Bài cuối: Để giai cấp công nhân thực sự vững mạnh (tiếp)
Giới trẻ - Ngày đăng : 07:28, 30/05/2012
Trong khi đó, không ít DN đang lợi dụng sự thiếu hiểu biết pháp luật của CNLĐ và những "kẽ hở" của pháp luật, cố tình không thực hiện đầy đủ các chế độ, chính sách đối với người lao động (NLĐ). Đây là vấn đề gây bức xúc, tổ chức công đoàn, các cơ quan chức năng đã và đang nỗ lực đấu tranh vì quyền lợi hợp pháp của NLĐ. Song, do nhiều nguyên nhân, CĐ nhiều lúc cũng đành "bó tay".
Công nhân cần được trang bị kiến thức pháp luật về lao động. Ảnh: Khánh Nguyên |
Nỗ lực "đổi đời"
Từ một công nhân, bằng ý chí không ngừng, Trương Thị Ngọc Giàu tự tin đứng ra mở Công ty Nông Thịnh Việt làm đầu mối chuyên cung cấp rau củ quả cho một số siêu thị tại TP Hồ Chí Minh. Những gian khó vẫn còn phía trước nhưng với Giàu, từ cuộc đời công nhân bước ra thương trường đã là cả vấn đề.
Sau vài lần hẹn, Giàu mới bố trí được thời gian để gặp chúng tôi. "Công ty mới mở nên còn nhiều khó khăn lắm. Em là giám đốc nhưng kiêm tất cả những phần việc từ đặt mối, kiểm tra sản phẩm, giao hàng đến kế toán..." - cô gái quê Vĩnh Long cười vui vẻ mở đầu câu chuyện.
Giàu trầm ngâm nhớ lại những ngày gian khó trong cuộc đời mình: "Em từng thi đỗ vào ĐH Kinh tế TP Hồ Chí Minh nhưng rồi vì hoàn cảnh gia đình nên phải gác lại giấc mơ giảng đường để học trường trung cấp lương thực thực phẩm với mong muốn sớm kết thúc khóa học để đi làm phụ giúp gia đình. Ra trường, không xin được việc, em vào làm công nhân tại KCX Tân Thuận với mức lương là 770.000 đồng/tháng và phải đi làm giúp việc, gia sư mới đủ sống. Sau đó, em chuyển sang một công ty cơ khí, làm công việc nặng nhọc như con trai và suốt ngày "làm bạn" với mì tôm vì còn phải dành tiền phụ giúp ba mẹ. Thời gian đó, em tiếp tục đi học trung cấp kế toán và tham gia hoạt động đoàn tại KCX Tân Thuận, gây dựng các đài phát thanh công nhân tại một số KCN, KCX... Rồi khó khăn cũng tạm lắng xuống, em ra làm ngoài thấy vất vả nhưng so với cuộc sống trước đây thì khác xa nhiều lắm. Vấn đề của em hiện nay là làm sao giữ được mối hàng, quay vòng vốn nhanh và có tích lũy nhiều hơn để lo cuộc sống sau này" - Giàu tâm sự.
Cũng như Trương Thị Ngọc Giàu, Nguyễn Ngọc Tú (quê Đắc Lắc) đã từng là công nhân tại Công ty Sản xuất linh kiện điện tử TTI (KCX Tân Thuận, TP Hồ Chí Minh). Tú đã phải bỏ ngang đời sinh viên ĐH để làm công nhân vì điều kiện gia đình khó khăn. Đi làm vài năm, từ vốn vay của Quỹ Hỗ trợ công nhân (WSF), Tú vừa làm vừa học tại Trung tâm Mỹ thuật đa phương tiện ARENA. "Sau khi học xong, em ra ngoài làm kinh doanh, mỗi tháng cũng kiếm được 8-10 triệu đồng. So với thu nhập trước đây thì đúng là đổi đời. Nếu ngày đó em không quyết tâm thì chắc bây giờ vẫn là công nhân và không biết điều gì sẽ đến" - Tú trầm ngâm.
