Chưa tạo đủ công cụ để thực hiện mục tiêu đặt ra

Chính trị - Ngày đăng : 11:05, 31/05/2012

(HNMO) – Sáng 31/5, thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế, Ủy ban Tài chính ngân sách của QH cho rằng, để khắc phục tình trạng lợi dụng sơ hở của pháp luật làm thất thu NSNN, Dự thảo luật phải có các chế tài, mức xử phạt đủ mạnh nhằm hạn chế, ngăn chặn hành vi vi phạm như khai man, gian lận thuế, chuyển giá giữa các doanh nghiệp...


Tăng thời hiệu truy thu thu thuế lên 10 năm

Trong tờ trình, Chính phủ cho biết, mục tiêu của dự luật lần này là nhằm tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính thuế theo hướng đơn giản, rõ ràng, minh bạch; nhằm tạo thuận lợi, giảm chi phí, thời gian của người nộp thuế trong việc thực hiện nghĩa vụ thuế; khuyến khích và tạo điều kiện cho người nộp thuế thực hiện tốt cơ chế tự khai, tự tính, tự nộp thuế; Thúc đẩy công tác hiện đại hoá hệ thống thuế, hải quan theo hướng thực hiện cơ chế quản lý rủi ro, đẩy mạnh quản lý thuế điện tử, tăng cường vai trò của tổ chức, cá nhân có liên quan; đáp ứng yêu cầu hội nhập và đồng bộ với các cam kết quốc tế; Khắc phục kịp thời hạn chế trong thực tiễn quản lý thuế; tăng cường các biện pháp quản lý kiểm tra, giám sát, hậu kiểm để nâng cao tính hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý hành chính thuế nhằm chống thất thu ngân sách, giảm nợ thuế; thực hiện thu đúng, đủ, kịp thời tiền thuế vào ngân sách nhà nước.

Dự án Luật dự kiến sửa đổi, bổ sung 33 Điều (trong tổng số 120 Điều của Luật hiện hành), liên quan đến ba nhóm vấn đề với 22 nội dung, bao gồm: (1) Nhóm vấn đề về đơn giản hoá thủ tục hành chính thuế; (2) Nhóm vấn đề về phục vụ mục tiêu cải cách - hiện đại hoá và hội nhập, phù hợp thông lệ quốc tế; (3) Nhóm vấn đề về nâng cao hiệu lực, hiệu quả của quản lý thuế để phù hợp với thực tế và phù hợp với các văn bản pháp luật có liên quan nhằm chống thất thu ngân sách, giảm nợ đọng thuế.

Về đơn giản hoá thủ tục hành chính thuế, Luật hiện hành chỉ quy định khai theo tháng, theo năm, tạm tính theo quý hoặc theo từng lần phát sinh nghĩa vụ thuế, chưa có quy định khai theo quý. Vì vậy, dự luật bổ sung quy định việc khai thuế theo quý cho phù hợp. Vấn đề tần suất kê khai cũng chính là một trong những chỉ tiêu quan trọng được Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) sử dụng để đánh giá, xếp loại môi trường kinh doanh giữa các nước, vì vậy việc sửa đổi cho phép NNT quy mô vừa và nhỏ được khai thuế theo quý sẽ đáp ứng được cả yêu cầu thông lệ quốc tế về nâng cao tính cạnh tranh của môi trường kinh doanh.

Thời gian giải quyết thủ tục gia hạn nộp hồ sơ khai thuế cũng được quy định theo hướng giảm từ 5 ngày làm việc xuống 3 ngày làm việc.

Về xử lý số tiền thuế, tiền phạt nộp thừa, dự thảo sửa đổi thời hiệu xử lý tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt nộp thừa là 10 năm để đồng bộ với việc sửa đổi thời hiệu truy thu thu thuế dự kiến cũng là 10 năm.

