Quan hệ Ấn Độ - Myanmar: Một bước tiến quan trọng

Thế giới - Ngày đăng : 06:18, 29/05/2012

(HNM) - Chưa đầy nửa tháng sau khi Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak kết thúc chuyến thăm "bước ngoặt" tới Myanmar, quốc gia Đông Nam Á này đã trở thành điểm đến của Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh.

Là thủ tướng đầu tiên của Ấn Độ tới thăm Myanmar kể từ sau chuyến thăm của Thủ tướng Rajiv Gandhi tháng 12-1987, chuyến công du ba ngày (từ 27 đến 29-5) của Thủ tướng Manmohan Singh không chỉ dừng lại ở việc kiếm tìm nguồn cung cho nền kinh tế đang khát năng lượng của Ấn Độ, mà còn góp phần mở ra bước tiến mới trong quan hệ giữa hai nước trên nhiều lĩnh vực hợp tác.

Chuyến thăm Myanmar của Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh là bước tiến trong quan hệ hai nước.

Với hơn chục thỏa thuận hợp tác song phương, trong đó có nhiều dự án phát triển hạ tầng do Ấn Độ đầu tư, được hai bên ký kết ngay sau cuộc hội đàm cấp cao giữa Tổng thống Myanmar Thein Sein và Thủ tướng Manmohan Singh ngày 28-5 là thành công nổi bật của chuyến thăm lịch sử này. Không chỉ nhất trí tăng cường hợp tác trên nhiều lĩnh vực như thương mại, đầu tư, phát triển các khu vực biên giới, cải thiện các đường kết nối giữa hai nước… trong cuộc hội đàm lãnh đạo hai bên cũng thảo luận việc Myanmar trở thành địa chỉ quan trọng cung cấp năng lượng cho Ấn Độ.

Nằm ở khu vực Nam Á nhưng Ấn Độ lại là một trong những đối tác quan trọng của khu vực ASEAN, trong đó Myanmar là thành viên duy nhất có chung đường biên giới với Ấn Độ. Ấn Độ hiện là nhà đầu tư lớn thứ 13 tại Myanmar với tổng số vốn lên tới 189 triệu USD. Năm ngoái kim ngạch thương mại song phương giữa hai nước đạt mức 2,1 tỷ USD và hai bên phấn đấu đạt 3 tỷ USD vào năm 2015.

Dù nằm trong danh sách "những nền kinh tế mới nổi" nhưng có lẽ chưa bao giờ New Delhi lại khao khát "tăng tốc" kết nối với ASEAN như hiện nay. Trong bối cảnh đó, Myanmar được xem là cầu nối quan trọng giữa Ấn Độ với ASEAN. Ngược lại, với quy chế là quan sát viên của Hiệp hội Hợp tác khu vực Nam Á (SAARC), Myanmar là cầu nối giữa ASEAN với SAARC. Hiện Ấn Độ có nhiều dự án hạ tầng ở Myanmar như dự án nâng cấp 160km đường Tamu - Kalewa - Kalemyo, dự án xây dựng và nâng cấp đường Rhi - Tiddim… Ấn Độ cũng đã hoàn tất dự án ADSL tốc độ cao kết nối 32 thành phố tại Myanmar. Vì vậy, có thể thấy, việc tăng cường quan hệ với Myanmar không chỉ là một phần trong "chính sách hướng Đông" của Ấn Độ mà còn có mục tiêu lớn hơn là kết nối nhanh hơn với ASEAN.

Một trong những chủ đề quan trọng trong chuyến công du Myanmar lần này của Thủ tướng Manmohan Singh là năng lượng. Mặc dù là thị trường xuất khẩu hàng hóa lớn thứ ba của Myanmar sau Trung Quốc và Thái Lan, nhưng việc Trung Quốc trở thành "ông trùm" trong lĩnh vực khai thác dầu khí cũng như xây dựng hệ thống giao thông, đường ống dẫn dầu và cảng biển ở Myanmar khiến Ấn Độ không thể đứng nhìn. Với nhu cầu năng lượng tăng nhanh để phục vụ phát triển kinh tế, Myanmar được coi là nguồn cung cấp năng lượng khả thi nhất cho Ấn Độ khi trữ lượng khí tự nhiên của nước này đứng thứ 10 thế giới, với khoảng 2,5 nghìn tỷ mét khối tại 19 mỏ trong đất liền và 3 mỏ lớn ngoài khơi. Đó cũng là lý do vì sao trong chuyến công du Myanmar lần này của Thủ tướng Manmohan Singh có đội ngũ đông đảo doanh nghiệp cấp cao, trong đó có tỉ phú truyền thông Sunil Bharti Mittal, Chủ tịch Tập đoàn Bharti Airtel…

Chuyến thăm của Thủ tướng Manmohan Singh là chuyến thăm mới nhất của một lãnh đạo nước ngoài tới Myanmar sau một loạt chuyến thăm cấp cao khác kể từ khi nước này tổ chức thành công cuộc tổng tuyển cử đầu tháng 4 vừa qua. Cùng với việc một loạt quốc gia như Thụy Sĩ, Na Uy, Canada, Australia... đình chỉ hoặc bãi bỏ các lệnh trừng phạt đối với Myanmar, chuyến thăm của Thủ tướng Manmohan Singh là bước tiến quan trọng không chỉ trong quan hệ giữa Myanmar với Ấn Độ, mà còn khẳng định hiệu quả của chính sách mở cửa nền kinh tế của quốc gia Đông Nam Á này để chào đón các nhà đầu tư trên thế giới.

Đình Hiệp