Hội nghị Thượng đỉnh EU: Nới rộng những bất đồng

Thế giới - Ngày đăng : 07:30, 26/05/2012

(HNM) - Đúng với dự đoán, Hội nghị Thượng đỉnh Liên minh Châu Âu (EU) tổ chức ngày 23-5 tại Brussels (Bỉ) đã kết thúc mà không đạt được kết quả khả quan nào về biện pháp đối phó với cơn khủng hoảng nợ đang đe dọa nhấn chìm cả khu vực.

Mặc dù, phát biểu của Chủ tịch EU Herman Van Rompuy sau hội nghị khẳng định, các nhà lãnh đạo của liên minh này đã thống nhất về sách lược 3 gọng kìm gồm: Huy động các biện pháp để hậu thuẫn đầy đủ cho tăng trưởng, tăng cường nỗ lực tài trợ cho các nền kinh tế qua các khoản đầu tư và củng cố, tạo dựng công ăn việc làm, tuy nhiên, đây vẫn chỉ là những khẩu hiệu chung chung, khó có khả năng thay đổi tình trạng hiện nay của cựu lục địa.

Các nhà lãnh đạo EU chia rẽ vì kế hoạch phát hành trái phiếu chung.


Trên thực tế, những gì diễn ra tại cuộc gặp thượng đỉnh lần này cho thấy khoảng cách bất đồng giữa các nhà lãnh đạo EU đang có xu hướng ngày càng mở rộng, đặc biệt là cuộc "so găng" chưa có hồi kết giữa Thủ tướng Đức Angela Merkel và tân Tổng thống Pháp Francois Hollande. Đến Brussels lần này, ông chủ mới của Điện Élysée, người không ủng hộ các biện pháp thắt chặt chi tiêu như là một giải pháp cho khủng hoảng nợ công, đã đề xuất phát hành trái phiếu chung cho Khu vực đồng tiền chung Châu Âu (Eurozone) để hỗ trợ kinh tế cả khối. Theo quan điểm của nhà lãnh đạo 62 tuổi, việc phát hành trái phiếu chung sẽ giúp các quốc gia đang gặp khó khăn trong việc vay mượn trên thị trường dễ dàng tiếp cận hơn đối với những khoản tài trợ nhờ được các thành viên khác trong khu vực đứng ra bảo lãnh. Hiện tại, ý tưởng này đang nhận được sự ủng hộ của Thủ tướng Italy Mario Monti, Thủ tướng Tây Ban Nha Mariano Rajoy và Ủy ban Châu Âu (EC) song lại vấp phải sự phản đối của một số quốc gia khác, đứng đầu là Đức, nền kinh tế lớn nhất khu vực. Theo quan điểm của Berlin, trái phiếu chung không tạo áp lực để các nước thành viên EU nỗ lực cải cách kinh tế và thị trường, trong khi có thể tăng chi phí vay cho những nước có cơ cấu tài chính tốt hơn như Đức và đẩy người đóng thuế nước này vào thế khó khăn.

Phản ứng của Thủ tướng A.Merkel là điều hoàn toàn dễ hiểu vì Đức có nền tài chính lành mạnh duy nhất trong Eurozone hiện nay và có khả năng vay vốn với lãi suất thấp. Tỷ lệ lãi suất cho trái phiếu kỳ hạn 2 năm của nước này phát hành hôm 23-5 chỉ có 0,07%, trong khi đó, Tây Ban Nha và Italy phải trả trên 6% lãi suất cho trái phiếu kỳ hạn 10 năm vừa phát hành. Nếu đồng ý với kế hoạch phát hành trái phiếu chung, tức là Đức phải bảo đảm nợ cho các nước láng giềng yếu ớt. Điều này đồng nghĩa với việc chi phí vay mượn của Berlin sẽ không thể giữ ở mức thấp kỷ lục như vậy.

Bế tắc tại Hội nghị Thượng đỉnh Châu Âu cùng cuộc khủng hoảng trên chính trường Hy Lạp tiếp tục khiến mối hoài nghi về khả năng trụ vững của Eurozone gia tăng. Dù tuyên bố muốn giữ Hy Lạp ở lại khu vực đồng tiền chung, song hiện tại, có đến phân nửa chính phủ những quốc gia ở Châu Âu cũng như các ngân hàng và doanh nghiệp lớn đang lên kế hoạch khẩn cấp cho kịch bản Athens rời Eurozone. Nếu cử tri Hy Lạp vào ngày 17-6 tới bầu cho các đảng không chấp nhận gói cải cách đã cam kết với EU và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) để đổi lại các khoản vay khẩn cấp, thì việc quốc gia này phải quay trở lại với đồng drachme là điều khó tránh khỏi.

Trong khi đó, "hung tin" tiếp tục phát đi từ cựu lục địa khi Văn phòng thống kê Anh vừa thông báo, tỷ lệ suy thoái của nước này trong quý I nghiêm trọng hơn so với dự báo (khoảng - 0,3%). Kết quả của cuộc khảo sát thường kỳ do Công ty Markit tiến hành trong lĩnh vực tư nhân vào tháng 5 cũng cho thấy, hoạt động kinh doanh tại Châu Âu đã giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 3 năm trở lại đây. Ngay lập tức, đồng euro giảm xuống chỉ còn 1 euro = 1,2515 USD - mức thấp nhất trong vòng 22 tháng qua. Chủ tịch Ngân hàng trung ương Châu Âu (EC) Mario Draghi đã phải thốt lên rằng: "EU đang ở thời điểm tồi tệ nhất trong lịch sử của liên minh này".

Quỳnh Chi