Hỗ trợ doanh nghiệp, kiềm chế lạm phát

Kinh tế - Ngày đăng : 09:57, 28/05/2012

(HNM) - Sau phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5, chiều 27-5, Văn phòng Chính phủ (VPCP) đã tổ chức họp báo. Bộ trưởng - Chủ nhiệm VPCP Vũ Đức Đam cho biết, Chính phủ quyết tâm và tin tưởng khả năng giữ lạm phát ở mức một con số trong năm 2012; sẽ xử lý nghiêm những sai phạm về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng tại Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines)…

Lạm phát tăng, giá cả leo thang là nỗi băn khoăn của người nội trợ mỗi khi chi tiêu.
Ảnh: Trung Kiên

Kiềm chế lạm phát ở một con số

Chủ trì cuộc họp báo, Bộ trưởng - Chủ nhiệm VPCP Vũ Đức Đam cho biết, tại phiên họp này, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, Bộ KH-ĐT đã báo cáo, phân tích toàn cảnh nền kinh tế xã hội tháng 5 và 5 tháng đầu năm 2012, đặc biệt là những khó khăn và nguy cơ đang đặt ra. Kết quả cho thấy, tình hình kinh tế 5 tháng đầu năm đã có chuyển biến đúng hướng. Có thể nhận thấy tín hiệu tích cực khi lạm phát tiếp tục ở mức thấp hơn kỳ vọng. Năm ngoái nhiều chuyên gia cho rằng điều này khó đạt được nhưng trong các tháng gần đây lạm phát đều thấp, duy trì ở một con số. Tuy nhiên, Chính phủ sẽ không chủ quan, mà sẽ thực hiện các chính sách kinh tế một cách linh hoạt, bởi nếu lạm phát giảm xuống rất thấp nhưng gây đình trệ kinh tế thì cần phải tính toán.

Hiện tiêu thụ sản phẩm ở thị trường trong nước bắt đầu tốt hơn, biểu hiện qua hai yếu tố, đó là tồn kho giảm dần; tổng mức bán lẻ kinh doanh hàng hóa dịch vụ tăng lên. Tính đến ngày 1-5, chỉ số tồn kho của ngành công nghiệp chế biến đã giảm so với tháng 3 và tháng 4-2012, tuy nhiên, so với cùng kỳ vẫn tăng 29,4%. Kinh tế chưa hết khó khăn, mà biểu hiện là việc phục hồi tăng trưởng kinh tế chậm. Trong quý I, tăng trưởng kinh tế ở mức 4%, sang quý II dự báo 4,5% nếu như tính bình quân hai quý đầu năm thì vẫn chưa đạt. Điều này cho thấy áp lực giữ tăng trưởng hợp lý cho 6 tháng cuối năm (khoảng 6%) còn lớn.

Một vấn đề nữa cần tháo gỡ, đó là sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp vẫn tồn tại nhiều khó khăn, thách thức. Theo số liệu của Bộ KH-ĐT, trong đầu tư phát triển, cả khu vực trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đều phát triển chưa mạnh, số doanh nghiệp giải thể ngừng hoạt động tăng. Tháng 5-2012, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 4,4% so với tháng 4-2012 và tăng 6,8% so với cùng kỳ năm 2011. Tính chung 5 tháng đầu năm 2012, IIP tăng 4,2% so với cùng kỳ, trong đó, công nghiệp khai thác mỏ tăng 2,1%; công nghiệp chế biến tăng 3,8%; sản xuất, phân phối điện, ga, nước tăng 14,3% so với cùng kỳ. Đây là mức tăng thấp nhất trong vòng 3 năm qua.

