"Khi viết, tôi chỉ nghĩ mình đang sử dụng tiếng Việt!"
Văn hóa - Ngày đăng : 07:50, 26/05/2012
- Thưa nhà văn, sau hơn 20 năm cầm bút, gia tài văn học của ông đã lên tới hàng trăm đầu sách với hàng triệu bản đã đến tay bạn đọc trẻ trong và ngoài nước. Vì sao ông lại miệt mài với những trang viết cho tuổi học trò như vậy?
- Có lẽ tại tôi xa quê từ sớm. Năm 14 tuổi tôi đi trọ học xa nhà, mãi đến khi trưởng thành, lấy vợ sinh con, cũng ngụ cư ở phương Nam. Từ xưa, Quảng Nam là một trong những địa phương có con dân đi lưu lạc nhiều nhất nước. Ở ngã tư Bảy Hiền tại Sài Gòn, có nguyên một làng dệt của người Quảng Nam - một cách thể hiện nỗi nhớ quê của người dân tha hương. Là nhà văn, tôi gửi gắm nỗi nhớ đó trong từng trang sách. Những gì tôi còn nhớ được từ trước tuổi 14 đã lần lượt tái hiện trong từng tác phẩm của tôi, từ góc vườn, bờ sông, con đường làng… Có lẽ đó là lý do chính khiến tôi trở thành nhà văn viết về lứa tuổi này. Một người lúc nào cũng náo nức muốn "xin một vé về tuổi thơ" ắt sẽ trở thành nhà văn viết cho tuổi thơ. Tôi nghĩ thế!
- Tác phẩm của ông rõ ràng có dấu ấn ngôn ngữ địa phương. Hình như đó chính là thứ "đặc sản" thu hút bạn đọc mọi miền?
- Tôi không quan tâm đến ngôn ngữ đặc thù của vùng miền trong văn chương, càng không tìm cách nhấn mạnh nó như một phong cách, thậm chí theo tôi lạm dụng phương ngữ còn hạn chế khả năng phổ biến của tác phẩm. Tôi sinh ra và lớn lên ở miền Trung, sinh sống phần lớn ở miền Nam, quen thuộc với ngôn ngữ và văn chương miền Bắc ngay từ bé, nên trong các tác phẩm đều có dấu vết ngôn ngữ của cả ba miền. Khi viết, tôi chỉ nghĩ mình đang sử dụng tiếng Việt để viết những câu văn mà tôi cảm thấy xuôi tai, đơn giản vậy thôi.
- Ông đã có nhiều đầu sách được dịch và phổ biến ở nước ngoài như Nhật Bản, Thái Lan... Theo ông, làm sao để sách Việt được bạn bè thế giới đón nhận?
- Câu này rất khó trả lời. Nhưng theo như những gì các bạn Nhật Bản và Thái Lan phát biểu trên báo, đài thì hai tác phẩm của tôi được các độc giả ở đây đón nhận vì "các nhân vật được miêu tả rất gần gũi với giới trẻ hiện tại trong học hành, trong các trò chơi, trong tình cảm giữa bạn bè đồng và khác giới tính. Như vậy, tôi nghĩ yếu tố quan trọng để độc giả quốc tế đến với các tác phẩm Việt Nam là sự đồng cảm".
- "Lá nằm trong lá" là tác phẩm có lượng phát hành kỷ lục. Không thể phủ nhận rằng ngoài nội dung hấp dẫn, NXB Trẻ đã biết cách quảng bá tốt. Ông nghĩ sao về sự cần thiết phải quảng bá sách văn học?
- Tôi luôn đánh giá cao việc quảng bá sách, xem đó như một công đoạn tất yếu của việc giới thiệu bất cứ một sản phẩm nào đến công chúng. Thời bây giờ mà bắt chước Nguyễn Du "chờ xem 300 năm sau có ai đồng cảm với mình không" thì các NXB e đóng cửa sớm. Tất nhiên, việc quảng bá sách chỉ có tác dụng tạo sự quan tâm ban đầu, còn tuổi thọ của một tác phẩm tùy thuộc vào chất lượng văn chương của chính nó.
- Xin cảm ơn nhà văn!