Giao quyền tự chủ: Không nên tồn tại cơ chế thưởng-phạt, xin-cho

Chính trị - Ngày đăng : 14:34, 25/05/2012

(HNMO) – Ngày 25/5, thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật giáo dục đại học, các đại biểu nhất trí cao với việc giao quyền tự chủ cho các cơ sở giáo dục đại học nhưng còn băn khoăn về độ “mở” quyền.


Góp ý cho dự thảo luật, nhiều ý kiến đánh giá, so với dự thảo lần thứ nhất được đưa trình tại Quốc hội trong kỳ họp thứ 2, tại kỳ họp này, dự thảo Luật đã tiếp thu nhiều ý kiến của các đại biểu Quốc hội, các chuyên gia nên đã có sự bổ sung tương đối hoàn thiện. Nhiều điều, khoản quan trọng trong bộ luật chuyên ngành của dự thảo luật đã được tiếp thu ý kiến và đã được bổ sung khá đầy đủ, hợp lý. Tuy nhiên, các đại biểu cũng còn nhiều ý kiến về mô hình hệ thống, cơ cấu tổ chức và phân tầng cơ sở giáo dục ĐH, việc kiểm định chất lượng giáo dục ĐH cũng như giao quyền tự chủ cho các trường.

Phân tầng cơ sở GDĐH: Trước mắt nên giao CP quy định

Theo đại biểu Phạm Thị Hồng Nga - TP Hà Nội, sự phân tầng đại học nhằm tránh việc đầu tư dàn trải, đồng thời tạo điều kiện đào tạo đội ngũ nhân lực hài hòa theo nhu cầu xã hội. Trong bối cảnh tiềm lực kinh tế đầu tư cho giáo dục đại học ở đất nước ta còn hạn chế thì sự phân tầng cơ sở giáo dục đại học để định hướng việc đầu tư hợp lý là rất quan trọng.

Với điều kiện của nước ta hiện nay, đại biểu Nga đề nghị, việc phân tầng cơ sở giáo dục đại học trước mắt nên giao cho Chính phủ quy định phù hợp với tiêu chí, tiêu chuẩn, chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học.

Thống nhất với sự cần thiết của sự phân tầng trong giáo dục đại học và nhất trí với các tiêu chí cách thức phân tầng như trong Dự thảo luật, đại biểu Huỳnh Thành Đạt - TP Hồ Chí Minh đề nghị thêm: Chính phủ cần tập trung nghiên cứu và ban hành sớm khung xếp hạng tên của từng hạng và nên chăng có 3 hạng sau đây: Một là định hướng nghiên cứu; Hai là định hướng ứng dụng nghề nghiệp; Ba là vấn đề chọn lọc. Đồng thời sớm ban hành tiêu chuẩn từng hạng trong khung xếp hạng để xúc tiến việc phân tầng để sớm có chính sách phù hợp và cơ chế đầu tư đặc thù tạo động lực phát triển cho giáo dục đại học Việt Nam.

Liên quan đến quy định về Hội đồng trường với các cơ sở giáo dục ĐH công lập, đại biểu Đàng Thị Mỹ Hương - Ninh Thuận nhất trí, Hội đồng trường là một thiết chế không thể thiếu đối với cơ sở giáo dục đại học công lập, vì thành lập Hội đồng trường chính là để giao quyền tự chủ cho các cơ sở giáo dục đại học và việc quy định thành lập hội đồng trường phù hợp với các luật hiện hành.

Tuy nhiên, để hội đồng trường, hội đồng quản trị ở các cơ sở giáo dục đại học hoạt động đảm bảo có chất lượng, có hiệu quả, đại biểu Hương đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo cần có quy định hướng dẫn tổ chức thực hiện một cách chi tiết, dễ nhận biết, dễ hiểu, dễ thực hiện, gắn trách nhiệm, quyền hạn một cách cụ thể đối với từng đối tượng trong hội đồng. Đồng thời, cần quy định các mối quan hệ giữa các tổ chức tham gia trong hội đồng, có sự kiểm tra giám sát xử lý sai phạm một cách đúng mực để tránh việc hoạt động hình thức không hiệu quả, tránh sự nhìn nhận không đúng về hội đồng trường.

