Không nên quá kỳ vọng vào bình ổn giá
Kinh tế - Ngày đăng : 11:30, 28/05/2012
Theo đại biểu Lịch, Luật giá thực chất là giải quyết mối quan hệ giữa nhà nước và thị trường, nếu nỗ lực bình ổn giá trong điều kiện kinh tế vĩ mô bất ổn thì dù có nỗ lực cỡ nào cũng rất khó bình ổn. Ông cho rằng, không nên quá kỳ vọng vào bình ổn giá nếu kinh tế vĩ mô bất ổn.
“Bình ổn giá là các biện pháp chính sách tổng hợp của kinh tế vĩ mô. Tôi ủng hộ việc rút xuống còn 10 mặt hàng, dịch vụ bình ổn, nhưng nếu có lập quỹ bình ổn thì loại nào có quỹ, loại nào không có quỹ, cũng cần phải tính toán kỹ”, đại biểu Lịch nói.
Dẫu nhất trí với các danh mục hàng hóa, dịch vụ bình ổn như quy định trong dự thảo luật, nhưng một số đại biểu vẫn đề nghị Quốc hội xem xét mở rộng thêm danh mục này.
Đại biểu Phạm Minh Tấn – Đắc Lắc đề nghị xem xét đưa mặt hàng nông sản cà phê là đối tượng cần được bình ổn giá. Quan điểm của ông là hiện sản xuất, chế biến cà phê đang là phương tiện sinh sống chủ yếu của nhiều người dân; sản lượng cà phê Việt Nam đứng thứ 2 thế giới, sau Brazil, và thương hiệu cà phê Việt Nam đã được đăng ký và bảo hộ trên thế giới; việc xuất khẩu cà phê mang lại giá trị khá lớn về cho đất nước (mỗi năm hàng tỷ USD), nếu xét về hàng nông sản, xuất khẩu cà phê chỉ đứng sau lúa gạo... Do đó, Nhà nước nên có chính sách bảo hộ mặt hàng này.
Đại biểu Nguyễn Thanh Phương – Cần Thơ đề nghị nên cân nhắc việc đưa mặt hàng thức ăn chăn nuôi gia súc ra khỏi danh sách theo hàng bình ổn.
Đại biểu Nguyễn Thị Thanh Thủy – Hậu Giang đề nghị bổ sung một số hàng hóa liên quan mật thiết đến đời sống vào danh sách bình ổn như: sách và đồ dùng học tập cho học sinh; thuốc bảo vệ thực vật; thức ăn hỗn hợp cho chăn nuôi gia súc, gia cầm và thủy sản.
Trước các đề nghị trên, đại biểu Lịch đã xin đăng ký phát biểu lần hai. Ông bày tỏ sự chia sẻ với các ý kiến đã phát biểu, tuy nhiên, ông tiếp tục khẳng định, bình ổn giá là cực chẳng đã, nếu không phải thực hiện là tốt nhất.
“Chúng ta đừng quá kì vọng vào bình ổn nếu kinh tế bất ổn. Càng mở rộng danh mục bình ổn, Nhà nước càng can thiệp quá nhiều vào thị trường mà lại khó quản lý được”, ông nói.
Chung mối quan tâm về các biện pháp bình ổn giá, đại biểu Nguyễn Thanh Phương – Cần Thơ đề nghị, trong số các nguồn được huy động để thành lập quỹ bình ổn giá, cần bổ sung nguồn đóng góp từ các doanh nghiệp, có như vậy mới đảm bảo công bằng và gắn kết trách nhiệm giữa doanh nghiệp, Nhà nước và người tiêu dùng.
Liên quan đến bình ổn giá điện, đại biểu Đồng Hữu Mạo – Thừa Thiên Huế nhất trí quy định, Nhà nước sẽ định giá bán lẻ điện cho đến khi nào có thị trường điện cạnh tranh. Tuy nhiên, việc dự thảo luật quy định Chính phủ định khung giá mức bán lẻ điện bình quân là rất khó khả thi, bởi thế nào là giá bán lẻ bình quân và làm sao để Nhà nước quản lý được doanh nghiệp có bán đúng giá Nhà nước quy định hay không...
“Quy định mới nghe thì hợp lý nhưng nếu thực hiện thì không khả thi. Tôi đề nghị giữ nguyên cơ chế hiện hành của Nhà nước, như vậy có cơ sở để quản lý hơn”, ông nói.
Một vấn đề khác được nhiều đại biểu quan tâm là việc quản lý giá.
Đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé – Kiên Giang cho rằng, Luật giá có ảnh hưởng rất quan trọng đến đời sống xã hội nên việc quy định niêm yết giá là đúng, nhằm đảm bảo cho dân biết rõ mức giá với hàng hóa, dịch vụ định mua. Tuy nhiên, dự luật chưa quy định rõ phương thức quản lý, thực hiện niêm yết giá của các cá nhân, tổ chức chào bán dịch vụ, hàng hóa.
“Có thực tế là tại các địa phương, việc mua bán nhiều loại hàng hóa diễn ra tại các chợ nên việc niêm yết giá là khó khả thi. Nếu quy định như dự thảo luật thì chúng ta phải tổ chức nguồn lực kiểm tra như thế nào để đảm bảo đúng quy định của luật?”, đại biểu Bé nêu vấn đề.
Về vấn đề này, đại biểu Trần Du Lịch – TP. Hồ Chí Minh cũng đề nghị, để việc quản lý giá được chặt chẽ hơn, nên làm rõ 3 vấn đề: niêm yết giá, đăng ký giá, kê khai giá. Với đăng ký giá, có nên quy định cơ quan Nhà nước có quyền không đồng ý hoặc buộc thay đổi giá hay không, bởi nếu quy định như vậy thì nhà nước áp đặt giá; còn nếu cơ quan Nhà nước không cho ý kiến về giá thì lại thành kê khai giá. Do đó, cần có sự phân định và quy định rõ ràng giữa đăng ký giá và kê khai giá.
Liên quan đến việc xử lý vi phạm trong đăng ký, kê khai và niêm yết giá, đại biểu Nguyễn Thanh Phương – Cần Thơ đề nghị dự án luật bổ sung quy định xử lý các hành vi vi phạm việc công khai giá; đại biểu Nguyễn Thị Thanh Thủy – Hậu Giang đề nghị bổ sung hành vi cấm bán phá giá, lợi dụng độc quyền để ép giá, cạnh tranh không lành mạnh về giá.