Quan trọng nhất vẫn là kiểm tra, xử lý vi phạm thường xuyên
Chính trị - Ngày đăng : 18:10, 30/05/2012
- Dư luận vừa qua có nhiều phàn nàn về những lộn xộn trong hoạt động quảng cáo. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào khi vừa là một đại biểu Quốc hội, vừa là một công dân?
- Quả thật, trên các phương tiện thông tin đại chúng, người ta nhiều khi lạm dụng quảng cáo. Không chỉ trên các phương tiện thông tin đại chúng, tình trạng tương đối hỗn loạn xảy ra ở nhiều nơi, nhất là tại các đô thị lớn với đủ loại quảng cáo bằng băng rôn, pano, quảng cáo bằng màn hình điện tử.... Hiệp hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, dư luận xã hội, các phương tiện thông tin đại chúng cũng đã lên tiếng về thực trạng này. Vì vậy, Luật Quảng cáo lần này sẽ có những quy định rất cụ thể và có những chế tài rất rõ ràng, quy định rõ 16 hành vi cấm không được quảng cáo.
- Trên thực tế, Pháp lệnh Quảng cáo năm 2001 cũng đã có quy định những hành vi bị cấm trong hoạt động quảng cáo như quảng cáo trái với truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức, thuần phong mỹ tục của dân tộc Việt Nam.., nhưng dường như chẳng mấy ai bị phạt. Theo ông, nguyên nhân do đâu?
- Theo tôi là bởi hai lẽ, Pháp lệnh Quảng cáo 2001 có những quy định như vậy nhưng trong Nghị định và Thông tư không hướng dẫn về việc thế nào là trái với thuần phong mỹ tục. Thứ hai, chưa đưa vào quy định về xử lý vi phạm hành chính, những hành vi vi phạm sẽ bị xử phạt thế nào, hình thức xử phạt thế nào và mức xử phạt ra sao. Pháp lệnh chỉ nêu thế thôi nhưng không có chế tài đủ mạnh để răn đe những hiện tượng quảng cáo trái với thuần phong mỹ tục thì không xử phạt được. Vì thế, Luật Quảng cáo sắp được Quốc hội thông qua sẽ bổ sung những khiếm khuyết của Pháp lệnh Quảng cáo 2001.
Luật Quảng cáo lần này nêu rất rõ, nếu quảng cáo sai sự thật, có những phương hại thì phải xử phạt vi phạm hành chính; nếu quảng cáo sai sự thật gây thiệt hại cho người khác, cho tổ chức, cá nhân thì phải bồi thường. Cao hơn nữa, nếu quảng cáo vi phạm đặc biệt nghiêm trọng có thể sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Theo tôi, các quy định về xử lý vi phạm như vậy là rất chặt chẽ và đầy đủ, vấn đề còn lại là thực hiện, mà quan trọng nhất là khâu thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm thường xuyên của các cơ quan quản lý Nhà nước.
- Ông nghĩ sao khi một cán bộ công chức, giáo sư, tiến sĩ đứng ra quảng cáo cho một sản phẩm, nhất là sản phẩm dược?
- Trong Luật Quảng cáo có quy định không được dùng hình ảnh của cán bộ công chức hoặc những người có vị trí trong xã hội để gây thêm niềm tin cho người tiếp nhận quảng cáo hoặc người tiêu dùng khi mà họ không đồng ý, còn tất nhiên họ đồng ý thì họ phải chịu trách nhiệm trước quảng cáo của họ.
Thực ra, nhiều thực phẩm và thực phẩm chức năng quảng cáo quá sự thật, quá giá trị thực có của nó. Tôi cho rằng quảng cáo như thế với mục đích là để tiêu thụ được hàng hóa để kiếm lời, nhưng đáng ra họ phải thấy khi quảng cáo sai sự thật tác động của nó rất lớn đến xã hội. Nhiều người tiếp nhận quảng cáo cũng nói với tôi rằng vì tin theo quảng cáo nên mới mua sản phẩm nhưng lại "tiền mất tật mang". Mua sản phẩm về không những không chữa được bệnh mà lại còn bị phản ứng phụ khác mà trong quảng cáo không đề cập đến.
- Theo ông, vấn đề quảng cáo nên giao cho Bộ nào quản lý?
- Theo tôi, quảng cáo không chỉ đưa thông tin mà còn đảm bảo thuần phong mỹ tục, yếu tố về văn hóa. Việc giao cho Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch như Chính phủ trình cũng có hợp lý. Tôi được biết khi Chính phủ họp, lấy ý kiến, các thành viên Chính phủ đại đa số nghiêng về giao cho Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch vì sản phẩm quảng cáo chính là sản phẩm của văn hóa. Còn tại sao Bộ Thông tin và Truyền thông quản lý ngần ấy phương tiện nhưng lại không được giao nhiệm vụ vì đó chỉ là những phương tiện chuyển tải những sản phẩm quảng cáo thôi. Cho nên, đến thời điểm này, các thành viên Quốc hội vẫn nghiêng về phương án giao cho Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch.
Tuy nhiên, tôi cũng muốn nói thêm, tất cả các Bộ, ngành có liên quan đều phải chịu trách nhiệm về kết quả quảng cáo và sản phẩm quảng cáo thuộc lĩnh vực mình phụ trách. Ví dụ, Bộ Y tế phải chịu trách nhiệm về chất lượng các hãng thuốc, sản phẩm thuốc, thực phẩm chức năng, các thiết bị y tế… quảng cáo trước công chúng. Bộ Công thương cũng phải chịu trách nhiệm liên quan đến sản phẩm hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu. Bộ Nông nghiệp Nông thôn có trách nhiệm đối với việc quảng cáo vật tư nông nghiệp đầu vào và đầu ra....
Xin cảm ơn ông!