Ánh sáng từ trái tim người thợ

Kinh tế - Ngày đăng : 07:42, 25/05/2012

(HNM) - Sáng 24-5, tại Hà Nội, Tổng Công ty Điện lực TP Hà Nội (EVN HANOI) đã tổ chức kỷ niệm 120 năm Nhà máy Đèn Bờ Hồ (NMĐBH) - tiền thân của Tổng Công ty Điện lực TP Hà Nội ngày nay (1892-2012).

Đây cũng là dịp để hơn 1.500 CBCNV các thế hệ ngành điện gặp mặt giao lưu. 120 năm - một chặng đường, các thế hệ thợ điện Thủ đô nối tiếp nhau viết nên truyền thống vẻ vang của NMĐBH và còn sáng mãi hình ảnh những người thợ điện chiến đấu bảo vệ nhà máy, bảo vệ dòng điện của Thủ đô.


Công nhân Tổng Công ty Điện lực TP Hà Nội nâng cấp sửa chữa mạng lưới điện.
Ảnh: Khánh Nguyên

Năm 1892, Đốc lý Hà Nội đã ký hợp đồng mua điện chiếu sáng cho TP Hà Nội. Hội đồng TP thông qua hợp đồng xây dựng xưởng phát điện (còn gọi là NMĐBH) tại phố Francis Garnier (nay là số 69 phố Đinh Tiên Hoàng). NMĐBH hoàn thành, chính thức vận hành với quy mô hai máy phát điện công suất 250kW, tổng công suất là 500kW phát dòng điện một chiều và chỉ thắp được 523 ngọn đèn điện cho khu phố người Âu, ở khu phố người Việt tổ chức thắp 584 ngọn đèn dầu hỏa ở các đường phố.

Ngày 19-8-1945, Đoàn công nhân NMĐBH gồm 300 người giương cao cờ đỏ sao vàng cùng các tầng lớp nhân dân Thủ đô tham gia mít tinh tại trung tâm TP, sau đó tham gia đánh chiếm Phủ Khâm sai và nhanh chóng làm chủ NMĐBH. Cách mạng Tháng Tám thành công, Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời. Theo lệnh của Trung ương, hơn 40 công nhân và toàn bộ lực lượng tự vệ NMĐBH đã trở thành chiến sĩ Trung đoàn Thủ đô tham gia chiến đấu kìm chân quân địch trong những ngày đầu Toàn quốc kháng chiến (12-1946) và cùng Trung đoàn rút khỏi Hà Nội để bảo toàn lực lượng cho cuộc trường kỳ kháng chiến của dân tộc. Ngày 21-12-1954, Bác Hồ đã về thăm và động viên CBCNV NMĐBH. Nói chuyện với CBCNV có mặt tại thời khắc lịch sử ấy, Bác đã nhấn mạnh: "Nhà máy bây giờ là của Chính phủ, của các cô, các chú, các cô, các chú là chủ, phải biết giữ gìn nhà máy và làm cho nó phát triển hơn nữa...". Các thế hệ thợ điện Thủ đô luôn ghi nhớ và làm theo lời dạy của Người và ngày 21-12 hằng năm đã trở thành "Ngày truyền thống ngành điện lực Việt Nam".

Năm 1995 đánh dấu một bước phát triển mới của Tổng Công ty, Sở Điện lực Hà Nội, từ một đơn vị hạch toán phụ thuộc, trở thành đơn vị hạch toán độc lập và được đổi tên thành Công ty Điện lực TP Hà Nội, các chi nhánh điện được nâng cấp thành các điện lực và được phân cấp thêm nhiều lĩnh vực để chủ động hơn trong việc thực hiện nhiệm vụ SXKD; trực tiếp bán điện cho 264.084 khách hàng với sản lượng điện thương phẩm đạt 1.269,96 triệu kWh; tổng doanh thu đạt 662,83 tỷ đồng. Những năm đầu thế kỷ XXI, Hà Nội có tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh và mạnh. Qua các thời kỳ, Công ty Điện lực TP Hà Nội đã thành lập thêm 5 điện lực mới và các đơn vị phụ trợ. Đến cuối năm 2007, EVN HANOI đã hoàn thành xuất sắc việc tiếp nhận toàn bộ lưới điện khu vực nông thôn của 115 xã, bán điện trực tiếp đến 393.214 hộ dân nông thôn; trực tiếp bán điện cho 995.800 khách hàng với sản lượng điện thương phẩm đạt 4.822,45 triệu kWh. Năm 2008, sau khi Thủ đô mở rộng địa giới hành chính, EVN HANOI đã tiếp nhận, quản lý lưới điện của tỉnh Hà Tây (cũ), huyện Mê Linh và 4 xã thuộc huyện Lương Sơn (Hòa Bình), trực tiếp bán điện cho khoảng 2 triệu khách hàng, với sản lượng điện thương phẩm cả năm 2011 đạt 9.525 triệu kWh.

Tại lễ kỷ niệm 120 năm Nhà máy Đèn Bờ Hồ, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải ghi nhận những kết quả của EVN HANOI trong bảo đảm vận hành, cung ứng điện liên tục, an toàn, ổn định với chất lượng cao, phục vụ các hoạt động chính trị, an ninh, văn hóa, ngoại giao và phát triển KT-XH của Thủ đô. EVN HANOI đã từng bước phát triển vững chắc, không ngừng lớn mạnh về mọi mặt, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, góp phần tích cực vào sự nghiệp phát triển ngành điện nói riêng, sự phát triển của Thủ đô và đất nước nói chung. EVN HANOI phải bảo đảm vận hành cung ứng điện liên tục, ổn định, an toàn phục vụ nhu cầu sản xuất, phát triển KT-XH và sinh hoạt của nhân dân Thủ đô. Xây dựng EVN HANOI với mô hình quản lý hiệu quả; nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp, phù hợp với từng giai đoạn phát triển của thị trường điện. Phát triển nguồn nhân lực, nâng cao chất lượng công tác đào tạo và đào tạo lại. Giảm giá thành phân phối điện; phát triển, cải tạo lưới điện, tăng cường các biện pháp quản lý để giảm tổn thất điện năng; tham gia xây dựng và thúc đẩy thực hiện các chính sách khuyến khích tiết kiệm điện, tích cực tuyên truyền, hướng dẫn khách hàng sử dụng điện an toàn, tiết kiệm, hiệu quả... trên cơ sở phát huy truyền thống tốt đẹp 120 năm NMĐBH và kết quả đạt được trong 25 năm đổi mới, khắc phục và vượt qua mọi khó khăn với quyết tâm cao nhất hoàn thành nhiệm vụ được giao, bảo đảm cung cấp điện an toàn, liên tục với chất lượng cao nhất cho Thủ đô; góp phần phát triển nhanh, bền vững KT-XH của Hà Nội.

Thanh Mai