“Tôi thiết nghĩ luật ban hành kỳ này nếu không tính đến những quy định điều chỉnh ràng buộc đối với hoạt động chất lượng, hiệu quả của các cơ sở giáo dục đại học thì không biết đến bao giờ mới khắc phục được những vấn đề bất cập... Tôi cũng đề nghị cần tăng cường trách nhiệm quản lý và xử lý đối với các cơ sở giáo dục đại học có sức hoạt động yếu, không hiệu quả, không đảm bảo chất lượng để đảm bảo chất lượng nguồn nhân lực”, đại biểu Hương nói.

Cùng mối quan tâm, đại biểu Nguyễn Thành Tâm - Tây Ninh cho rằng, mặc dù Dự thảo luật đã xác định cần thiết lập cơ chế Hội đồng trường và Hội đồng đại học và quy định vai trò hay tổ quản trị cũng như đại diện cho chủ sở hữu trong các cơ sở giáo dục đại học..., nhưng chưa xác định rõ thẩm quyền, mối quan hệ của hội đồng nhà trường cũng như Hội đồng giáo dục đối với hiệu trưởng của nhà trường, từ đó mới có thể phân định rõ trách nhiệm phạm vi quyền hạn của từng bên để đảm bảo thực hiện tốt được chức năng nhiệm vụ trong việc quản lý điều hành các cơ sở giáo dục đại học, tránh sự trùng, tranh chấp thẩm quyền trong các cơ sở giáo dục đại học.

“Vấn đề này thực tế đã diễn ra nên tôi đề nghị cần xem xét kỹ hơn. Cơ quan soạn thảo phải xác định rõ hơn thẩm quyền mối quan hệ trong luật để đảm bảo Hội đồng quản trị, Hội đồng điều hành thực hiện đúng vai trò là cơ quan luật định giao nhiệm vụ và kiểm soát hoạt động của hiệu trưởng, còn hiệu trưởng là người thực hiện các nhiệm vụ do Hội đồng trường, Hội đồng giáo dục đại học giao. Hai cơ quan này phải có tính độc lập tương đối”, đại biểu Tâm nói.

Phải quy định chặt chất lượng đầu ra của cơ sở giáo dục ĐH


Đại biểu Phạm Thị Hải - Đồng Nai cho rằng, việc kiểm định chất lượng đại học là vấn đề còn khá mới mẻ đối với giáo dục đại học Việt Nam. Công tác tổ chức cũng như hoạt động của các tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục đại học cũng chưa được kiểm nghiệm từ thực tiễn. Tuy nhiên, với mô hình sử dụng một tổ chức kiểm định độc lập để đánh giá và công nhận các cơ sở giáo dục đại học và chương trình giáo dục đại học đạt tiêu chuẩn chất lượng mà Bộ Giáo dục và đào tạo đang triển khai thì mục tiêu mà ngành đang hướng đến cũng chính là chất lượng và sản phẩm của giáo dục đại học.

“Chất lượng giáo dục đại học được quyết định bởi nhiều yếu tố, từ đội ngũ cán bộ quản lý, giảng viên, cơ sở vật chất trang thiết bị, chương trình đào tạo cũng như là năng lực tài chính… Vì vậy, nếu các cơ sở giáo dục đại học không đủ nguồn lực để đảm bảo các điều kiện trên thì khó nói đến chất lượng giáo dục đại học”, đại biểu Hải nhận xét.

Theo đại biểu Hải, tình trạng trường cao đẳng, đại học đang gia tăng nhanh về số lượng như hiện nay đã dẫn đến sự mâu thuẫn giữa quy mô phát triển với chất lượng và hiệu quả đào tạo. Để giải quyết vấn đề này, công tác thanh tra, kiểm tra, đánh giá và kiểm định chất lượng là một trong những giải pháp cấp bách nhất trong tình hình hiện nay.

