Cần thiết phải chuyển đổi mô hình quản lý
Đời sống - Ngày đăng : 19:50, 30/05/2012
Hạ tầng xuống cấp nghiêm trọng
Chợ Đông Phương Yên (Chương Mỹ- Hà Nội) được đầu tư xây dựng và đi vào hoạt động từ năm 1993 (chợ hạng 3), với tổng diện tích 8.100 m2 gồm 4 dãy ki ốt, 2 cầu chợ mái lợp tôn và khu chợ ngoài trời. Chợ có 224 hộ đang kinh doanh một số mặt hàng như: giang, nứa, đồ gia dụng, thực phẩm tươi sống, hoa quả...
Trên thực tế, hiện nay cơ sở hạ tầng của chợ Đông Phương Yên đã xuống cấp nghiêm trọng; công tác vệ sinh môi trường không đảm bảo, một số hộ dân sinh hoạt, ăn uống trực tiếp tại các ki ốt trong chợ tiềm ẩn nguy cơ cháy chợ rất cao; hệ thống tiêu thoát nước bất cập, thường xuyên gây ngập úng, ứ đọng nước thải, dễ phát sinh dịch bệnh, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Qua tìm hiểu được biết, trước đây việc quản lý chợ có Ban quản lý gồm 7 thành viên do UBND xã Đông Phương Yên ra quyết định thành lập. Việc quản lý này đã nảy sinh những bất cập, nhất là về năng lực quản lý điều hành. Do đó, công tác quản lý chợ bộc lộ nhiều hạn chế, việc thu phí không đảm bảo theo các văn bản quy định của nhà nước; một số hộ dân tự ý xây dựng, cải tạo, sửa chữa, mua bán ki ốt hoặc chuyển đổi ngành hàng không xin phép chính quyền địa phương.
Chợ Đông Phương Yên (Chương Mỹ) luôn được coi là "điểm đen" về mất trật tự an toàn giao thông trên tuyến quốc lộ 6 |
Bên cạnh đó, việc họp chợ sai quy định thường xuyên diễn ra, người dân tự ý tổ chức mua bán lấn chiếm lòng, lề đường trên quốc lộ 6, ảnh hưởng đến trật tự an toàn giao thông. Đoạn quốc lộ 6 chạy qua chợ Đông Phương Yên dài khoảng 100m thường xuyên bị ách tắc, tiềm ẩn nguy cơ cao về tai nạn giao thông.
Chuyển đổi là phù hợp chủ trương
Thực tế trên cho thấy việc chuyển đổi mô hình quản lý chợ là rất cần thiết, nhằm xây dựng chợ khang trang, hiện đại, đảm bảo tốt công tác an toàn phòng cháy, chữa cháy, an toàn vệ sinh thực phẩm, vệ sinh môi trường, trật tự an toàn giao thông, đáp ứng nhu cầu mua bán, trao đổi hàng hóa của nhân dân trong vùng, thúc đẩy kinh tế, xã hội phát triển…
Ông Đinh Mạnh Hùng, Phó chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ cho biết, thực hiện chủ trương xã hội hóa, nhà nước không tham gia vào các hoạt động kinh doanh, nên việc để các doanh nghiệp, hợp tác xã quản lý chợ, sau đó đầu tư cải tạo, nâng cấp chợ là hợp lý. Trên cơ sở đó, UBND huyện Chương Mỹ quyết định thí điểm chuyển đổi mô hình quản lý đối với chợ Đông Phương Yên, sau đó sẽ nhân rộng ra toàn huyện. Ngày 31-3-2011, UBND thành phố Hà Nội đã có văn bản chấp thuận đề xuất của Sở Công Thương và UBND huyện Chương Mỹ chuyển đổi mô hình quản lý khai thác chợ Đông Phương Yên.
