Bảo đảm lợi ích trước mắt và lâu dài

Xã hội - Ngày đăng : 06:44, 30/05/2012

(HNM) - Xác định nhiệm vụ bảo vệ môi trường gắn liền với chủ trương và kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội, Thành ủy Hà Nội đã ban hành Chương trình số 07-CTr/TU tập trung xây dựng hạ tầng kỹ thuật đô thị, bảo vệ và nâng cao chất lượng môi trường giai đoạn 2011-2015.


Xử lý những vấn đề bức xúc

Mặc dù vẫn còn những hạn chế, song nhìn tổng thể, Hà Nội đã có nhiều biện pháp tích cực ngăn chặn ô nhiễm môi trường, đặc biệt sau khi ban hành Chương trình số 07-CTr/TU của Thành ủy, công tác bảo vệ môi trường ngày càng được chú trọng hơn. Trong hai năm qua, Hà Nội đã thực hiện nhiều dự án, đề án về xử lý ô nhiễm môi trường. Nổi bật là chương trình thử nghiệm xử lý ô nhiễm nước sông, mương, hồ và xử lý ô nhiễm nước sông Tô Lịch. Kết quả, tại 12 hồ được xử lý ô nhiễm, chất lượng nước hồ được cải thiện, giảm mùi hôi, hiện tượng cá chết ít xảy ra, cảnh quan đẹp hơn. Có 8/12 hồ sau xử lý đã được Sở Tài nguyên và Môi trường bàn giao việc quản lý, duy trì chất lượng nước. Hiện nay, công tác xử lý ô nhiễm nước tại các hồ khác trên địa bàn làm đẹp cảnh quan và cải thiện chất lượng nước, vệ sinh môi trường đang được triển khai quyết liệt.


Xả rác bừa bãi trên sông Đáy, đoạn qua xã Vân Côn, huyện Hoài Đức.

Cùng với việc tập trung triển khai hàng loạt dự án, đề án về xử lý ô nhiễm gây bức xúc, TP Hà Nội quan tâm tìm giải pháp huy động nguồn lực xã hội đầu tư vào lĩnh vực thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt, xử lý chất thải công nghiệp nguy hại, chất thải rắn y tế. Các chương trình khắc phục ô nhiễm môi trường tại các làng nghề bị ô nhiễm đặc biệt nghiêm trọng; cải thiện và phục hồi môi trường tại một số khu vực bị ô nhiễm do hóa chất bảo vệ thực vật tồn lưu, phát triển mạnh các mô hình thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt trong khu vực nông thôn cũng đang được khẩn trương thực hiện. Đến nay, 100% các xã ở tất cả các huyện, thị xã thành lập các tổ thu gom rác thải tại từng thôn. Trên địa bàn các huyện Thường Tín, Mỹ Đức, Thanh Oai, Ứng Hòa đã xây dựng thành công các dự án thí điểm chôn lấp rác thải, bảo đảm việc xử lý rác thải theo đúng quy định về bảo vệ môi trường. Ngoài ra, nhiều dự án đầu tư xây dựng các khu xử lý rác thải tập trung của các huyện Đan Phượng (công suất (CS) xử lý 200 tấn/ngày), Đông Anh (CS xử lý 300 tấn/ngày, áp dụng công nghệ đốt plasma) hay khu xử lý rác thải Núi Thoong giai đoạn II, huyện Chương Mỹ (CS 350 tấn/ngày), khu xử lý rác thải xã Lại Thượng, huyện Thạch Thất (CS dưới 300 tấn/ngày), dự án đầu tư xây dựng "Khu xử lý chất thải rắn và nguyên liệu tái tạo Xuân Sơn, thị xã Sơn Tây" (CS 300 tấn/ngày, công nghệ sinh hóa kết hợp đốt)... đang được gấp rút triển khai để giải quyết triệt để lượng rác còn tồn đọng ở khu vực nông thôn.

Thực hiện với nỗ lực cao nhất

Chương trình số 07-CTr/TU của Thành ủy đề ra yêu cầu đến năm 2015 xây dựng 2-3 nhà máy xử lý nước thải tập trung, 100% khu công nghiệp, khu chế xuất có hệ thống xử lý nước thải tập trung, 100% chất thải rắn ở nội thành, 80% chất thải rắn ở ngoại thành được thu gom và xử lý, 95% chất thải rắn thông thường, 85% chất thải nguy hại và 100% chất thải y tế được thu gom, xử lý đạt tiêu chuẩn… Giai đoạn này, TP cũng tập trung đầu tư xử lý chất thải rắn; ô nhiễm nước mặt và nước thải; xử lý ô nhiễm bụi và khí thải giao thông; đầu tư xây nhà tang lễ và nghĩa trang phục vụ nhu cầu của người dân…

Để thực hiện được các chỉ tiêu này, ngoài việc nâng cao nhận thức của người dân, trách nhiệm của các nhà lãnh đạo, quản lý, đòi hỏi phải tập trung, kiên trì, giải quyết một cách hài hòa mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế, bảo đảm công bằng xã hội và bảo vệ môi trường, tiến hành đồng bộ các biện pháp một cách thường xuyên, liên tục với quyết tâm cao nhất. Đồng thời TP cần tiếp tục nghiên cứu, xây dựng và hoàn chỉnh các cơ chế, chính sách, văn bản quy phạm pháp luật, quy định về bảo vệ môi trường, quản lý chất thải và kiểm soát ô nhiễm cho từng lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, làng nghề... trên địa bàn, xây dựng Quy hoạch tổng thể môi trường TP Hà Nội đến năm 2020 tầm nhìn 2030 nhằm xây dựng môi trường Hà Nội xanh, sạch, đẹp.

Phạm Văn Khánh (Phó Giám đốc Sở TN&MT Hà Nội)