Rèn luyện kỹ năng sống cho học sinh: Dễ mà khó
Giáo dục - Ngày đăng : 07:58, 26/05/2012
Thiếu kỹ năng sống
Theo TS Nguyễn Thị Hoa, Viện Tâm lý học, biểu hiện quan trọng của KNS là kỹ năng giao tiếp. Sự yếu kém về kỹ năng giao tiếp của HS thể hiện ở việc các em chưa biết lắng nghe tích cực, chưa có kỹ năng trình bày ý kiến của mình, ít có khả năng thấu hiểu, cảm thông và chia sẻ với người khác. Không ít bậc phụ huynh chia sẻ, con họ rất hay cãi lại bố mẹ, bố mẹ chưa nói xong, con đã cãi lại. Còn ở lớp, các giáo viên cho biết, trong các giờ học KNS, các em hay nói chen ngang khi họ đang trình bày, hoặc bạn đang phát biểu ý kiến… Từ một góc độ nào đó, việc con trẻ trao đổi ý kiến, suy nghĩ của mình với bố mẹ, thầy cô là điều đáng mừng. Điều đó chứng tỏ sự trưởng thành của các em, tuy nhiên, để những hành động của các em không gây phản cảm, ý kiến của các em được tôn trọng, lắng nghe và chấp nhận, đòi hỏi các em phải có những kỹ năng giao tiếp cần thiết như biết lắng nghe tích cực, biết chọn thời gian, hoàn cảnh, cách thức thể hiện ý kiến của mình.
Rèn luyện kỹ năng sống cho học sinh cần được quan tâm hơn nữa tại các cấp tiểu học và trung học cơ sở. Ảnh: Bá Hoạt |
Khả năng tự giải quyết công việc, tự làm lấy việc của mình ở trẻ cũng là một kỹ năng đáng quan tâm. Trong thực tế, ở thành thị, rất nhiều trẻ đã đi học lớp 1 vẫn còn cần bố mẹ bón cơm. Nhiều HS tiểu học và không ít HS THCS chưa tự thực hiện được cả khâu vệ sinh cá nhân… Từ chỗ ít có khả năng tự làm những việc đơn giản đó, chắc chắn các em sẽ dựa dẫm, thụ động khi giải quyết các vấn đề khó khăn khác trong cuộc sống. Cũng từ đó, trẻ dễ bị sốc và có những hành động tiêu cực khi gặp khó khăn, vướng mắc trong các mối quan hệ với gia đình, bạn bè, thầy cô.
Ở nhiều trẻ em, khả năng kiểm soát cảm xúc và hành vi cũng rất yếu. Khi nói về nguyên nhân của hiện tượng mất trật tự trong giờ học, các em cho biết là do đột nhiên các em nhớ ra, nghĩ ra một điều gì đó thú vị, thế là các em trao đổi ngay với bạn mà không thể "để dành" đến giờ ra chơi. Hoặc trong nhiều trường hợp, trẻ em đánh nhau xuất phát từ một nguyên nhân rất nhỏ, như ban đầu các em trêu đùa nhau cho vui, rồi trêu chọc "quá trớn", người bị trêu tức giận, không kiểm soát được cảm xúc nên dẫn đến hành vi ẩu đả.
Nguyên nhân từ người lớn
Bà Nguyễn Thị Hoa phân tích, môi trường giao tiếp trong gia đình hiện nay bị hạn chế rất nhiều so với trước đây. Với chính sách DS-KHHGĐ, số con trong mỗi gia đình hạn chế, trẻ em được chiều chuộng, được chăm sóc về vật chất tốt hơn, nhưng cuộc sống tinh thần của các em nghèo nàn hơn vì các em ít được sống trong không khí gia đình đông vui để được trò chuyện, chia sẻ, cảm thông với người thân. Mặt khác, trẻ phải chịu sức ép rất lớn từ việc học tập nên không có thời gian để chơi.
Ở trường học, số lượng HS trong các lớp khá đông (khoảng 50 em), phương pháp dạy học chủ yếu là thầy đọc, trò ghi, do đó các em ít có điều kiện thể hiện tính tích cực của bản thân trong giờ học. Ngoài giờ học trên lớp, các trường hiện nay ít tổ chức các hoạt động tập thể. Ở các trường TH và THCS, thường mỗi năm, nhà trường tổ chức cho HS đi tham quan một lần, các trường THPT cũng không khá hơn, rất ít trường tổ chức được một vài buổi dạ hội. Trong khi đó, theo PGS, TS Võ Thị Minh Chí, Viện Nghiên cứu giáo dục, tại Nga, vào các dịp lễ tết, HS được nhà trường cho phép tự tổ chức những buổi dạ hội, nhờ đó các em tha hồ thể hiện tính tích cực, bộc lộ những điểm mạnh, thỏa mãn hứng thú, sở thích của mình. Đây là một cách tốt để rèn luyện KNS, vì thế các em không vấp phải những vấn đề do thiếu KNS như trẻ em Việt Nam.
Đối với trẻ em, lao động cũng là liều thuốc tốt để rèn luyện KNS. Qua lao động có thể giúp trẻ biết quan sát, nâng cao tính tổ chức, kỷ luật, tính kiên trì… Thông qua lao động, các em sẽ hiểu và thông cảm với những vất vả của bố mẹ. Tuy nhiên, hiện nay, phần lớn phụ huynh và các thầy cô chưa quan tâm đúng mức đến việc giáo dục trẻ thông qua lao động. Ở gia đình, các em ít có điều kiện để tham gia lao động vì phải dành thời gian để học tập. Nhưng cũng không ít gia đình không để trẻ phải động chân tay vì bố, mẹ… xót. Còn ở trường, vì nhiều lý do, các buổi lao động tập thể ít được tổ chức. Chính vì vậy mà KNS của trẻ ngày càng kém.
Không thiếu phương pháp để cải thiện KNS cho trẻ, như dạy cho chúng biết lao động, biết tự lập, làm những công việc thiết yếu của cá nhân… Thế nhưng, mọi phương pháp sẽ vô ích khi các bậc phụ huynh không thay đổi quan điểm, không tạo điều kiện cho các em được rèn luyện các kỹ năng cơ bản và sẽ chẳng ích gì khi các em đi học KNS ở trường rồi về nhà, những kỹ năng ấy bị bỏ xó.