Chuyển đổi mô hình quản lý, kinh doanh khai thác chợ Đông Phương Yên đáp ứng được nhu cầu cấp thiết hiện nay vì chợ đã xuống cấp nghiêm trọng |
Theo đó, UBND huyện Chương Mỹ đã ban hành quyết định phê duyệt phương án thí điểm chuyển đổi mô hình quản lý, kinh doanh khai thác chợ Đông Phương Yên. Ban chỉ đạo thí điểm mô hình quản lý, kinh doanh khai thác chợ Đông Phương Yên đã ban hành thông báo mời thầu lựa chọn nhà đầu tư xây dựng, quản lý và kinh doanh khai thác chợ. Đồng thời, huyện đã yêu cầu UBND xã Đông Phương Yên công bố công khai trên hệ thống truyền thanh xã và niêm yết tại trụ sở UBND xã thông báo. Tiếp đến, UBND xã Đông Phương Yên đã tổ chức mở thầu công khai và kết quả HTX thương mại Việt Phương là đơn vị trúng thầu. Tháng 10-2011, UBND huyện Chương Mỹ đã có quyết định phê duyệt kết quả đấu thầu xây dựng, quản lý và kinh doanh khai thác chợ Động Phương Yên. Đầu tháng 11-2011, UBND xã Đông Phương Yên đã bàn giao công tác quản lý chợ, mặt bằng diện tích, cơ sở vật chất còn lại của chợ Đông Phương Yên cho HTX thương mại Việt Phương.
Xin giãn tiến độ xây dựng
Tuy nhiên, khi HTX thương mại Việt Phương đang triển khai các bước trong việc thực hiện chuyển đổi mô hình quản lý chợ Đông Phương Yên thì gặp phải sự cản trở, gây khó khăn, tỏ ý không hợp tác của một số hộ dân kinh doanh trong chợ. Họ cho rằng, họ đã không được bàn bạc, được biết về việc xây lại chợ, chính quyền có biểu hiện áp đặt, mất dân chủ; phương án chuyển đổi còn có những bất hợp lý như sẽ chuyển đổi từ chợ nông thôn thành trung tâm thương mại, nhà ở, văn phòng cho thuê…
Tìm hiểu phương án chuyển đổi cho thấy, HTX Việt Phương được quản lý, sử dụng gần 9.660 m2 đất trong thời gian 45 năm... Sau khi được giao đất, hoàn thiện các thủ tục, HTX Việt Phương sẽ được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, được quyền chuyển nhượng mặt bằng, chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Trong quyết định của UBND huyện Chương Mỹ phê duyệt kết quả đấu thầu xây dựng, quản lý và kinh doanh khai thác chợ, đơn vị trúng thầu còn được xây dựng chợ “gắn liền với trung tâm thương mại, nhà ở và văn phòng cho thuê”.
Trao đổi về vấn đề này, ông Đinh Mạnh Hùng cho biết, cho đến nay mới ở giai đoạn chọn được nhà đầu tư. Phương án kinh doanh, đặc biệt là phương án đầu tư xây dựng chợ vẫn phải thực hiện đúng thủ tục, trình tự theo quy định về đầu tư xây dựng cơ bản và trong quá trình đó sẽ tổ chức họp để bảo đảm dân chủ, công khai. Theo ông Hùng, tạm thời, HTX thương mại Việt Phương nộp ngân sách nhà nước hơn 60 triệu đồng/năm…Về giá thuê mặt bằng trong chợ Đông Phương Yên của các tiểu thương (sau này), UBND huyện đã yêu cầu chủ đầu tư cam kết chỉ thu bằng 60-70% theo quy định hiện hành của thành phố.
Trước những vướng mắc trong thời gian qua, UBND huyện Chương Mỹ cũng đã có văn bản gửi UBND thành phố Hà Nội xin giãn tiến độ xây dựng chợ Đông Phương Yên để chỉ đạo chính quyền địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, thuyết phục người dân, tạo sự đồng thuận; tiếp tục tổ chức đối thoại với các tiểu thương kinh doanh tại chợ tháo gỡ vướng mắc. Bên cạnh đó, chỉ đạo HTX Việt Phương xây dựng phương án chi tiết mô hình quản lý đầu tư xây dựng chợ Đông Phương Yên, như: thiết kế chi tiết mặt bằng, phương án bố trí sắp xếp các ngành hàng khoa học, hợp lý, đủ chỗ bán hàng cho các hộ kinh doanh; đảm bảo đầy đủ thủ tục, quy trình đầu tư xây dựng cơ bản; công khai mức phí thu, hoàn thiện thủ tục thuê đất… HTX thương mại Việt Phương phối hợp với UBND xã Đông Phương Yên tổ chức công khai phương án chi tiết đúng quy trình, quy định để các hộ kinh doanh và người dân địa phương được biết, đảm bảo thực hiện công khai, dân chủ, đúng pháp luật.