quan như vật liệu xây dựng, xây lắp, thiết kế, trang trí nội thất… đặc biệt là lực lượng lao động bị ảnh hưởng nặng nề.
Căn hộ “tồn kho” nhiều, nhưng người dân vẫn không có tiền mua.
Để tháo gỡ khó khăn, Chính phủ đã chỉ đạo ngân hàng giảm lãi suất, mở rộng đối tượng cho vay với BĐS. Tuy nhiên, các DN BĐS cho rằng, ngân hàng chỉ cho ăn "cá gỗ"(!). Tại hội thảo "Vực dậy nguồn lực BĐS" do Hiệp hội BĐS Việt Nam và Báo Lao Động vừa tổ chức, đại diện Ngân hàng ACB cũng thừa nhận, dù có nới lỏng chính sách và đang thừa vốn, nhưng ngân hàng chưa thể "mở cửa" cấp vốn cho DN BĐS, vì các DN không đủ điều kiện vay. Lãi vay BĐS vẫn ở mức cao, từ 17 - 19%, chưa thể giảm được.
TS Lê Xuân Nghĩa, Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cho rằng, suy kiệt nguồn vốn đang ngày càng nghiêm trọng, và tình trạng "đóng băng" tín dụng BĐS cực kỳ nguy hiểm. Việc Chính phủ nới lỏng một chút tài chính, tiền tệ không thể chống suy kiệt nguồn vốn, vì ở thời điểm này dù có cho vay DN cũng không đủ điều kiện vay. Vấn đề cốt lõi là phải giải quyết nợ xấu, bởi nó khiến ngân hàng và DN cùng điêu đứng. Chuyên gia kinh tế Lê Thẩm Dương đồng tình rằng, nếu ngân hàng không hạ chuẩn cho vay thì DN không tiếp cận được. Còn TS Lê Xuân Nghĩa khẳng định, phải "bóc" nợ xấu cho DN thì DN mới trở lại đủ "chuẩn" để có thể vay sản xuất kinh doanh; phải có giải pháp tích cực để tháo gỡ thị trường, bởi nếu DN BĐS "chết" thì ngân hàng cũng "chết" theo.
Thị trường sẽ khởi sắc?
Đại diện Ngân hàng ACB cho rằng, trong tình hình tài chính hiện nay DN BĐS cần dựa vào người mua, và phía sau đó là tài trợ của ngân hàng. DN BĐS cần liên kết chặt chẽ hơn với ngân hàng, nên chào mức giá tốt nhất cho khách hàng của ngân hàng để có thể bán sản phẩm tốt hơn. Hiện ACB có khoảng 3.000 khách hàng "VIP", đó là nguồn "cầu" rất tốt cho DN BĐS…
Theo TS Lê Xuân Nghĩa, Chính phủ đã nỗ lực "phá băng" BĐS như mở rộng cho vay sửa nhà, mua nhà, cho vay hoàn thiện dự án có thể kết thúc năm 2012, hạ chỉ tiêu dự phòng rủi ro với BĐS, đưa BĐS ra khỏi diện khuyến khích không cho vay… Nghị quyết 13 cũng cho giãn tiền thuế sử dụng đất 1 năm. Tình hình kinh tế, tài chính năm nay đang thuận lợi để vực dậy thị trường BĐS, đó là lạm phát xuống rất thấp (nên Chính phủ có thể xử lý bằng công cụ tài khóa và tiền tệ hiệu quả, thậm chí có thể dùng một khoản tín dụng lớn để "bóc" toàn bộ nợ xấu); các ngân hàng đang hạ lãi suất cho vay (do thừa vốn), có thể sẽ đẩy mạnh cho vay cá nhân nên người tiêu dùng sẽ có vốn để mua nhà; lãi suất tiết kiệm đang giảm mạnh khiến người gửi tiền có thể chuyển kênh đầu tư sang BĐS…
Ở tầm vĩ mô, TS Lê Xuân Nghĩa cho rằng, giải quyết khâu then chốt nhất là tín dụng thì nền kinh tế sẽ được phục hồi, mà điều này Chính phủ đang thực hiện rất tốt qua Nghị quyết 13. Trong số 184.000 tỷ đồng đầu tư công dành cho năm 2012 thì 5 tháng qua chỉ mới giải ngân 60.000 tỷ đồng, còn lại sẽ tiếp tục giải ngân đến cuối năm. 45.000 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ cũng mới giải ngân 7.000 tỷ, còn 38.000 tỷ đồng. Thêm vào đó, 17.000 tỷ đồng thu ngân sách tăng thêm, dự chi năm 2012 và năm ngoái hoãn năm nay sẽ chi. Về tín dụng, từ nay đến cuối năm Chính phủ đặt chỉ tiêu tăng trưởng 12% nhưng hiện đang âm, nên từ nay đến cuối năm mỗi tháng phải tăng trưởng hơn 2% với tổng số tiền khoảng 300.000 tỷ đồng… Như vậy từ nay đến cuối năm tổng số tiền ngân sách và tín dụng đưa ra thị trường có thể sẽ vào khoảng 480.000 - 500.000 tỷ đồng, có thể giúp vực dậy thị trường, và BĐS nhờ đó cũng khởi sắc theo, dự báo trong khoảng 5 - 6 tháng tới.