Chưa “thông” việc chuyển giám định pháp y về cho ngành y tế

Chính trị - Ngày đăng : 14:55, 29/05/2012

(HNMO) – Một trong những nội dung nhận được nhiều ý kiến đóng góp trong phiên thảo luận sáng 29/5 về dự thảo Luật giám định tư pháp là việc giao công tác giám định pháp y cấp tỉnh cho ngành y tế hay vẫn để ngành công an đảm nhận như hiện nay.


Trong dự thảo luật, tổ chức giám định tư pháp công lập được quy định như sau:

Phương án 1:
Điều 12. Tổ chức giám định tư pháp công lập
1. Tổ chức giám định tư pháp công lập được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền thành lập trong lĩnh vực pháp y, pháp y tâm thần và kỹ thuật hình sự.
Trong trường hợp xét thấy cần thiết, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, có thể quyết định thành lập hoặc trình cơ quan có thẩm quyền thành lập tổ chức giám định tư pháp công lập trong lĩnh vực xây dựng, văn hóa, tài chính và các lĩnh vực khác, sau khi thống nhất ý kiến với Bộ trưởng Bộ Tư pháp.
2. Tổ chức giám định tư pháp công lập về pháp y bao gồm:
a) Viện Pháp y quốc gia thuộc Bộ Y tế;
b) Trung tâm pháp y tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
c) Viện Pháp y quân đội thuộc Bộ Quốc phòng;
d) Trung tâm giám định pháp y thuộc Viện Khoa học hình sự, Bộ Công an.
3. Tổ chức giám định tư pháp công lập về pháp y tâm thần bao gồm:
a) Viện Pháp y tâm thần Trung ương thuộc Bộ Y tế;
b) Trung tâm pháp y tâm thần khu vực thuộc Bộ Y tế.
Căn cứ yêu cầu giám định pháp y tâm thần của hoạt động tố tụng và điều kiện thực tế của các khu vực, vùng miền trong cả nước, Bộ trưởng Bộ Y tế xem xét, quyết định thành lập và quy định cụ thể về Trung tâm pháp y tâm thần khu vực, sau khi thống nhất ý kiến với Bộ trưởng Bộ Tư pháp.
4. Tổ chức giám định tư pháp công lập về kỹ thuật hình sự bao gồm:
a) Viện Khoa học hình sự thuộc Bộ Công an;
b) Phòng Kỹ thuật hình sự thuộc Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
c) Phòng Giám định kỹ thuật hình sự thuộc Bộ Quốc phòng.
5. Tổ chức giám định tư pháp công lập có con dấu và tài khoản riêng theo quy định của pháp luật.
6. Chính phủ quy định cụ thể về chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức, chế độ làm việc của tổ chức giám định tư pháp công lập quy định tại Điều này.

Phương án 2:
Điều 12. Tổ chức giám định tư pháp công lập
1. Tổ chức giám định tư pháp công lập được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền thành lập trong lĩnh vực pháp y, pháp y tâm thần và kỹ thuật hình sự.
Trong trường hợp xét thấy cần thiết, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, có thể quyết định thành lập hoặc trình cơ quan có thẩm quyền thành lập tổ chức giám định tư pháp công lập trong lĩnh vực xây dựng, văn hóa, tài chính và các lĩnh vực khác, sau khi thống nhất ý kiến với Bộ trưởng Bộ Tư pháp.
2. Tổ chức giám định tư pháp công lập về pháp y bao gồm:
a) Viện Pháp y quốc gia thuộc Bộ Y tế;
b) Trung tâm pháp y tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
c) Viện Pháp y quân đội thuộc Bộ Quốc phòng;
d) Trung tâm giám định pháp y thuộc Viện Khoa học hình sự, Bộ Công an.
3. Tổ chức giám định tư pháp công lập về pháp y tâm thần bao gồm:
a) Viện Pháp y tâm thần Trung ương thuộc Bộ Y tế;
b) Trung tâm pháp y tâm thần khu vực thuộc Bộ Y tế.
Căn cứ yêu cầu giám định pháp y tâm thần của hoạt động tố tụng và điều kiện thực tế của các khu vực, vùng miền trong cả nước, Bộ trưởng Bộ Y tế xem xét, quyết định thành lập và quy định cụ thể về Trung tâm pháp y tâm thần khu vực, sau khi thống nhất ý kiến với Bộ trưởng Bộ Tư pháp.
4. Tổ chức giám định tư pháp công lập về kỹ thuật hình sự bao gồm:
a) Viện Khoa học hình sự thuộc Bộ Công an;
b) Phòng Kỹ thuật hình sự thuộc Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
c) Phòng Giám định kỹ thuật hình sự thuộc Bộ Quốc phòng.
5. Căn cứ vào nhu cầu thực tế và điều kiện thực tế của địa phương, Công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có giám định viên pháp y thực hiện giám định pháp y tử thi.
6. Tổ chức giám định tư pháp công lập có con dấu và tài khoản riêng theo quy định của pháp luật.
7. Chính phủ quy định cụ thể về chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức, chế độ làm việc của tổ chức giám định tư pháp công lập quy định tại Điều này.


