Argentina hứng chịu "cơn gió ngược"
Thế giới - Ngày đăng : 07:07, 01/06/2012
Nếu Chính phủ Argentina tiếp tục duy trì hoạt động chi tiêu như hiện nay cho tới cuối năm, ngân sách của nước này sẽ bị thâm hụt, đe dọa tới nguồn tài chính cần thiết để chính phủ thực hiện các chương trình phúc lợi xã hội, ảnh hưởng xấu đến lòng tin của những người dân vốn ủng hộ Tổng thống Cristina Fernandez.
Theo các nhà phân tích, kinh tế Argentina sẽ giảm tốc do sự gia tăng can thiệp của chính phủ trong khi lạm phát tăng. |
Kịch bản này có nguy cơ xảy ra đúng vào thời điểm đà tăng trưởng kinh tế của Argentina bị tác động xấu do những khó khăn chung của nền kinh tế toàn cầu. Nhiều người nhận thấy, viễn cảnh không mong đợi nói trên hoàn toàn có thể xảy ra sau khi Bộ Kinh tế Argentina cho biết thặng dư ngân sách ban đầu của nước này trong tháng 4-2012 chỉ đạt 1,06 tỷ peso (237 triệu USD), giảm 46% so với mức thặng dư ghi nhận được cùng kỳ năm 2011. Trong tháng 4 vừa qua, thâm hụt ngân sách sau khi trừ chi phí trả nợ của Argentina lên tới 1,86 tỷ peso, so với mức tương ứng 411,8 triệu peso của tháng 4-2011. Giới phân tích dự đoán thâm hụt ngân sách của Argentina sau khi trả nợ sẽ chiếm 3% GDP của nước này, so với mức thâm hụt 1,7% GDP của năm ngoái. Argentina đứng đầu thế giới về xuất khẩu dầu đậu tương, loại dầu được sử dụng rộng rãi trong nấu ăn và sản xuất nhiên liệu sinh học vốn ngày càng được quan tâm trên toàn cầu. Tuy nhiên, nhu cầu tiêu thụ đậu tương cao trên toàn thế giới vẫn không đủ sức "cứu" Argentina tránh khỏi nguy cơ thâm hụt ngân sách trong năm 2012 nếu chi tiêu công của nước này không giảm. Đây có thể là tin xấu đối với Tổng thống Fernandez, người lên cầm quyền từ tháng 10-2011 với cam kết đẩy mạnh hơn nữa mô hình chính sách mà người chồng quá cố của bà, cố Tổng thống Nestor Kirchner, đã đề ra. Nhưng dường như vẫn chưa có dấu hiệu nào chứng tỏ Chính phủ của bà Fernandez sẽ kiềm chế được tốc độ chi tiêu hiện tại. Chính phủ Argentina dự báo tăng trưởng kinh tế nước này trong cả năm 2012 sẽ đạt mức 5,1%, cao hơn mức dự báo tăng trưởng kinh tế của Mỹ và Châu Âu, song lại giảm đáng kể so với tốc độ tăng 8,9% mà Buenos Aires đạt được trong năm 2011.
Trong khi đó cuối tháng 4 vừa qua, cơ quan đánh giá tín dụng Standard & Poor's (S&P) đã đánh tụt triển vọng xếp hạng tín dụng của Argentina từ mức ổn định xuống tiêu cực, sau khi Buenos Aires quyết định quốc hữu hóa Công ty Dầu mỏ YPF thuộc Tập đoàn Dầu khí Repsol của Tây Ban Nha. S&P đã xếp hạng Argentina ở mức B, thấp hơn 5 bậc so với mức đầu tư và là mức xếp hạng thấp nhất trong số nhóm 20 nền kinh tế công nghiệp mới nổi lớn nhất thế giới. Theo quan điểm của S&P, các chính sách mới đây của Chính phủ Argentina trong đó có việc gia tăng những hạn chế đối với thương mại quốc tế và các bước đi nhằm quốc hữu hóa công ty dầu khí lớn nhất nước này có thể làm tăng những rủi ro đối với cơ cấu kinh tế vĩ mô của Argentina, gây áp lực lên khả năng thanh toán ngoại hối và cản trở triển vọng tăng trưởng kinh tế trong thời gian trung hạn. Có thể thấy kiểm soát vốn chặt chẽ hơn, cũng như sự suy giảm lòng tin của các nhà đầu tư do kết quả của vụ thâu tóm YPF đã có tác động tiêu cực tới dự báo tăng trưởng kinh tế của Argentina.
Thậm chí S&P còn dự đoán triển vọng tăng trưởng tiêu cực của nền kinh tế lớn thứ hai Nam Mỹ là dấu hiệu cho thấy xếp hạng tín dụng của nước này có nhiều nguy cơ sẽ bị tụt hạng trong năm nay hoặc năm tới. Những chính sách nhập khẩu và hệ thống trao đổi ngoại hối thiếu tính ổn định của Chính phủ Argentina cũng phần nào ảnh hưởng tới lòng tin của người dân vào triển vọng của nền kinh tế lớn thứ ba khu vực Mỹ Latin này, đồng thời hạn chế đầu tư nước ngoài vào nông nghiệp trong bối cảnh nước này đang phải hứng chịu "cơn gió ngược" từ những khó khăn của nền kinh tế toàn cầu.