“Theo tôi vấn đề quan trọng để xây dựng một cơ sở giáo dục đại học đảm bảo chất lượng đáp ứng yêu cầu của xã hội theo những quy định đã nêu thì công tác tự kiểm định chất lượng hay còn gọi là kiểm định trong phải là vấn đề mấu chốt tại các cơ sở. Vì vậy, tôi đề nghị bổ sung thêm nội dung này vào trong luật”, đại biểu Hải nói.

Đánh giá chất lượng giáo dục đại học hiện nay chưa đáp ứng được yêu cầu của xã hội, tình trạng sinh viên tốt nghiệp ra trường phải đào tạo lại khá phổ biến, đại biểu Trần Văn Bản - Bình Định đề nghị, cần quy định chặt chẽ về chất lượng đầu ra của giáo dục đại học, trách nhiệm của cơ sở giáo dục đại học trong việc đảm bảo chất lượng đào tạo, quy định chặt chẽ giữa việc phát triển quy mô và nâng cao chất lượng đào tạo, làm rõ các điều kiện đảm bảo chất lượng, tổ chức kiểm định chất lượng đào tạo giáo dục…

"Dự thảo luật đã nêu là tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục được thành lập khi có đề án thành lập phù hợp với quy hoạch mạng lưới tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục được phép hoạt động. Kiểm định chất lượng giáo dục khi có cơ sở vật chất, thiết bị tài chính, đội ngũ kiểm định viên đáp ứng được yêu cầu hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục đại học. Như vậy, khi chúng ta chưa có đội ngũ kiểm định viên, nước ta cũng chưa có kinh nghiệm về kiểm định giáo dục, chưa có cơ sở vật chất, thiết bị, tài chính, nếu luật được thông qua, ban hành thì việc kiểm định chất lượng sẽ như thế nào?", đại biểu Bản nêu vấn đề.

Đại biểu Bản đề nghị, cần phải thiết kế lại nội dung này trong luật theo hướng mang tính khẳng định một cách căn cơ khi đã đủ các yếu tố hội tụ thành lập tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục để thực hiện nhiệm vụ kiểm định chất lượng giáo dục đại học.


Giao quyền tự chủ: Không nên tồn tại cơ chế thưởng-phạt, xin-cho

Theo đại biểu Huỳnh Ngọc Đáng - Bình Dương, việc tự chủ được xem là thuộc tính của cơ sở giáo dục đại học, là xu thế quốc tế không thể nào tránh được. Nếu xác định quyền tự chủ giống như một phần thưởng, nếu làm tốt thì được thưởng quyền tự chủ, làm không tốt thì bị phạt, cắt bớt quyền tự chủ… là không phù hợp.

“Tôi thấy để thành lập đưa vào tiến hành hoạt động cơ sở trường đại học thì phải qua hai bước, bước thứ nhất là quyết định thành lập do Thủ tướng Chính phủ ký, bước thứ hai là có quyết định được phép đào tạo, như vậy rất nhiều điều kiện, quy định rất chặt chẽ. Cho nên theo tôi cơ sở đại học nào đã đầy đủ các quyết định đó thì đương nhiên có thuộc tính của nó là quyền tự chủ”, đại biểu Đáng đề nghị.

Thống nhất nhận xét quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm là quyền rất quan trọng của đại học, là điều kiện tiên quyết để đại học thực hiện nhiệm vụ sứ mệnh và trách nhiệm xã hội của mình, đại biểu Huỳnh Thành Đạt - TP Hồ Chí Minh cho rằng, không ít điều trong dự thảo luật chưa thể hiện hoặc thể hiện rất ít sự giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho cơ sở giáo dục đại học hoặc ít nhiều mang tính xin-cho và còn giao cho Thủ tướng và cho Bộ trưởng quy định khá nhiều, như quy định về cơ cấu tổ chức của trường đại học, cao đẳng, học viện; việc mở ngành, chuyên ngành đào tạo; tổ chức quản lý đào tạo; liên kết đào tạo; trách nhiệm của cơ sở giáo dục đại học trong việc đảm bảo chất lượng giáo dục đại học; học phí và lệ phí tuyển sinh… Đại biểu Đạt đề nghị, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng như Ban soạn thảo cần xem xét thêm những vấn đề này vì đây là những điều cốt lõi của Dự thảo luật.

