“Loạn” xe quá tải
Đời sống - Ngày đăng : 08:15, 02/06/2012
Vi phạm nhiều, xử lý ít
Trong gần 2 giờ đồng hồ có mặt tại trạm cân HTX số 9, quận Thủ Đức, chúng tôi chứng kiến Tổ công tác xử lý xe quá tải thuộc Đội CSGT Rạch Chiếc kiểm tra, xử lý khoảng 10 trường hợp, tất cả đều vi phạm quá tải trọng. Cụ thể, xe tải mang biển kiểm soát 43S-1060 chở 17.550kg hàng hóa (thiết kế ghi trong giấy đăng ký 16.100kg), xe 72N-7851 chở 18.000kg (đăng ký ghi 10.370kg), xe 36C-01656 chở 43.550kg (18.295kg)… Một thành viên tổ công tác cho biết, chỉ cần nhìn dàn lốp xe lún sâu và nghe tiếng động cơ có thể phán đoán khá chính xác vi phạm.
Đường Hoàng Hữu
Trên Xa lộ Hà Nội (từ quận 9 đến khu vực chân cầu Đồng Nai thuộc thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương) luôn có mật độ phương tiện vận tải lưu thông cao, khiến đoạn đường xuống cấp nghiêm trọng. Làn đường dành cho ô tô bị lún thành rãnh, có chỗ sâu cả chục centimét. Đường Hoàng Hữu Nam (phường Long Thạnh Mỹ, quận 9), mỗi ngày có hàng nghìn lượt xe tải qua lại, khiến nền đường hư hỏng nhiều, phải dặm vá liên tục. Một số tuyến đường chạy qua địa bàn quận Thủ Đức như quốc lộ 1A, 13, Xa lộ Đại Hàn… xe quá tải hoạt động rầm rộ.
Thiếu tá Nguyễn Văn Cường, Phó đội trưởng Đội CSGT Rạch Chiếc, (Công an TP Hồ Chí Minh), cho biết, địa bàn Đội CSGT Rạch Chiếc quản lý tập trung nhiều bến cảng như Cát Lái, Phước Long, Long Bình, Tranximex… Ước tính, riêng trên hai tuyến đường quốc lộ 1A và Xa lộ Hà Nội, mỗi ngày có 20.000 - 30.000 lượt ô tô lưu thông, phần lớn là xe tải hạng nặng và container, tình trạng chở quá tải trọng gấp rưỡi, gấp đôi quy định là khá phổ biến. Nguyên nhân chính do các chủ xe muốn giảm cước phí, tăng lợi nhuận. Tuy nhiên, hiện công tác kiểm tra, xử lý đang gặp nhiều khó khăn. Tại hai tuyến đường này chỉ có hai trạm cân cố định (đều của các HTX vận tải tư nhân), trong khi lưu lượng xe trên tuyến quá lớn, mỗi trường hợp vào trạm kiểm tra ít nhất mất 20 phút, nếu xử lý vào giờ cao điểm dễ xảy ra ùn tắc. Hơn nữa, về nguyên tắc sau khi lập biên bản xử phạt phải hạ tải, tuy nhiên muốn tháo dỡ hàng hóa cũng khó, bởi thiếu thiết bị kỹ thuật. Ví dụ như xử phạt xe chở sắt thép, vật liệu xây dựng, gỗ… phải có xe cẩu lớn, mặt bằng rộng và kho bãi chứa hàng. Vì thế mà công tác này trở nên quá nan giải. Mỗi lần giải quyết một trường hợp phải mất cả buổi. Do vậy CSGT chủ yếu chỉ lập biên bản xử phạt. Một vướng mắc nữa là hiện luật chỉ quy định quá tải về tải trọng của xe mà không quy định về tải trọng tối đa đối với các tuyến đường trên địa bàn; điều này cũng góp phần làm cho các tuyến đường và cầu nhanh chóng xuống cấp. Đáng chú ý là nhiều lái xe luôn tìm đủ mọi cách đối phó, như đi vào giờ lực lượng CSGT không có mặt, hoặc chây ỳ, không chấp hành xử phạt, không chịu đưa xe vào trạm cân…
Những cái "khó" kể trên khiến trong 5 tháng đầu năm 2012, Đội CSGT Rạch Chiếc chỉ lập biên bản và tước giấy phép lái xe 326 vụ, tạm giữ 72 xe ô tô quá tải.
Phải xử lý tận gốc
Luật sư Thái Văn Chung, Tổng Thư ký Hiệp hội vận tải hàng hóa TP Hồ Chí Minh cho rằng, các quy định của pháp luật nước ta hiện nay chưa phù hợp với thực tế. Đơn cử, Thông tư 03 năm 2011 của Bộ GTVT quy định xe tổ hợp đầu kéo 2 cầu được móc theo 44 tấn (gồm hàng và xe), tuy nhiên quy định đăng kiểm chỉ cho phép xe 2 cầu được kéo theo tải trọng tối đa 23 tấn. Do vậy, xử lý xe quá tải phải đi đôi với việc sửa đổi, bổ sung các quy định tạo sự đồng bộ và thống nhất khi áp dụng.
Ông Nguyễn Ngọc Tường, Phó Trưởng ban ATGT TP cho biết, UBND TP Hồ Chí Minh đã giao cho lực lượng Thanh tra Sở GTVT và Công an TP trực tiếp kiểm tra, xử lý nghiêm các loại xe quá tải trên địa bàn. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng có thẩm quyền cần phối hợp với Ban quản lý các cảng tiến hành cân tải trọng các loại phương tiện ra vào cảng, nếu quá tải trọng phải tự động tháo dỡ. Ông Nguyễn Ngọc Tường cũng cho biết, mới đây, UBND TP đã đồng ý bổ sung 25 cân tải trọng di động cho Thanh tra Sở GTVT và Công an TP nhằm tăng cường xử lý nhanh, xử lý tại chỗ, nhất là quản lý chặt chẽ, xử lý nghiêm tình trạng xe quá tải. Tuy nhiên, theo thiếu tá Nguyễn Văn Cường, chế tài xử lý vi phạm hiện còn quá nhẹ, dẫn đến tình trạng vì lợi nhuận mà nhiều trường hợp chủ hàng, chủ xe, lái xe bất chấp quy định, sẵn sàng tái phạm và nộp phạt. Do vậy, cần có chế tài mạnh, đủ sức răn đe đối với các trường hợp vi phạm, bên cạnh đó cơ quan chức năng cần tăng cường tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao ý thức chấp hành luật giao thông của lái xe cũng như các chủ doanh nghiệp.