Thủ tục hoàn thuế cũng được quy định theo hướng rút ngắn thời hạn giải quyết đối với trường hợp “hoàn thuế trước, kiểm tra sau” từ 15 ngày làm việc xuống còn 06 ngày làm việc; trường hợp “kiểm tra trước, hoàn thuế sau” từ 60 ngày xuống còn 40 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ. Đồng thời, để tăng cường kiểm soát, hậu kiểm đối với việc chi ngân sách để hoàn thuế, Dự thảo Luật cũng bổ sung quy định cụ thể thời hạn cơ quan thuế phải kiểm tra đối với các hồ sơ “hoàn thuế trước, kiểm tra sau” trong thời gian không quá 01 năm kể từ ngày có Quyết định hoàn thuế đối với các nhóm đối tượng thuộc diện bắt buộc kiểm tra là: Cơ sở kinh doanh kê khai lỗ luỹ kế 02 năm liên tục hoặc có số lỗ vượt quá vốn điều lệ; Cơ sở kinh doanh bất động sản, kinh doanh thương mại, dịch vụ; Cơ sở kinh doanh thay đổi địa điểm kinh doanh trong vòng 12 tháng; Cơ sở kinh doanh có sự thay đổi bất thường giữa doanh thu tính thuế và số thuế được hoàn trong giai đoạn 12 tháng. Đây là nhóm đối tượng được coi là có rủi ro gian lận hoàn thuế từ thực tế quản lý thời gian qua.

Thời hạn nộp thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, dự thảo Luật sửa đổi theo hướng: Người nộp thuế phải nộp thuế trước thời điểm thông quan hoặc giải phóng hàng và áp dụng ân hạn nộp thuế chỉ khi có bảo lãnh của tổ chức tín dụng (275 ngày đối với nguyên vật liệu để sản xuất hàng xuất khẩu, 15 ngày đối với hàng hoá tạm nhập tái xuất, 30 ngày đối với trường hợp khác). Đến ngày cuối cùng của thời hạn bảo lãnh ghi trên thư bảo lãnh nếu người nộp thuế chưa nộp tiền thuế, tiền chậm nộp (nếu có), tổ chức nhận bảo lãnh phải nộp đủ tiền thuế và tiền chậm nộp (nếu có) theo mức 0,07%/ngày tính trên số tiền thuế chậm nộp thay cho người nộp thuế.


Về xoá nợ tiền thuế, tiền phạt, Luật hiện hành quy định cho phép xoá nợ tiền thuế, tiền phạt khi doanh nghiệp bị tuyên bố phá sản; cá nhân được pháp luật coi là đã chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự có nợ tiền thuế. Trên thực tế, phạm vi xoá nợ nêu trên là khá hẹp và chưa phản ánh được thực tế khách quan về những trường hợp nợ xấu, khó có khả năng thu hồi, nhất là các khoản nợ tồn đọng trước ngày 1/7/2007 (thời điểm Luật quản lý thuế có hiệu lực thi hành).

Để xử lý vấn đề này, Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung theo hướng cụ thể hoá thẩm quyền xoá nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt đối với nợ không có khả năng thu hồi sau khi đã thực hiện tất cả các biện pháp cưỡng chế và các khoản nợ này đã kéo dài trong thời hạn 10 năm; thẩm quyền xoá nợ được phân cấp cho Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh (đối với cá nhân, hộ kinh doanh và các doanh nghiệp bị phá sản), Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan (đối với doanh nghiệp có nợ thuế dưới 5 tỷ đồng), Bộ trưởng Bộ Tài chính (đối với doanh nghiệp có nợ thuế từ 5 tỷ đồng đến dưới 10 tỷ đồng) và Thủ tướng Chính phủ (đối với doanh nghiệp có nợ thuế từ 10 tỷ đồng trở lên).

Đồng thời, để có thể giải quyết dứt điểm các khoản nợ tồn tại cũ trong các trường hợp: Người nộp thuế đã ngừng kinh doanh, đã giải thể, phá sản không theo Luật phá sản; Hộ gia đình, cá nhân gặp khó khăn không thanh toán được nợ thuế; Doanh nghiệp Nhà nước đã có quyết định giải thể; Doanh nghiệp Nhà nước thực hiện chuyển đổi sở hữu chưa được xử lý nợ thuế, pháp nhân mới không chịu trách nhiệm về khoản nợ này..., Dự án Luật bổ sung quy định giao Chính phủ tổ chức thực hiện kiểm tra xoá các khoản tiền thuế, tiền phạt còn nợ phát sinh trước ngày 1/7/2007, báo cáo Quốc hội kết quả thực hiện.

