R.Mladic - Đoạn kết buồn của một cuộc chiến

Hồ sơ - Ngày đăng : 07:11, 25/05/2012

(HNM) - Sau gần 20 năm, phiên tòa xét xử tướng Ratko Mladic, cựu Tư lệnh quân đội Serbia tại Bosnia - Herzegovina vừa được Tòa án quốc tế xét xử tội phạm chiến tranh ở Nam Tư cũ (ICTY) tại La Hay (Hà Lan) mở ra ngày 16-5.

Phiên tòa có thể sẽ kéo dài với sự tham dự của khoảng 400 nhân chứng và các cáo buộc liên quan đến 11 tội danh, trong đó, có tội ác diệt chủng chống loài người thời kỳ 1992-1995.

Cựu Tư lệnh R.Mladic tại phiên tòa.

Sinh năm 1942 tại làng Kalinovik ở Bosnia, nhưng Mladic phần lớn sống ở Nam Tư cũ và trở thành một quân nhân chuyên nghiệp trong Quân đội nhân dân Nam Tư. Khi Nam Tư tan rã vào năm 1991, Mladic nắm quyền chỉ huy Quân khu II quân đội Nam Tư, đóng tại Sarajevo. Tháng 5-1992, Quốc hội Serbia tại Bosnia biểu quyết thành lập quân đội Serbia tại Bosnia và bổ nhiệm Mladic làm chỉ huy, tạo ngã rẽ bước ngoặt trong cuộc đời vị tướng này. Năm 1995, các lực lượng Serbia tại Bosnia tấn công dữ dội vào Srebrenica bằng pháo kích và tên lửa trong vòng 5 ngày, trước khi tướng Mladic tiến vào thị trấn. Ngày hôm sau, các xe buýt đến đón phụ nữ và trẻ em đang trú tại Srebrenica, đưa tất cả đến vùng lãnh thổ người Hồi giáo. Trong khi đó, toàn bộ đàn ông và bé trai Hồi giáo từ 12 đến 77 tuổi bị giữ lại để "thẩm vấn về những tội ác chiến tranh có thể". Trong 5 ngày sau khi các lực lượng Serbia tại Bosnia tràn vào Srebrenica, ít nhất 8.000 nam giới và các bé trai Hồi giáo đã bị sát hại, trong vụ thảm sát tồi tệ nhất ở Châu Âu kể từ sau Thế chiến II.

Đến năm 1995, tướng Mladic đã bị ICTY buộc tội diệt chủng vì trực tiếp chỉ huy cuộc bao vây kéo dài 2 năm và làm 11.000 người thiệt mạng trong suốt thời kỳ chiến tranh Bosnia - Srebrenica (1992-1995). Sau chiến tranh, Mladic vẫn sống thoải mái ở thủ đô Belgrade, nhưng bất ngờ biến mất sau vụ bắt giữ cựu Tổng thống Nam Tư cũ Slobodan Milosevic năm 2001. Cuối cùng Mladic bị bắt ngày 26-5-2011 tại Serbia sau 16 năm lẩn trốn và ngày 31-5-2011 được giao nộp cho ICTY ở La Hay.

Tuy nhiên, từ ngày bị giam giữ, Mladic luôn lên tiếng bác bỏ mọi cáo buộc của ICTY. "Cả thế giới biết tôi là ai. Tôi là tướng Ratko Mladic bảo vệ người dân của tôi, của đất nước tôi... bây giờ tôi đang bảo vệ bản thân mình" - Mladic từng nói như thế trong phiên điều trần năm ngoái. Lần này, chỉ trước phiên xử án hai ngày, luật sư của Mladic đệ đơn thỉnh nguyện tòa hoãn phiên xét xử 6 tháng vì lý do "thân chủ không được khỏe", song phiên tòa vẫn tiến hành như kế hoạch. Trong phiên xét xử bắt đầu ngày 16-5 vừa qua, Mladic đã xuất hiện trong bộ đồ đen, đeo cà vạt với vẻ mặt "bất cần".

Ngoài Tướng Mladic, ICTY còn cáo buộc 160 quan chức khác của Nam Tư cũ phạm tội ác chiến tranh, trong đó đa số vụ án đã được xét xong trong thời gian qua. "Các nạn nhân chờ đợi gần hai thập kỷ để được nhìn thấy cảnh này, cảnh Ratko Mladic phải trả giá cho những tội ác của mình", Param - Preet Singh, chuyên gia tư vấn trong Chương trình Tư pháp quốc tế của Tổ chức Theo dõi nhân quyền thế giới (HRW) tuyên bố tại tòa khi lý giải nguyên nhân ICTY phải mở phiên xét xử này. Nếu không bác bỏ được những luận cứ của ICTY, Mladic nhiều khả năng bị tuyên án chung thân. Với tính chất phức tạp của vụ án, quá trình tố tụng có thể sẽ kéo dài vài tháng, thậm chí vài năm.

Tuấn Minh