Cục Đăng kiểm VN phủ nhận việc đã đăng kiểm ụ nổi của Vinalines
Đời sống - Ngày đăng : 14:39, 25/05/2012
Ụ nổi 83M của Vinalines. (Ảnh: Báo Lao động) |
Theo báo cáo này, sau khi thẩm định trạng thái kỹ thuật ụ nổi, Cục Đăng kiểm không nhận được yêu cầu và cũng không thực hiện bất kỳ công việc đăng kiểm nào đối với ụ nổi PLAVDOC No.83M. Ngày 14-11-2011, Cục Đăng kiểm Việt Nam nhận được văn bản của Cục Cảnh sát phòng chống tham nhũng đề nghị cung cấp hồ sơ liên quan đến chứng nhận đăng kiểm ụ nổi. Khi đó, qua trao đổi với đại diện Vinalines, Cục Đăng kiểm mới được biết, năm 2008, ụ nổi 83M đã được Vinalines mua, chuyển về Việt Nam và đưa lên đà của Công ty Trách nhiệm hữu hạng Nhà máy tàu biển Hyundai Vinashin (tỉnh Khánh Hòa) sửa chữa dưới sự giám sát kỹ thuật của Đăng kiểm RMRS (Cộng hòa Liên bang Nga). Sau đó, ụ nổi đã được Cơ quan Đăng ký tàu biển và thuyền viên khu vực Sài Gòn cấp giấy chứng nhận đăng ký tạm thời ngày 25-3-2011, số đăng ký VNSG-2037-UN, với thông tin về tổ chức Đăng kiểm là RMRS (giấy chứng nhận này do đại diện Vinalines cung cấp). Ngoài ra, Cục Đăng kiểm Việt Nam không có bất kỳ tài liệu nào về việc đăng kiểm ụ nổi từ cuối tháng 8-2007 cho đến nay.
Theo Cục Đăng kiểm Việt Nam, ụ nổi “PLAVDOC No.83M” là thiết bị chuyên dụng để nâng cấp hạ tầu thủy, chế tạo năm 1965 tại Nhật bản, dưới sự giám sát kỹ thuật của Tổ chức Đăng kiểm Anh (LR). Sau khi hoàn thành chế tạo, ụ được đưa về Liên Xô (cũ) và được Đăng kiểm tàu biển Liên Xô (cũ), nay là Đăng Kiểm tàu biển Nga (RMRS), tiếp tục đăng kiểm để hoạt động tại vùng nước Nhà máy sửa chữa tàu Nakhodka (Liên bang Nga). Ụ nổi có sức nâng thiết kế ban đầu là 25.000 tấn, nhưng đến tháng 12/2004, do các hao mòn kết cấu thép nên Đăng kiểm RMRS đã hạ sức nâng của ụ xuống còn 16.500 tấn. Theo quy định của Luật Hàng hải Việt Nam năm 2005, ụ nổi “PLAVDOC No.83M” không phải là tàu biển và không áp dụng Nghị định số 49/2006/NĐ-CP của Chính phủ về đăng ký và mua, bán tàu biển. Tiêu chuẩn an toàn ụ nổi được quy định tại “Quy phạm ụ nổi”, ký hiệu TCVN 6274;2003, do Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành năm 2003. Cũng theo Quyết định số 2570/2003/QĐ-BGTVT của Bộ GTVT, Cục Đăng kiểm Việt Nam có nhiệm vụ: “Giám định trạng thái kỹ thuật phương tiện, thiết bị giao thông vận tải theo yêu cầu của cơ quan Nhà nước hoặc chủ phương tiện, thiết bị”.
Trao đổi thêm về trách nhiệm của Cục Đăng kiểm Việt Nam trong việc giám định kỹ thuật ụ nổi PLAVDOC No.83M, Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam, Trịnh Ngọc Giao khẳng định: “Ý kiến đánh giá của Cục Đăng kiểm Việt Nam là khách quan, cụ thể, phản ánh đúng trạng thái kỹ thuật thực tế của ụ tại thời điểm kiểm tra giám định.” Sau khi nhận văn bản đề nghị cử đăng kiểm viên tham gia đoàn công tác đánh giá trạng thái kỹ thuật ụ nổi tại Nakhodka, Liên bang Nga, Cục đã cử đăng kiểm viên Lê Văn Dương của Chi cục Đăng kiểm số 6, Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện công việc theo yêu cầu của Vinalines. Đăng kiểm viên của Cục Đăng kiểm Việt Nam đã cùng đi với Vinalines sang Nga để thực hiện kiểm tra giám định trạng thái kỹ thuật ụ nổi PLAVDOC No.83M từ ngày 2 đến 6-8-2007 tại Nhà máy sửa chữa tàu Nakhodka và lập biên bản kiểm tra giám định số 3002/07SG ngày 08-08-2007,”
Trong biên bản kiểm tra giám định số 3002/07SG và văn bản số 858/ĐKVN, Cục Đăng kiểm Việt Nam đánh giá, tại thời điểm kiểm tra giám định thực hiện đầu tháng 08/2007, ụ nổi 83M cơ bản vẫn đáp ứng các quy định về an toàn và bảo vệ môi trường để hoạt động với sức nâng 16.500 tấn. Nhưng do không thực hiện đầy đủ các yêu cầu về kiểm tra hàng năm nên ụ nổi đã bị cơ quan Đăng kiểm Nga RMRS treo giấy và cấp giấy chứng nhận phân cấp của ụ đã bị mất hiệu lực. Đồng thời, do không thực hiện đầy đủ chế độ bảo dưỡng, sửa chữa thường xuyên, đặc biệt là chưa thực hiện sửa chữa trên đà từ khi xuất xưởng nên tại thời điểm kiểm tra giám định ụ có nhiều khiếm khuyết. Trong trường hợp ụ nổi nếu được đưa lên đà thực hiện đầy đủ khối lượng sửa chữa định kỳ theo quy định của quy phạm, biên bản giám định có khuyến cáo, ụ nổi có thể khôi phục trạng thái kỹ thuật để sử dụng bình thường và có khả năng thỏa mãn các quy định về an toàn và phòng ngừa ô nhiễm môi trường của Việt Nam./.