Để được sáp nhập, ngân hàng phải hoạt động ít nhất 5 năm

Kinh tế - Ngày đăng : 13:31, 31/05/2012

(HNMO) - Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đang lấy ý kiến cơ quan, tổ chức và cá nhân về Dự thảo Thông tư quy định việc tổ chức lại tổ chức tín dụng.


Phạm vi điều chỉnh theo dự thảo thông tư là điều kiện, hồ sơ, trình tự, thủ tục chấp thuận việc tổ chức lại tổ chức tín dụng thành lập và hoạt động tại Việt Nam. Việc tổ chức lại tổ chức tín dụng được hướng dẫn tại dự thảo thông tư chỉ bao gồm việc sáp nhập, hợp nhất, thay đổi hình thức pháp lý của tổ chức tín dụng.

Theo dự thảo thông tư trên, các hình thức sáp nhất tổ chức tín dụng là: ngân hàng, công ty tài chính sáp nhập vào một ngân hàng; công ty tài chính sáp nhập vào một công ty tài chính; công ty cho thuê tài chính sáp nhập vào một công ty cho thuê tài chính; quỹ tín dụng nhân dân sáp nhập vào một quỹ tín dụng nhân dân; tổ chức tài chính vi mô sáp nhập vào một tổ chức tài chính vi mô.

Các hình thức hợp nhất tổ chức tín dụng là: ngân hàng hợp nhất với ngân hàng, công ty tài chính thành một ngân hàng; các công ty tài chính hợp nhất thành một công ty tài chính; các công ty cho thuê tài chính hợp nhất thành một công ty cho thuê tài chính; các quỹ tín dụng nhân dân hợp nhất thành một quỹ tín dụng nhân dân; các tổ chức tài chính vi mô hợp nhất thành một tổ chức tài chính vi mô.

SHB và Habubank đang trong quá trình sáp nhập


Cũng theo dự thảo thông tư, để được sáp nhập, hợp nhất, tổ chức tín dụng tham phải có thời gian hoạt động tối thiểu là 5 năm kể từ thời điểm khai trương hoạt động; không thuộc trường hợp tập trung kinh tế bị cấm theo quy định tại Luật Cạnh tranh; có Đề án sáp nhập, hợp nhất khả thi. Bên cạnh đó, tổ chức tín dụng hình thành sau sáp nhập, hợp nhất phải đảm bảo mức vốn điều lệ tối thiểu bằng mức vốn pháp định và tuân thủ các tỷ lệ đảm bảo an toàn hoạt động theo quy định hiện hành của pháp luật.

Riêng với trường hợp sáp nhập, hợp nhất Quỹ tín dụng nhân dân, ngoài phải có các điều kiện như của việc sáp nhập tổ chức tín dụng, Quỹ tín dụng nhân dân nhận sáp nhập và bị sáp nhập, Quỹ tín dụng nhân dân tham gia hợp nhất phải đáp ứng điều kiện về địa bàn hoạt động theo quy định hiện hành của pháp luật.

Theo Ngân hàng Nhà nước, số lượng tổ chức tín dụng của Việt Nam nhiều nhưng hầu hết các tổ chức tín dụng đều có quy mô nhỏ về vốn, tổng tài sản. Vì vậy, tái cơ cấu lại hệ thống tổ chức tín dụng là một đòi hỏi tất yếu.

Cơ quan quản lý này cho biết, xu hướng hiện nay là tiến hành tái cơ cấu lại hệ thống tổ chức tín dụng theo hướng sáp nhập, hợp nhất các tổ chức tín dụng hiện có để hình thành nên những tổ chức dụng mới có quy mô vốn, tổng tài sản, mạng lưới, số lượng khách hàng lớn, nâng cao khả năng quản trị, điều hành của ngân hàng thương mại để làm tăng sức cạnh tranh trên thị trường cung như đảm bảo an toàn cho cả hệ thống.Vì vậy, để phù hợp với xu thế hiện nay và thực tế hoạt động của các tổ chức tín dụng, dự thảo Thông tư được xây dựng theo hướng không quy định về việc chia, tách tổ chức tín dụng.

Thanh Hương