Về các chế tài xử phạt vi phạm pháp luật về thuế, dự luật điều chỉnh theo hướng nâng mức tiền chậm nộp từ 0,05% ngày lên thành 0,07%/ngày; nâng mức xử phạt đối với hành vi khai sai dẫn đến thiếu số tiền thuế phải nộp hoặc tăng số tiền thuế được hoàn từ 10% lên mức 20%. Riêng đối với hàng hoá xuất nhập khẩu, để thúc đẩy người khai hải quan chủ động tự điều chỉnh các sai sót trước khi cơ quan hải quan thanh tra, kiểm tra thì phạt 10% như hiện hành, sau khi cơ quan hải quan thanh tra, kiểm tra thì nâng mức phạt lên 20%.

Chính phủ đề nghị Luật sửa đổi, bổ sung một số Điều của Luật Quản lý thuế có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2014.

Dự luật chưa tạo đủ công cụ để thực hiện mục tiêu đặt ra

Thẩm tra dự án luật, Ủy ban TCNS cho rằng, việc sửa đổi Luật cơ bản đáp ứng yêu cầu đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và người nộp thuế trong thực hiện nghĩa vụ thuế, thúc đẩy hiện đại hóa hệ thống thuế, hải quan,... Tuy nhiên, đối chiếu với mục tiêu sửa đổi nêu trong Tờ trình của Chính phủ, Ủy ban TCNS cho rằng, một số nội dung cần tiếp tục nghiên cứu sửa đổi nhằm đáp ứng mục tiêu đặt ra.

Ủy ban TCNS cho rằng, để đạt được mục tiêu tăng cường tính hiệu lực, hiệu quả của quản lý thuế nhằm thu đúng, thu đủ, thu kịp thời, khắc phục tình trạng lợi dụng sơ hở của pháp luật làm thất thu NSNN thì Dự thảo luật phải có các quy định tăng cường thanh tra, kiểm tra, đặc biệt chú trọng hậu kiểm; có chế tài, mức xử phạt đủ mạnh nhằm hạn chế, ngăn chặn hành vi vi phạm như khai man, gian lận thuế, chuyển giá giữa các doanh nghiệp; quy định cụ thể về điều kiện xóa nợ tiền thuế, tiền phạt,… nhằm khắc phục tình trạng trốn lậu thuế, nợ đọng thuế. Tuy nhiên, những nội dung này chưa thể hiện cụ thể trong Dự thảo luật, chưa tạo đủ công cụ để thực hiện mục tiêu đặt ra.

Về tính cụ thể của Dự thảo luật, Ủy ban TCNS nhận thấy, nhiều quy định trong Dự thảo luật chưa bảo đảm tính cụ thể; một số nội dung quan trọng giao Chính phủ hoặc Bộ Tài chính quy định bằng văn bản dưới luật, trong đó có những nội dung quan trọng như về quản lý rủi ro, áp dụng các biện pháp thuận lợi, địa điểm nộp hồ sơ khai thuế, cơ chế thỏa thuận trước về giá tính thuế… Vì vậy, đề nghị cần rà soát, cụ thể hóa tối đa những nội dung liên quan. Đồng thời, những nội dung hiện đang được quy định tại văn bản dưới luật, qua quá trình thực hiện cho thấy đã bảo đảm tính hợp lý, ổn định thì cần Luật hóa nhằm bảo đảm tính chặt chẽ, tạo thuận lợi khi áp dụng.

