Nhấn mạnh chức năng thúc đẩy quan hệ lao động hài hòa của Công đoàn
Chính trị - Ngày đăng : 20:47, 25/05/2012
Trước kiến nghị của một số đại biểu Quốc hội nên quy định cụ thể trình tự, thủ tục tổ chức và lãnh đạo đình công của tổ chức Công đoàn trong luật Công đoàn (sửa đổi), Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng không nên đề cập vì Bộ luật Lao động (sửa đổi) đã quy định nội dung này. Vì vậy, Dự án Luật Công đoàn (sửa đổi) chỉ cần quy định chung trách nhiệm của Công đoàn trong tổ chức và lãnh đạo đình công tại khoản 9, Điều 10.
Báo cáo nhấn mạnh thêm về chức năng đại diện của Công đoàn trong việc thúc đẩy quan hệ lao động hài hòa. Cụ thể, khi có mâu thuẫn giữa người lao động và người sử dụng lao động trước hết phải là hoà giải, thương lượng, vận động, thuyết phục nhằm đạt được thỏa thuận, hạn chế xảy ra đình công gây thiệt hại cho cả hai bên.
Trường hợp mâu thuẫn về lợi ích không thỏa thuận được thì Công đoàn có trách nhiệm tổ chức và lãnh đạo người lao động thực hiện quyền đình công của mình theo đúng quy định của pháp luật. Đồng thời, Công đoàn đại điện cho người lao động để tiếp tục đàm phán với người sử dụng lao động đi đến thống nhất giải quyết vụ việc đình công hoặc đại diện cho tập thể người lao động để giải quyết vụ việc đình công.
Ngoài ra, các đại biểu cũng nhất trí một số quy định khác như tiếp tục khẳng định sự lãnh đạo của Đảng đối với Công đoàn, làm rõ vai trò, vị trí của Công đoàn trong luật...
Tuy nhiên, quy định quyền gia nhập Công đoàn của lao động là người nước ngoài thì vẫn có nhiều ý kiến khác nhau. Do đó, báo cáo đề xuất hai phương án cho khoản 2, Điều 5 Dự án Luật là không quy định quyền gia nhập và hoạt động Công đoàn Việt Nam của lao động là người nước ngoài và phương án cho phép người nước ngoài tham gia Công đoàn Việt Nam.
Theo dự kiến, Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua Dự án Luật Công đoàn sửa đổi vào chiều ngày 20/6 tới.