Nguyễn Thị Phương Dung (27 tuổi), nhân viên của WSF cũng là một điển hình của công nhân nỗ lực vươn lên. Xa gia đình từ năm 17 tuổi, cô gái quê Thái Nguyên này đã từng làm công nhân may, công nhân cơ khí với đồng lương eo hẹp. Dung nói: "Em nghĩ nếu mình không học thêm thì sẽ khó có cuộc sống tốt hơn nên dù khó khăn đến đâu cũng cố theo học ngành quản trị doanh nghiệp của ĐH Thương mại. Sau khi tốt nghiệp, em vào làm tại WSF, nhờ đã từng sống đời công nhân nên rất hiểu tâm tư của họ. Giờ chồng em cũng vừa làm vừa học. Hy vọng cuộc sống của hai đứa và con sau này sẽ khấm khá hơn".
Bài toán chưa có lời giải
Với Giàu, Tú, Dung và hàng nghìn công nhân khác đang "vừa học, vừa làm", hành trình theo đuổi kỳ vọng "đổi đời" vẫn còn ở phía trước nhưng với sức "đề kháng", vốn sống tích lũy được từ đời công nhân, hiểu được nỗi gian khó từ cuộc đời, họ sẽ tìm được những "giấc mơ". Nhưng còn hàng chục vạn đời công nhân ở KCN, KCX với đa phần ở độ tuổi đôi mươi thì sao? Liệu họ có mòn mỏi với hành trình mưu sinh và sự bất định về tương lai?
Theo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, tính trên toàn quốc, tai nạn lao động tăng trung bình hàng năm 8,9% về số vụ và 7,8% về số người chết. Tình trạng nợ đọng, chậm đóng bảo hiểm xã hội vẫn xảy ra ở hầu hết các tỉnh, tập trung chủ yếu ở các doanh nghiệp ngoài nhà nước, với số tiền hàng nghìn tỷ đồng, ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của hàng vạn công nhân. Năm 2009 nợ 2.286,2 tỷ đồng; năm 2010 nợ 1.725,4 tỷ đồng. Nhiều chủ doanh nghiệp không thực hiện đúng pháp luật lao động và những cam kết về tiền lương, tiền thưởng, thời gian làm việc và nghỉ ngơi, điều kiện làm việc, dẫn đến tình trạng xung đột, tranh chấp lao động, ngừng việc tập thể và đình công tự phát ngày càng tăng của công nhân. Trong 2 năm 2009, 2010 và 6 tháng đầu năm 2011, cả nước đã xảy ra 1.240 cuộc đình công tự phát và ngừng việc tập thể của công nhân, lao động…
Rõ ràng, những con số đó ẩn chứa nhiều âu lo đòi hỏi phải có sự thay đổi căn bản về góc nhìn với giai cấp công nhân trong tình hình mới. Trước hết, đó chính là việc xây dựng cách thức hoạt động của tổ chức Đảng, đoàn thể trong phong trào công nhân phải có sự đổi mới, sát hơn với thực tế đời sống. Trong nỗ lực ấy, không ít nơi đã le lói cách làm hay.
Với nhiều công nhân tại TP
Hồ Chí Minh, từ vài năm nay, WSF đã trở thành người bạn tin cậy của họ. Ra đời từ tháng 4-2008, WSF tổ chức nhiều hoạt động nhưng nổi bật nhất là chương trình tặng học bổng, cho công nhân vay tiền đi học với lãi suất bằng 0%... Đến nay, đã có 196 công nhân được hỗ trợ học bổng với tổng số tiền 880 triệu đồng. Năm 2011, WSF đã trao vốn vay 5 đợt cho 82 công nhân với số tiền gần 225 triệu đồng, nâng số công nhân được vay vốn từ 2008 đến nay là 552 người với tổng số tiền hơn 1,6 tỷ đồng... Ngoài ra, những lớp học miễn phí về tin học cơ bản, tiếng Anh, Nhật, Hoa, kỹ năng giao tiếp, ứng xử... cũng liên tục được tổ chức.