Về khung học phí và lệ phí, đại biểu Đạt đồng tình giao cho Chính phủ quy định khung này. Tuy nhiên để đảm bảo quyền tự chủ cho các trường, khung này cần thiết lập rộng để các cơ sở giáo dục đại học được chủ động trong việc xây dựng mức nộp phí, lệ phí của mình trong phạm vi của khung này, tùy vào sự phân tầng và chất lượng đào tạo của cơ sở giáo dục đại học.

Tuy nhiên, đại biểu Phạm Thị Hải - Đồng Nai cho rằng, với tình hình thực tế của nước ta hiện nay là có sự phát triển không đồng đều giữa các cơ sở giáo dục đại học và phần lớn các cơ sở giáo dục đại học chưa đạt được chuẩn mực của một cơ sở giáo dục đại học thực thụ thì việc thực hiện quyền tự chủ cần có lộ trình thích hợp.

Theo đại biểu Hải, việc giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho cơ sở giáo dục đại học trong 6 hoạt động chủ yếu trong nhà trường đó là công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế, tổ chức và nhân sự tài chính và tài sản, đảm bảo chất lượng… như trong dự thảo luật là một sự tiến bộ rất lớn trong việc tiếp thu chỉnh lý của dự thảo luật lần này. Tuy nhiên, trong hệ thống các trường đại học, cao đẳng hiện nay đã có hơn 100 trường trên tổng số 400 trường được thành lập với thời gian 10 năm trở lại đây, do đó các trường có đặc điểm lịch sử cũng như điều kiện về cơ sở vật chất trang thiết bị dạy và học, đội ngũ cán bộ quản lý, giảng viên… khác nhau, không đồng đều về quy mô cũng như chất lượng. Vì vậy, việc giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các cơ sở giáo dục đại học không thể thực hiện một cách đồng loạt và "cào bằng" được.

“Việc giao quyền tự chủ cho các trường đại học là nhằm nâng cao tính năng động, sáng tạo, tự chịu trách nhiệm của từng trường. Trên thực tế các trường đã có sự phân tầng mạnh yếu khác nhau. Do đó, giao quyền tự chủ cần phải dựa trên cơ sở của điều kiện năng lực, kết quả kiểm định chất lượng của từng trường. Điều này sẽ khuyến khích các đơn vị trường học nâng cao khả năng cạnh tranh để được giao quyền tự chủ”, đại biểu Hải nói.

Đại biểu Hải ủng hộ quy định việc thu hồi quyền tự chủ đối với các cơ sở giáo dục đại học không còn đủ năng lực hoặc có hành vi vi phạm.

Đi vào một khía cạnh cụ thể của việc giao quyền tự chủ, đại biểu Bùi Đức Phú – Thừa Thiên Huế băn khoăn về việc giao chuẩn kiến thức kỹ năng chương trình đào tạo cho cơ sở đào tạo quyết định. Theo đại biểu Phú, điều này sẽ đưa đến những hệ lụy rất phức tạp.

“Trên thế giới hiện nay, chuẩn kiến thức, kỹ năng là yêu cầu cần có và là một trong những công cụ quan trọng để đo lường, kiểm soát chất lượng đào tạo và do cơ quan quản lý và sử dụng năng lực hay là tổ chức xã hội nghề nghiệp quy định. Việc làm này sẽ tránh được sự lệch pha giữa nơi đào tạo, sử dụng và cũng là cơ sở để đánh giá chất lượng đào tạo ở các cơ sở giáo dục... Nếu như chúng ta lại giao quyền này cho các cơ sở đào tạo thì thực sự Việt Nam chúng ta không có chuẩn”, đại biểu Phú nói.

