Yêu quê hương từ những điều bình dị

Xã hội - Ngày đăng : 06:29, 27/05/2012

(HNM) - Những người con Thủ đô sinh sống ở TP Hồ Chí Minh đang có nhiều hoạt động ý nghĩa để giáo dục thế hệ con cháu người Hà Nội tình yêu quê hương, hiếu thảo với ông bà, cha mẹ, rèn đức, luyện tài, trở thành người có ích cho xã hội. Những việc làm bình dị đó không chỉ là tâm nguyện mà còn thể hiện nét văn hóa riêng mang đậm chất Tràng An trong những con người xa xứ…

Thắp lên tình yêu Hà Nội

Buổi sáng ngày cuối tuần, giữa cái nắng phương Nam chan hòa, tôi may mắn được nhâm nhi ly trà xanh xứ Bắc tại nhà riêng của bà Đoàn Thị Ngọc Lân, Phó Chủ tịch Hội Đồng hương Hà Nội tại TP Hồ Chí Minh, ở khu phố 2, phường 2, quận 3. Bằng chất giọng nhẹ nhàng, trầm lắng, bà Lân nhớ lại: "Xa Hà Nội gần 40 năm nhưng tôi vẫn không thể quên được những thứ thân thuộc. Những tiếng rao quà sáng cất lên trong các con ngõ nhỏ, phố nhỏ bình dị. Hà Nội trong ký ức tôi yên tĩnh lắm, không tấp nập, không đông đúc, ồn ào như bây giờ. Đường phố chỉ có tàu điện, xe đạp, xích lô là chủ yếu, thỉnh thoảng mới thấy vài chiếc ô tô chạy trên đường. Một Hà Nội thật nhẹ nhàng và thanh bình. Mỗi sáng sớm, tiếng nhạc hiệu đài phát thanh đón chào bình minh cất lên giai điệu quen thuộc mà nghe gần gũi đến thân thương. "Dù có đi bốn phương trời, lòng vẫn nhớ về Hà Nội. Hà Nội của ta - Thủ đô yêu dấu…". Bà Lân không hát mà đọc ca từ và nói: "Lần nào cũng vậy, khi ai đó hỏi nhớ nhất điều gì về quê hương, tôi trả lời rằng đó chính là giọng nói của phụ nữ Hà Nội. Giọng nói của mẹ tôi có lẽ sẽ mãi theo tôi đi cùng năm tháng". Theo bà, chất giọng ấy là "cửa sổ tâm hồn" của người Hà Nội, thanh lịch mà tinh tế, chân thành. Những phẩm chất riêng này được hình thành trong mỗi gia đình, truyền từ đời này sang đời khác như một thứ gia bảo. Nó thấm đẫm vào con người ta từ khi còn ẵm ngửa, trong miếng ăn, ngụm nước, lời mời; nó được chắt lọc qua mỗi ánh mắt, cử chỉ, lời nói của người Tràng An qua bao thế hệ để luyện nên giọng nói từ tốn, ngọt ngào.

Tôn vinh “Con ngoan, trò giỏi” trong cộng đồng người Hà Nội ở TP Hồ Chí Minh.

Trong mạch nguồn câu chuyện, là người thế hệ sau, tôi đã được bà Lân kể nhiều về Hà Nội, một thành phố ngàn năm tuổi với những nét riêng ở "băm sáu phố phường", về một Hà Nội bình yên với vẻ đẹp tiềm ẩn từ trong lịch sử, truyền thống, văn hóa và con người. Tôi nói với bà Lân, Hà Nội đang chuyển mình, như một chàng trai tuổi đôi mươi hào hoa và căng tràn sức sống, với những đại lộ thẳng tắp, rộng thênh thang, những tòa nhà chọc trời và những khu chung cư hiện đại, văn minh.

Sinh ra và lớn lên giữa lòng phố cổ "mái ngói thâm nâu"- phố Mã Mây, trong một gia đình nền nếp, khi xa Hà Nội, bà Lân đã là một cô gái xinh đẹp, có nụ cười tươi tắn, giọng nói dịu dàng. Những năm sau 1975, bà Lân nhận nhiệm vụ vào công tác ở thành phố mới được giải phóng, làm việc trong ngành y tế, sau đó chuyển sang Nhà xuất bản Văn học, chi nhánh TP Hồ Chí Minh. Ngót bốn mươi năm, giờ đây bà đã nghỉ hưu, con cái cũng phương trưởng cả rồi. Quá nửa đời người sống ở đất phương Nam, bà Lân cũng như bao nhiêu người con Hà Nội xa xứ khác, thi thoảng vẫn cùng nhau tụ họp để nhớ về quê hương, nhớ về những năm tháng tuổi thơ đầy ắp kỷ niệm. Hơn thế, những người như bà Lân đang thắp lên ngọn lửa tình yêu quê hương cháy bỏng cùng niềm khao khát được cống hiến cho mảnh đất ngàn năm văn hiến trong thế hệ con cháu.