Cũng tại TP Hồ Chí Minh, để sớm bắt kịp những thay đổi trong hoạt động của phong trào công nhân, "Đề án củng cố, phát triển lực lượng chính trị trong các KCN, KCX, khu công nghệ cao TP giai đoạn 2011-2015" đã từng bước vào cuộc sống. Công tác xây dựng Đảng, công đoàn năm 2011 đã có nhiều chuyển động tích cực. Cụ thể: đã lập 4 văn phòng đại diện công đoàn tại KCX Tân Thuận, Linh Trung, Tân Tạo, Tân Bình để sớm nắm bắt những biến động, tâm tư của công nhân...
Thực trạng bức xúc
Báo cáo mới nhất của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, tình trạng doanh nghiệp (DN) vi phạm pháp luật, chiếm dụng tiền bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) của người lao động tiếp tục xảy ra ở rất nhiều DN trên cả nước. Số nợ BHXH tính đến hết năm 2011 là 5,8 nghìn tỷ đồng, chiếm tới 66% so với số phải thu, trong đó, nợ BHXH trên 4,5 nghìn tỷ đồng, nợ BHYT trên 1,2 nghìn tỷ đồng. Đáng chú ý, số tiền nợ BHXH từ 6 tháng trở lên là 1,6 nghìn tỷ đồng. Một con số gây nhức nhối nữa là, theo báo cáo của BHXH Việt Nam, chỉ có 6,36 triệu trên tổng số 12 triệu lao động làm việc trong các DN có tham gia BHYT chiếm 53,4%. Nguyên nhân là do nhiều DN không tham gia BHYT cho NLĐ hoặc chậm đóng, không đóng đầy đủ và nợ đọng kéo dài và do nhận thức của NLĐ về BHYT còn nhiều hạn chế.
Những câu chuyện tại một số cuộc đối thoại với CNLĐ do Liên đoàn Lao động TP Hà Nội tổ chức cho thấy nhiều điều đáng suy ngẫm. Lê Thị Thúy Loan, công nhân làm việc tại một DN sản xuất linh kiện điện tử ở Khu công nghiệp Bắc Thăng Long cho biết, vào làm việc tại công ty đó được hơn một năm, song vẫn chưa được công ty đóng BHXH. Mới đây, bị bệnh viêm ruột thừa phải vào bệnh viện phẫu thuật, tốn kém gần chục triệu đồng, phải gọi điện về nhà cầu cứu, bố mẹ Loan phải đi vay mượn để trang trải chi phí đó. Thiệt thòi là thế, song cho đến giờ Loan vẫn phải nhắm mắt làm ngơ, tiếp tục làm việc ở công ty đó, bởi chẳng biết kiến nghị thế nào, với ai. Một người bạn của Loan làm việc tại một công ty khác cùng khu công nghiệp cũng rơi vào tình trạng dở khóc dở mếu. Đó là, đã làm việc tại một công ty được 6 tháng, vì nhà có việc nên xin nghỉ phép 3 ngày về quê. Song vì đi lại xa, công việc nhà không giải quyết kịp, sau 5 ngày bạn Loan mới trở lại công ty làm việc. Lập tức bị công ty ép nghỉ việc, vì lý do nghỉ 2 ngày ngoài phép, trong khi đó Luật Lao động quy định nếu NLĐ đang trong hợp đồng có thời hạn mà nghỉ quá 5 ngày cộng dồn trong 1 tháng không có lý do mới được phép sa thải, nếu không DN phải có thỏa thuận và NLĐ đồng ý thì DN mới được chấm dứt hợp đồng lao động...
Một thực trạng nhức nhối khác mà nguyên nhân cũng bắt nguồn từ việc DN vi phạm quyền lợi của NLĐ. Đó là tình trạng đình công đang gia tăng. Năm 2011, cả nước xảy ra 865 vụ ngừng việc tập thể, đình công tại 24 tỉnh, thành phố, tăng gấp hai lần so với năm 2010. Con số về tranh chấp lao động, đình công, tính riêng quý I năm 2012 của cả nước là 109 cuộc, tăng 6 cuộc so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân chủ yếu của thực trạng này đã được xác minh, làm rõ, đó là DN vi phạm các quy định về pháp luật lao động và không thực hiện các cam kết đã ký với NLĐ.
(Còn nữa)