Vì vậy, đại biểu Phú đề nghị, dự luật nên giao trách nhiệm quy định và ban hành cho các bộ và ban, ngành có liên quan, như vậy mới phù hợp với xu thế phát triển hiện nay.

Quy định cụ thể về phân tầng, xếp hạng cơ sở giáo dục ĐH: Nên để văn bản dưới luật


Tiếp thu ý kiến các đại biểu, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận đã tham gia giải trình một số nội dung.

Thứ nhất, về phân tầng và xếp hạng các cơ sở giáo dục đại học, theo Bộ trưởng, hiện nay chúng ta đã triển khai ở mức độ nhất định việc phân tầng này. Điều đó được biểu hiện cụ thể ở việc Chính phủ đã thành lập hai đại học quốc gia, thành lập Đại học Thái Nguyên, Đại học Huế, Đại học Đà Nẵng và những đại học 2 cấp, đa ngành, đa lĩnh vực có nhiệm vụ đào tạo và nghiên cứu khoa học chất lượng cao. Đồng thời, Thủ tướng Chính phủ cũng đã quyết định một danh mục 18 trường đại học trọng điểm với mục tiêu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu của các ngành mũi nhọn và phù hợp với đặc điểm từng vùng, miền. Hiện Chính phủ đang chỉ đạo xây dựng hai đại học xuất sắc là Đại học Việt Đức và Đại học Khoa học công nghệ Hà Nội có nhiệm vụ đào tạo nhân lực trình độ cao và phục vụ phát triển khoa học công nghệ.

Ở một số vùng đặc thù như ở Tây Bắc, Tây Nguyên và Tây Nam, Chính phủ cũng đã có quyết định xây dựng các trường đại học đa ngành để đáp ứng nhu cầu kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh ở các khu vực này.

Về xếp hạng các cơ sở giáo dục đại học, Bộ trưởng cho biết, ở các nước tiên tiến trên thế giới, việc xếp hạng này do các hiệp hội, các tổ chức kiểm định, các tạp chí, tờ báo lớn có uy tín và thậm chí có nước là do tổ chức tư nhân thực hiện và công bố.

Tuy nhiên, ở nước ta, việc xếp hạng các cơ sở giáo dục đại học là vấn đề mới. Từ thực tiễn đó, Chính phủ đề xuất với Quốc hội, trong dự thảo luật không nên quy định về những vấn đề chuyên môn, cụ thể liên quan đến phân tầng và xếp hạng cơ sở giáo dục đại học, cũng không nên quy định Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ hoặc Bộ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo đảm nhận việc công nhận xếp hạng các cơ sở giáo dục đại học, mà dự thảo luật chỉ nên quy định chung về các tầng và các tiêu chí xếp hạng các cơ sở giáo dục đại học, còn các vấn đề cụ thể thì nên để văn bản dưới luật quy định.

Về vai trò và địa lý pháp lý của Đại học quốc gia, Bộ trưởng cho biết, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, vừa qua, liên Bộ đã tiến hành tổng kết đánh giá 10 năm hoạt động của hai Đại học quốc gia và ba đại học hai cấp. Kết quả cho thấy Nghị định 07 năm 2011 của Chính phủ đã bộc lộ những điều bất cập. Để giải quyết vấn đề này Thủ tướng Chính phủ giao cho Bộ giáo dục, đào tạo, Bộ nội vụ và các bộ, ngành liên quan đã nghiên cứu xây dựng nghị định mới, thay thế Nghị định 07. Do vậy, Bộ trưởng đề nghị với Quốc hội nên rà soát nội dung này và không nên đưa những nội dung của Nghị định 07 đang được rà soát thay thế vào luật.

Bộ trưởng cũng thống nhất với các ý kiến của một số đại biểu về việc nên để văn bản dưới luật và thậm chí một số nội dung của việc phân công phối hợp thực hiện nhiệm vụ đào tạo giữa Đại học quốc gia và các cơ sở thành viên nên thuộc thẩm quyền của Đại học quốc gia để đảm bảo tính tự chủ. 

H.V