Mở đầu phiên thảo luận, đại biểu Huỳnh Thế Kỳ - Ninh Thuận đã đề cập ngay đến nội dung này. Đại biểu Kỳ đề nghị giữ nguyên Tổ chức giám định pháp y công an cấp tỉnh như hiện nay và kiện toàn theo hướng chính quy hiện đại hơn. Theo ông, pháp y công an nhân dân, nhất là pháp y công an cấp tỉnh, đã có những đóng góp rất quan trọng và kết quả điều tra xử lý nhiều vụ án hình sự, xâm phạm tính mạng sức khỏe con người đảm bảo chính xác, khách quan trong các kết luận giám định. Tuy nhiên trong quá trình xây dựng Dự án Luật Giám định tư pháp, vai trò giám định pháp y công an cấp tỉnh đã không được đánh giá đúng mức.

Ông cho rằng, việc duy trì pháp y công an cấp tỉnh không ảnh hưởng đến sự phát triển của ngành pháp y y tế vì cùng với việc giám định pháp y theo trưng cầu của các cơ quan tiến hành tố tụng thì giám định pháp y của ngành y tế còn có nhiệm vụ chính là giải phẫu bệnh lý, làm rõ nguyên nhân chết đối với những bệnh nhân đến khám, chữa bệnh tại bệnh viện phục vụ cho công tác chữa bệnh, cứu người. Đây là lĩnh vực mà pháp y công an nhân dân không có liên quan.

Đại biểu Nguyễn Đức Chung – Hà Nội cũng ủng hộ phương án 2, bởi phương án này không hề ảnh hưởng đến giám định pháp y của ngành y tế. Theo đại biểu Chung, không thể lấy lí do nếu giao cho ngành công an sẽ dẫn đến sự thiếu khách quan, bởi nếu đã giám định sai thì dù là người đó ở ngành nào cũng đều phải chịu xử lý theo pháp luật. Hơn nữa, đội ngũ giám định pháp y của ngành y đa số nằm ở các khoa có bệnh, phải mất nhiều năm nữa ngành y mới có đội ngũ giám định viên đầy đủ đáp ứng yêu cầu, trong khi ngành công an đã có gần 100 giám định viên có kinh nghiệm dày dặn, nếu bỏ đi sẽ gây lãng phí nguồn nhân lực.

“Ở một góc độ khác, sự tồn tại 3 cơ quan giám định pháp y, giám định pháp y của ngành y tế, của quân đội và công an có ý nghĩa quan trọng trong công tác giám định tư pháp. Sự tồn tại của các cơ quan này lại tạo điều kiện cho nhân thân các gia đình nạn nhân có nhiều quyền lựa chọn hơn, mỗi ngành đều có một thế mạnh riêng, hỗ trợ, bổ sung cho nhau tốt hơn…”, đại biểu Chung phân tích thêm.

Chung quan điểm, đại biểu Nguyễn Thanh Hải – Hòa Bình cũng nhất trí giữ lại bộ phận pháp y của công an cấp tỉnh theo hướng xây dựng bộ máy chính quy ngày càng hiệu quả hơn. Vì đặc thù nghề nghiệp lực lượng pháp y công an các tỉnh và các bộ phận khác cùng một đầu mối chung.

“Mục đích quan trọng nhất của ngành y tế là chăm sóc sức khỏe, vì vậy nên cân nhắc để ngành y tế tập trung vào mục đích chính của mình. Trong điều kiện hiện nay, giao cho ngành công an là tối ưu nhất”, ông Hải nói.


