Quản lý hoạt động quảng cáo rao vặt: Chưa hết gian nan

Đời sống - Ngày đăng : 06:51, 30/05/2012

(HNM) - Dù thành phố Hà Nội đã nhiều lần tổ chức lực lượng liên ngành ra quân kiểm tra, xử lý nhưng nạn quảng cáo rao vặt (QCRV) sai quy định vẫn gây nhiều bức xúc. Thực trạng cho thấy, để dẹp tận gốc nạn QCRV sai quy định, không thể cứ chạy theo giải quyết hậu quả từ sự đã rồi.



Mức phạt chưa đủ sức răn đe

Ba năm gần đây, 29/29 quận, huyện, thị xã của Thủ đô đã vào cuộc rầm rộ nhằm ngăn chặn hành vi QCRV sai quy định. Gần 1.000 bảng QCRV miễn phí đã được lắp đặt ở trung tâm các khu dân cư, những nơi có đông người qua lại nhằm thu hút người có nhu cầu QCRV. Trong thời gian qua, đã có hơn 2.000 số điện thoại được sử dụng vào việc QCRV sai quy định đã bị cắt liên lạc; các hội, đoàn thể, chính quyền địa phương đã bố trí lực lượng kiểm tra, bóc xóa QCRV tùy tiện và xử lý đối tượng có hành vi vi phạm…

Thành phố đã lắp đặt nhiều biển dành cho quảng cáo miễn phí nhưng nạn quảng cáo rao vặt sai quy định vẫn tái diễn. Ảnh: Thái Hiền


Mặc dù vậy, hoạt động QCRV vẫn diễn ra hết sức phức tạp. Tại quận Cầu Giấy, nội dung QCRV được in, dán chồng lên nhau, chằng chịt từ đầu ngõ đến cuối ngõ. Những tờ QCRV lơ lửng trên dây điện, gắn chặt vào bốt điện, hộp kỹ thuật, gốc cây ở ngõ 76 phố Chùa Hà, ngõ 111 đường Nguyễn Phong Sắc, ngõ 118 đường Nguyễn Khánh Toàn… Dọc các tuyến đường như Lê Thanh Nghị, Kim Ngưu… thuộc quận Hai Bà Trưng; đường Phan Kế Bính, Đào Tấn, Bưởi, Nam Cao thuộc quận Ba Đình hay đường Trích Sài, Thụy Khuê thuộc quận Tây Hồ… QCRV sai quy định phủ kín ngõ ngách. Nào là quảng cáo sửa chữa ti vi, tủ lạnh, điều hòa, nào là "bố cáo" khả năng cung ứng gia sư, người dạy ngoại ngữ, diệt mối, chụp ảnh, nhận làm báo cáo tài chính… Nhiều điểm trên các tuyến đường trung tâm như Hàng Bông, Hàng Chiếu, Lê Thánh Tông, Trần Hưng Đạo (Hoàn Kiếm)… trở nên nhếch nhác vì QCRV. Đáng nói hơn là hiện nay, nhiều người sử dụng loại giấy dán siêu mỏng và sử dụng keo siêu dính vào việc QCRV, muốn bóc chỉ có cách duy nhất là dấp nước, chờ giấy mủn ra rồi dùng bàn chải sắt cọ. "Dùng bàn chải sắt mà chà vào cột điện, bốt điện hay bắc thang lên gỡ QCRV lơ lửng trên dây điện thì chẳng khác nào đùa với tử thần, thành ra, nếu không có sự hỗ trợ của ngành điện lực thì các ngành khác có muốn bóc xóa triệt để QCRV sai quy định cũng đành chịu" - bà Nguyễn Hoài Linh, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin quận Cầu Giấy nhận xét.

Theo các quy định hiện hành, cách thức xử phạt đối với người có hành vi QCRV sai quy định là phạt tiền, cắt thuê bao điện thoại, lao động công ích nhưng trên thực tế, cách phạt phổ biến hiện nay là cắt thuê bao điện thoại vi phạm. Biện pháp này có tác dụng tích cực trong thời gian đầu, nhưng ở thời điểm hiện tại, nhiều chủ thuê bao đã biết cách "lách luật". Lấy lý do chậm đóng tiền, nhiều chủ thuê bao bị cắt liên lạc đã mang giấy tờ, tiền đến trung tâm dịch vụ khách hàng trình bày, nộp tiền và xin nối lại. Ông Nguyễn Trọng Hải, Phó Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin quận Đống Đa khẳng định: "Nhiều chủ thuê bao đã lấy lại được số điện thoại bằng cách  đó. Quận Đống Đa từng bắt được đối tượng vi phạm, cho đi lao động công ích, bóc xóa quảng cáo. Nhưng nếu áp dụng hình thức lao động công ích thì phải cử người đi kèm, giám sát, một kèm một thì thà tự làm lấy còn hiệu quả hơn. Phạt tiền thì càng khó bởi người đi dán QCRV thường ở độ tuổi vị thành niên, đi làm thuê, không có giấy tờ tùy thân, không chịu khai ra chủ và nhất là không có tiền".

Cách nào hiệu quả?

Do mức phạt chưa đủ sức răn đe, nhiều địa phương đã có những sáng kiến trong việc quản lý hoạt động QCRV sai quy định. Quận Đống Đa huy động sự tham gia của lực lượng quản lý đô thị, công an, thanh tra xây dựng, xí nghiệp môi trường đô thị, các đoàn thể… của 21 phường cùng bóc, xóa những tờ rơi, nội dung QCRV phản cảm. Quận Hoàn Kiếm giao trách nhiệm giữ vẻ đẹp đô thị tại vỉa hè, mặt phố cho chủ nhà. Quận Cầu Giấy tìm "chỗ đứng" cho QCRV đúng quy định bằng cách xây dựng hơn 100 bảng QCRV miễn phí ở 8 phường. Bên cạnh đó, mỗi phường có một công nhân môi trường đô thị chuyên trách việc bóc, xóa QCRV sai quy định, làm việc 8 tiếng/1 ngày; bố trí lực lượng đi cắt băng rôn, cờ phướn quá hạn, không phép ít nhất 2 lần/tuần. Quận Hoàng Mai cấp cho mỗi phường 2 triệu đồng/tháng để việc bóc, xóa QCRV sai quy định được thực hiện thường xuyên... Tuy nhiên, các địa phương đều thừa nhận những sáng kiến trên chỉ là giải pháp tình thế, chưa phải "thuốc đặc trị".

Mới đây, tại hội nghị chuyên đề về quản lý, tổ chức hoạt động QCRV trên địa bàn thành phố, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc đề nghị các địa phương lồng ghép hoạt động này với phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa".  Đây là biện pháp hay, có tính bền vững, thể hiện qua kinh nghiệm quản lý hoạt động QCRV tại huyện Đông Anh. Bà Nguyễn Kim Ngân, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Ðông Anh cho biết: Chúng tôi cũng gặp khó khăn như các địa phương khác nhưng nhờ biết huy động sức dân nên Đông Anh đã xóa được 35 nghìn điểm QCRV sai quy định. Huyện đã vận động 100% số hộ gia đình ký cam kết tự giác bóc, xóa và tố giác những người kẻ, vẽ, dán QCRV sai quy định.

Cùng với những giải pháp cấp bách, mang tính khắc phục hậu quả thì chính quyền địa phương cần nâng cao nhận thức, ý thức phát hiện, tố giác hành vi vi phạm về QCRV của người dân. Với việc quản lý hoạt động QCRV, không có gì tốt hơn là phát huy sức mạnh cơ sở, ngăn chặn từ đầu.

Minh Ngọc