Thiếu kiểm soát, nhiều lỗ hổng
Kinh tế - Ngày đăng : 07:08, 01/06/2012
Song những vụ bê bối về tài chính tại các DNNN gần đây cho thấy, đã đến lúc phải tái cơ cấu toàn diện DNNN. Ngoài việc siết chặt hệ thống quản lý tài chính, cơ cấu nguồn vốn đầu tư, việc xây dựng một đội ngũ lãnh đạo giỏi, dám làm, dám chịu trách nhiệm… là những yêu cầu bức thiết. Đây là nội dung cuộc hội thảo "Đổi mới cơ chế, chính sách tài chính hỗ trợ tái cơ cấu DNNN" do Bộ Tài chính phối hợp với Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) tổ chức sáng 31-5 tại Hà Nội.
Năm 2009, Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin) thua lỗ 5.000 tỷ đồng. Ảnh: TTXVN
Nguy cơ mất vốn, công tác quản lý, giám sát còn nhiều bất cập Với vai trò là những DN chủ chốt, đóng góp quan trọng cho nền kinh tế, thời gian qua, khối DNNN đã có những thành tích đáng kể, góp phần cho sự nghiệp phát triển chung của đất nước. Song những vụ bê bối tài chính tại một số DNNN do các cơ quan chức năng công bố gần đây cho thấy, công tác quản lý, giám sát vốn nhà nước tại DN đang tồn tại nhiều bất cập. Thống kê của Bộ Tài chính cho thấy, tính đến cuối năm 2011, số lỗ lũy kế của các DNNN lên tới 26.110 tỷ đồng. Theo kết luận của Thanh tra Chính phủ, Tập đoàn Điện lực (EVN) năm 2010 lỗ 12.313 tỷ đồng; Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam (Vinashin) năm 2009 lỗ 5.000 tỷ đồng…
Tiến sĩ Đặng Văn Thanh, Chủ tịch Hội Kế toán Kiểm toán Việt Nam cho rằng, mô hình tập đoàn kinh tế (TĐKT) được triển khai tại một số đơn vị đến nay vẫn đang trong giai đoạn thí điểm. Quản lý một khối lượng lớn vốn và tài sản nhà nước, song các TĐKT lại chưa hề có cơ chế hướng dẫn cụ thể về cơ chế tài chính. Thực tế này đã khiến việc vận hành DN rơi vào tình trạng loạng choạng, thậm chí nảy sinh nhiều sai phạm nghiêm trọng về quản lý tài chính. Việc thiếu một hệ thống kiểm soát tài chính nội bộ là một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến sự đổ vỡ của nhiều TĐKT. Những năm gần đây, hệ thống này gần như không tồn tại trong các TĐKT vốn có quy mô nhân lực và tài chính khá đồ sộ. Trong khi đó, hệ thống kiểm soát tài chính nội bộ lại được coi là "cầu chì" bên trong, có chức năng cảnh báo sớm, giúp DN có thể nhận biết và kịp thời khắc phục những sai sót, đặc biệt là trong lĩnh vực tài chính. Ông cho biết, những năm 1960-1970, DNNN cuối ngày phải kiểm kê quỹ, dù còn lại 50 đồng cũng phải lo đem đi nộp ngân hàng. Còn hiện nay, việc xuất quỹ, xuất toán tại các đơn vị hầu như không có gì ràng buộc. Theo ông, mỗi năm ít nhất những người điều hành DNNN phải chịu sự kiểm soát nội bộ một lần. Khi có một lực lượng giám sát thì việc điều hành chắc chắn sẽ chỉnh chu hơn.
Trong khi "sức khỏe" của khối DNNN đang có nguy cơ yếu đi thì DN ngoài nhà nước lại đang mạnh dần lên. Khảo sát do Mc Kinsey&Company (tổ chức nghiên cứu về các vấn đề kinh tế toàn cầu) cho thấy, trong giai đoạn 2007-2010, hệ số lợi nhuận/vốn chủ sở hữu của khối DN ngoài nhà nước và DN có vốn đầu tư nước ngoài đang bứt phá so với các "đầu tàu" kinh tế. Năm 2010, hệ số này của khối DNNN là 21%, DN ngoài nhà nước là 15% và DN có vốn đầu tư nước ngoài là 27%. Số liệu này cho thấy, với những lợi thế về vốn, đất đai, các DNNN đang hoạt động kém hiệu quả so với khu vực DN khác. Nếu không nhanh chóng đổi mới toàn diện, các "đầu tàu" kinh tế có nguy cơ bị tụt hậu, thậm chí lép vế so với những DN vốn không thể so sánh với họ về mọi mặt.
Chính sách tài chính và cán bộ phải song hành
Trước thực trạng hoạt động kém hiệu quả của khối DNNN, việc tính toán một kịch bản tái cơ cấu đã được Bộ Tài chính hoàn thiện. Ông Đặng Quyết Tiến, Phó Cục trưởng Cục Tài chính DN (Bộ Tài chính) cho biết, việc tái cơ cấu DNNN sẽ thực hiện theo ngành, lĩnh vực kinh doanh trên nguyên tắc giảm về số lượng, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động. Trong quá trình thực hiện, sẽ tạm dừng việc thành lập mới các TĐKT. Dự kiến, Bộ Tài chính sẽ thành lập Tổng cục Quản lý, giám sát tài chính DN nhằm tăng cường hoạt động quản lý, giám sát đối với DNNN.
Trên thực tế, nhiều quốc gia trên thế giới đã từng thực hiện tái cấu trúc thành công các DNNN và thu được hiệu quả cao. Tại Thái Lan, Tập đoàn PTT (chuyên về dầu mỏ và khí đốt) đã đạt tăng trưởng doanh thu 30% trong vòng 10 năm trở lại đây và trở thành một trong 200 công ty có giá trị lớn nhất thế giới. Tập đoàn Doosan (Hàn Quốc) đạt tăng trưởng 259% (giai đoạn 1998-2007) và Petronas (Malaysia) đã tăng doanh thu gấp 5 lần, lợi nhuận gấp 7 lần trong vòng 10 năm trở lại đây sau khi thực hiện tái cơ cấu. Thực tế này cho thấy, nếu tái cơ cấu đúng hướng, các "đầu tàu" kinh tế sẽ phát triển tương xứng với lợi thế vốn có.
Tại hội thảo, các chuyên gia tài chính của Mc Kinsey đã đưa ra mô hình "La bàn" chuyển đổi DNNN với 5 mục tiêu cơ bản, trong đó chỉ rõ, trong quá trình tái cấu trúc, sẽ phải thay thế nhiều cán bộ lãnh đạo và quản lý tại DNNN đồng thời cần giữ chân và đào tạo bổ sung những nhân tài tiềm năng… Đồng quan điểm này, chuyên gia kinh tế Trương Đình Tuyển, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại cho rằng, một chính sách tài chính chặt chẽ cho các DNNN là cần nhưng chưa đủ, bởi con người mới là yếu tố quyết định thành công. Thực tế một số vụ đổ vỡ xảy ra tại các DNNN gần đây cho thấy có xuất phát từ một vài cá nhân và công tác tổ chức cán bộ. Vì vậy, chính sách tài chính và cán bộ phải song hành.