Đóng gói sản phẩm tại Nhà máy Bột giặt Đức Giang (quận Long Biên). Ảnh: Như Ý

Khó nhất là đầu ra

Theo đại diện Bộ Công thương, khó khăn lớn nhất của các doanh nghiệp hiện nay vẫn là đầu ra, do đó cần có các gói kích cầu để tăng tiêu thụ, giảm tồn kho. Dù Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cùng các bộ, ngành cũng đã có những chủ trương hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất song lãi suất vay chưa giảm được như kỳ vọng, vẫn còn những "rào cản" làm doanh nghiệp khó tiếp cận vốn vay lãi suất thấp. Điều này cần phải xem xét tháo gỡ sớm, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp.

Trên cơ sở phân tích bức tranh toàn cảnh về doanh nghiệp lần này, Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành thường xuyên bám sát tình hình để kịp thời xử lý những vướng mắc cho doanh nghiệp. Thông tin nổi bật là Chính phủ sẽ phối hợp hài hòa, linh hoạt giữa chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa để từng bước hạ lãi suất tín dụng, giải quyết nợ xấu, hỗ trợ doanh nghiệp xử lý hàng tồn kho, kích thích tổng cầu nền kinh tế, tạo sự lưu thông nhịp nhàng tiền - hàng trong nền kinh tế. Tiếp đó trình Quốc hội giảm thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2012 với các doanh nghiệp nhỏ và vừa; miễn thuế khoán giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2012 đối với cá nhân, hộ kinh doanh nhà trọ cho công nhân, người lao động, học sinh, sinh viên thuê; người trông giữ trẻ, cung ứng suất ăn ca như năm 2011. Đồng thời, yêu cầu NHNN có biện pháp chỉ đạo quyết liệt để xử lý nợ xấu, trước hết là nợ xấu giữa các ngân hàng và có biện pháp cơ cấu lại nợ, giãn nợ cho các doanh nghiệp có tiềm năng kinh tế tốt nhưng đang khó khăn tạm thời. Về vấn đề này, theo đại diện phía NHNN, cơ quan này vẫn đang rất tích cực tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp nhưng chưa đạt được kỳ vọng. Vấn đề là sức hấp thụ vốn còn yếu, số doanh nghiệp phá sản, giải thể do sản xuất, kinh doanh thua lỗ chiếm số lượng lớn. Cầu thu hẹp đã ảnh hưởng đến tài chính doanh nghiệp, khiến các ngân hàng thương mại e ngại khi rót vốn. Bởi thế, phải thúc đẩy thị trường tiêu thụ sản phẩm, khi đó các ngân hàng sẽ tự tin hơn trong việc giải ngân vốn.

Xử lý minh bạch vụ sai phạm tại Vinalines

Một trong những nội dung được hỏi nhiều nhất trong cuộc họp báo là về việc xử lý sai phạm tại Vinalines và việc bổ nhiệm cán bộ có đúng luật. Trả lời vấn đề này, Bộ trưởng - Chủ nhiệm VPCP Vũ Đức Đam cho biết, ngay sau khi xảy ra vụ việc, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ trưởng Bộ CA cùng các cơ quan chức năng làm rõ đúng, sai và sai tới mức độ nào của cá nhân, tập thể liên quan. Quan điểm của Chính phủ là tất cả mọi người đều bình đẳng trước pháp luật, đúng sai liên quan đến vụ việc đều phải công khai, minh bạch; sai đến đâu xử lý đến đó.

Hiện những vấn đề đã được làm rõ là Vinalines đã làm trái ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, lập hồ sơ hợp đồng, quyết toán khống tham ô hàng tỷ đồng. Cũng theo Bộ trưởng Vũ Đức Đam, việc bổ nhiệm ông Dương Chí Dũng - Cục trưởng Cục Hàng hải được tiến hành đúng quy trình, theo chủ trương luân chuyển cán bộ của Bộ GTVT. Ở thời điểm bổ nhiệm (tháng 2-2012), Bộ chưa có thông tin về những sai phạm của Vinalines dưới thời ông Dương Chí Dũng cho đến khi có kết luận của Thanh tra Chính phủ (tháng 4-2012).

Hà Phong