Người góp phần duy trì vốn văn hóa cổ
Nghị quyết và Cuộc sống - Ngày đăng : 07:12, 02/06/2012
CLB Hán Nôm ở Ninh Hiệp, trước kia do bốn vị túc nho trong làng mở ra. Đến nay thì các cụ đã lần lượt về với tổ tiên, chỉ còn lại ông Đá là lớp hậu sinh, người đang giữ vai trò nòng cốt của CLB Hán Nôm Ninh Hiệp. Trong thời kinh tế thị trường, văn hóa truyền thống cũng như những kiến thức y học cổ đang bị mai một dần, ông Đá quyết định tiếp tục mở lớp dạy chữ Hán Nôm để lớp người đi sau có thể tự nghiên cứu cách chữa bệnh bằng y học cổ truyền từ những cuốn sách viết bằng chữ Hán Nôm quý hiếm, hoặc biết cách đọc văn bia cổ, góp phần gìn giữ nét đẹp truyền thống văn hóa của ông cha.
Học chữ Hán đã khó lại càng khó nếu như người dạy không có phương pháp truyền thụ thích hợp. Ông Đá đã miệt mài nghiên cứu, rồi sử dụng phương pháp dùng thơ lục bát kết hợp với hội ý trong lục thư để dạy chữ Hán Nôm. Tức là học một chữ biết nhiều chữ, học một chữ biết nhiều nghĩa, rồi dùng thơ, văn, điển tích, điển cố trong lịch sử để minh họa cho từng chữ. Nhờ áp dụng phương pháp này mà học trò của thầy Đá dễ tiếp thu, biết rộng, hiểu sâu, nhớ lâu. Vì thế hiện tại lớp học của thầy không chỉ có học trò là người Ninh Hiệp mà có rất đông nho sinh đến từ các quận nội thành Hà Nội và các tỉnh Bắc Ninh, Hưng Yên, Thanh Hóa…
Năm nay, đã ở tuổi 85 nhưng chiều chủ nhật nào thầy Đá cũng ôm cả tập giáo án Hán văn dày đặc đến điếm Kiều để dạy chữ. 12 năm đứng trên bục, giảng giải, cắt nghĩa từng chữ giúp nho sinh biết cách đọc và nghiên cứu chữ Hán nhưng chưa một lần thầy nhận tiền học phí. Thầy còn tranh thủ tận dụng thời gian có thể để dịch văn cổ làm giáo trình giảng dạy cho các thầy đồ trẻ; thậm chí có tác phẩm thầy phải sử dụng kính lúp để soi vì chữ quá nhỏ, mực mờ, mắt lại kém nên khó đọc. Với tâm huyết của thầy Đá, CLB Hán Nôm Ninh Hiệp không chỉ duy trì tốt 4 lớp trong làng, xã với trên 200 nho sinh mà còn mở rộng lớp ra các xã xung quanh.
Cũng vì sự tận tâm, tận lực này của ông đồ Đá mà hiện tại ở Ninh Hiệp có gia đình hai, ba thế hệ cùng học chữ của thầy. Cũng từ những lớp học này mà hàng chục, thậm chí hàng trăm người dân trong xã đã biết đọc chữ Hán. Nhờ thế, họ đã có thể dịch nghĩa văn bia tại các di tích lịch sử văn hóa để bảo tồn lưu giữ dài lâu, đồng thời có thêm kiến thức và kinh nghiệm trong chế biến thuốc Nam; giữ được cái tâm với nghề chữa bệnh cứu người.