Đi vào những nội dung cụ thể, Ủy ban TCNS quan tâm đến nguyên tắc nộp thuế. Theo Ủy ban, các vấn đề liên quan đến cơ chế thoả thuận trước về phương pháp xác định giá tính thuế mới chỉ dừng ở việc nêu vấn đề và quy định những nội dung mang tính định hướng, chưa đề cập trực tiếp đến các nội dung cụ thể. Theo đó, các vấn đề về cơ chế thỏa thuận trước về phương pháp xác định giá tính thuế như nguyên tắc áp dụng, các trường hợp bắt buộc phải thực hiện cơ chế thỏa thuận trước về phương pháp xác định giá tính thuế,... chưa được quy định cụ thể trong Luật; một số nội dung còn giao Chính phủ quy định bằng văn bản dưới luật (điều kiện, phạm vi, nguyên tắc, nội dung thực hiện) là chưa bảo đảm chặt chẽ, hợp lý. Vì vậy, đề nghị Chính phủ rà soát, bổ sung vào Dự thảo luật điều kiện, phạm vi, nguyên tắc, các trường hợp cụ thể áp dụng cơ chế này, nội dung thực hiện, biện pháp ngăn ngừa trốn lậu thuế, chế tài xử phạt,... nhằm bảo đảm tính khả thi, chặt chẽ trong tổ chức thực hiện.

Về thời hạn nộp thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, thời hạn bảo lãnh, đa số ý kiến trong Ủy ban TCNS đề nghị: (1) Chính phủ cần làm rõ căn cứ để quy định thời hạn bảo lãnh đối với từng loại hàng hóa; (2) Rút ngắn thời hạn bảo lãnh đối với hàng gia công xuất khẩu xuống 180 ngày (thay vì 275 ngày như Dự thảo luật) hoặc theo thời gian quy định của chu kỳ sản xuất, gia công hàng xuất khẩu.
Tuy nhiên, có ý kiến trong Ủy ban TCNS còn cho rằng, áp dụng ân hạn thuế phải có bảo lãnh của tổ chức tín dụng sẽ làm tăng chi phí, ảnh hưởng đến tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu và duy trì các cân đối vĩ mô của nền kinh tế.

Về trách nhiệm của cơ quan quản lý thuế trong giải quyết hồ sơ hoàn thuế, Ủy ban TCNS đề nghị, quy định cụ thể trong Luật về thời hạn tiến hành kiểm tra sau hoàn thuế đối với tất cả các trường hợp được hoàn thuế theo phương thức “hoàn trước, kiểm sau” theo hướng: Thời hạn kiểm tra sau hoàn thuế đối với các trường hợp không đáp ứng đầy đủ các tiêu chí xếp hạng ưu tiên là 180 ngày kể từ ngày có quyết định hoàn thuế. Đối các trường hợp khác, thời hạn kiểm tra là trong vòng 1 năm kể từ ngày có quyết định hoàn thuế.

Về cơ chế kiểm soát và chế tài xử phạt, Ủy ban TCNS nhận thấy, một trong những điểm mới của Luật quản lý thuế là tạo điều kiện cho người nộp thuế thực hiện cơ chế tự tính, tự khai, tự nộp thuế, đơn giản hóa các thủ tục hành chính nhằm tạo thuận lợi, nâng cao ý thức trách nhiệm của người nộp thuế. Tuy nhiên, đi đôi với cơ chế này, đòi hỏi phải có biện pháp kiểm soát hữu hiệu và chế tài đủ mạnh nhằm bảo đảm tính nghiêm minh trong tuân thủ pháp luật. Trong khi đó, Luật quản lý thuế hiện hành và cả Dự thảo luật còn thiếu các quy định bảo đảm hiệu quả kiểm soát, nhất là hậu kiểm, chế tài xử phạt. Do vậy, đề nghị bổ sung nội dung này để tạo công cụ xử phạt nghiêm minh hơn đối với hành vi gian lận, trốn thuế; xử phạt đối với các tổ chức, cá nhân không cung cấp thông tin, không phối hợp với cơ quan quản lý thuế khi có yêu cầu…

Cũng trong phiên làm việc sáng nay, Quốc hội đã nghe tờ trình và báo cáo thẩm tra dự án Luật điện lực, dự án Luật luật sư, dự án luật Hợp tác xã, dự án luật Dự trữ quốc gia.

H.V