Những tấm lòng Hà Nội xa xứ luôn hướng về đất mẹ bằng những việc làm cụ thể, mới đây nhất là việc hưởng ứng lời kêu gọi của Hội Di sản văn hóa Thăng Long - Hà Nội, ủng hộ tiền xây dựng Khu tưởng niệm - Đền thờ Hoàng hậu Lê Ngọc Hân tại xã Ninh Hiệp (huyện Gia Lâm). Ông Nguyễn Quân Ngọc, Chủ tịch Hội Đồng hương Hà Nội tại TP Hồ Chí Minh nói rằng: "Đây vừa là tấm lòng, là nén tâm hương tưởng nhớ Hoàng hậu Lê Ngọc Hân, người vợ hiền, người bạn tri kỷ của Hoàng đế Quang Trung, người anh hùng áo vải đã đánh tan 20 vạn quân Thanh, giải phóng thành Thăng Long. Hơn nữa, hoạt động này cũng để giáo dục thế hệ trẻ hướng về cội nguồn, nơi "chôn nhau cắt rốn" của ông bà, cha mẹ và cả những lớp tiền nhân, để lớp trẻ thêm hiểu và yêu quê hương". Đặc biệt, trong hành trang của mỗi người Hà Nội ở đất Sài Gòn mà tôi đã có dịp tiếp xúc, họ cũng đều lưu giữ cẩn thận những kỷ vật như chiếc Huy hiệu 1000 năm Thăng Long - Hà Nội; những cuốn sách bìa đã ngả màu thời gian viết về đất nghìn năm văn hiến, con người, di sản, lễ hội Hà Nội… Trong các lần gặp mặt những người Hà Nội ở TP Hồ Chí Minh, họ lại cùng nhau ôn lại những nét văn hóa, lịch sử của Hà Nội một thời họ đã từng sống, làm việc, gắn bó.

Tiếp bước cha anh

Thật cảm động và ý nghĩa khi tôi có dịp tiếp xúc với những chàng trai, cô gái sinh ra và lớn lên tại TP Hồ Chí Minh, có cha mẹ là người Hà Nội. Dù là người Hà Nội thế hệ sau, không ít người còn chưa một lần được ra Hà Nội, nhưng họ cảm nhận "trái tim của cả nước" qua những vần thơ sâu lắng, những giai điệu mượt mà và hơn hết là những câu chuyện về Thủ đô yêu dấu của các bậc sinh thành. Những điều rất đỗi bình dị ấy đã thắp lên một tình yêu quê hương, một niềm tự hào về truyền thống nghìn năm văn hiến, thanh lịch trong thế hệ con cháu của những người Hà Nội ở TP Hồ Chí Minh.

Trần Thị Ngọc Hà là một trong những người đầu tiên được nhận danh hiệu "Hiếu thảo, vượt khó, học giỏi" do Hội Đồng hương Hà Nội tại TP Hồ Chí Minh trao tặng. Từ khi còn học ở Trường Tiểu học Văn Hiến, đến Trường THCS Trần Đại Nghĩa và Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai, Ngọc Hà liên tục đạt danh hiệu học sinh giỏi xuất sắc. Rời ghế nhà trường phổ thông, Ngọc Hà học tại Trường Đại học Quốc tế TP Hồ Chí Minh, rồi tốt nghiệp với tấm bằng loại giỏi, thông thạo tiếng Anh, tiếng Nhật. Cảm nhận đầu tiên của tôi khi gặp Ngọc Hà là một cô gái ngoan hiền, lễ phép và khiêm tốn. Hà cho biết đã tốt nghiệp ngành công nghệ sinh học, mới đây đã được nhận vào làm việc tại ngành y tế của TP Hồ Chí Minh. Ngoài giờ làm việc ở cơ quan, để phụ giúp gia đình, đồng thời trang trải kinh phí học thêm tiếng Nhật, Ngọc Hà còn dịch các thông tin khoa học trong lĩnh vực y tế từ các tạp chí nước ngoài, sau đó gửi đăng trên Tạp chí Sức khỏe.

Ngoài Ngọc Hà, còn 3 sinh viên khác cũng được nhận danh hiệu "Hiếu thảo, vượt khó, học giỏi" của Hội Đồng hương Hà Nội, đó là các em Nguyễn Thị Thùy Trang (tốt nghiệp Đại học Quốc tế Troy), Nguyễn Anh Ngọc (tốt nghiệp ngành xây dựng, Đại học Mở TP Hồ Chí Minh) và Nguyễn Anh Dũng (tốt nghiệp Trường Đại học Hoa Sen). Còn nhiều bạn trẻ thế hệ "9X" như Lê Minh Hằng (Sinh viên Trường Đại học Hoa Sen), Đoàn Phương Thảo (Đại học Bách khoa), Nguyễn Châu Hồng Ngọc (Đại học Tài chính), Bùi Lê Châu Hà (Đại học Quốc tế TP Hồ Chí Minh), Phạm Ngọc Mai Thi… cũng "lọt vào tầm ngắm" của Hội Đồng hương Hà Nội nhờ thành tích xuất sắc trong học tập, là con ngoan trong gia đình. Không khó để nhận thấy những hoài bão cháy bỏng, mong muốn phấn đấu học giỏi, có tri thức để có vị trí trong xã hội, thành đạt trong kinh doanh… trong thế hệ người Hà Nội trẻ ở TP Hồ Chí Minh.

Lúc chia tay, một bạn trẻ bộc bạch tâm tư: "Một thanh niên không biết làm những việc nhỏ thì không thể làm được việc lớn. Thế hệ cha ông đã cầm súng bảo vệ Tổ quốc để thể hiện tình yêu quê hương, đất nước, còn với thế hệ chúng em, trong cuộc sống hôm nay, yêu quê hương đất nước bắt đầu từ những điều bình dị, những việc làm nhỏ nhưng đầy ý nghĩa".

Nam Phong