Nhất trí chọn phương án 2, đại biểu Mã Điền Cư – Quảng Nam góp ý thêm, nếu theo phương án này thì sẽ tiếp tục tồn tại 2 tổ chức làm nhiệm vụ giám định pháp y, cho nên cần quy định rõ nhiệm vụ, quyền hạn của từng tổ chức.

“Theo tôi chỉ nên giao lĩnh vực này cho bộ phận pháp y thuộc phòng kỹ thuật hình sự công an cấp tỉnh thực hiện giám định pháp y để phục vụ kịp thời cho công tác điều tra, tất nhiên không phải là giao toàn bộ giám định pháp y cho ngành công an”, đại biểu Cư nói.

Quy định như phương án 2 cũng là lựa chọn của nhiều đại biểu khác như: Thích Thanh Quyết (Lương Công Quyết) - Quảng Ninh, Trần Văn Tấn - Tiền Giang, Nguyễn Thái Học - Phú Yên, Phạm Văn Gòn - TP Hồ Chí Minh…

Tuy nhiên, đại biểu Trương Thị Yến Linh – Cà Mau lại đề nghị chọn phương án 1. Theo đại biểu Linh, nhiều năm qua, hoạt động giám định pháp y còn manh mún, đã đến lúc phải đặt pháp y đúng vị trí quản lý sao cho phù hợp và thống nhất lĩnh vực pháp y thành một hệ thống từ trung ương đến địa phương.

Đại biểu Linh cho biết, ở các nước khác trên thế giới, công tác giám định đều do ngành y tế hoặc nằm trong các trường ĐH, không thuộc ngành công an, Việt Nam chúng ta đang hội nhập thì cũng nên theo thông lệ này. Mặt khác, quá trình điều tra vụ án áp dụng quy trình khép kín, đều do một cơ quan chỉ đạo, nên dù có khách quan đến đâu, người ngoài cuộc vẫn nghi ngờ.

Đại biểu Linh cũng cho rằng, cơ sở vật chất hiện tại và hệ thống tổ chức bộ phận pháp y của ngành y tế hiện đáp ứng đủ yêu cầu. Vì vậy, nên giao cho ngành y tế để đảm bảo tính chuyên nghiệp, khách quan hơn.

Cùng ủng hộ phương án này, đại biểu Nguyễn Thu Anh - Lâm Đồng phân tích, giám định pháp y là hoạt động chuyên môn sâu thuộc lĩnh vực y học, để có kết luận được chính xác, ngoài việc sử dụng kiến thức chuyên môn, kinh nghiệm thực tiễn, trong quá trình thực hiện giám định, giám định viên rất cần sự trợ giúp của các thiết bị, phương tiện kỹ thuật chuyên ngành. Do đó, tập trung giám định viên pháp y tại trung tâm pháp y cấp tỉnh thuộc ngành y tế quản lý thì việc đầu tư phát triển theo hướng chuyên trách, chính quy, hiện đại sẽ tập trung và hiệu quả hơn.

“Dự thảo luật quy định theo phương án 1 là phù hợp với nguyên lý chung, phù hợp với thông lệ các nước về pháp y, khắc phục tình trạng phân tán lực lượng giám định viên pháp y và tình trạng chồng lấn trong hoạt động giám định pháp y ở địa phương hiện nay”, đại biểu Thu Anh nói.

Tuy nhiên, để có thời gian củng cố, kiện toàn tổ chức giám định tư pháp công lập về pháp y theo phương án 1, đại biểu Thu Anh nhất trí, cùng với việc thông qua Luật Giám định tư pháp, Quốc hội sẽ thông qua nghị quyết về việc thi hành luật và nên quy định lộ trình thực hiện là 3 năm kể từ ngày Luật Giám định tư pháp có hiệu lực.

Nghiêng về phương án 1 còn có các đại biểu Vũ Thị Nguyệt - Hưng Yên, Lê Khánh Nhung - Quảng Bình.

Theo chương trình, ngày 20/6, Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua luật này.

Cũng trong phiên làm việc hôm nay, Quốc hội đã thảo luận về dự thảo luật phổ biến giáo dục pháp luật.

H.V