Nỗi đau khoáng sản

Góc nhìn - Ngày đăng : 07:02, 25/05/2012

(HNM)- Tuần trước, Báo Hànộimới đăng loạt bài điều tra về tình trạng khai thác trái phép quặng kim loại màu rồi ồ ạt đưa về Lào Cai để xuất lậu qua biên giới Trung Quốc. Hoạt động này diễn ra công khai, bất chấp các trạm kiểm soát có mặt ở khắp nơi, bất chấp pháp luật và bất chấp sự hủy hoại đối với tài nguyên của đất nước.


Nhưng đó cũng mới chỉ là một góc của bức tranh về thực trạng nhức nhối này.

Mấy ngày qua, dư luận thêm lần choáng váng về thông tin một mỏ than lộ thiên ở Uông Bí, Quảng Ninh được Công ty Than Uông Bí (Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam) ký hợp đồng hợp tác với Công ty Pt.Vietmindo Energitama khai thác để xuất khẩu. Một mỏ than được đánh giá có chất lượng vào loại tốt nhất của Việt Nam bỗng nhiên trở thành tài sản riêng của một công ty nước ngoài khi hợp đồng xác định phía Vietmindo đầu tư 100% vốn, hưởng 90% lợi nhuận (trên doanh thu khoảng 40 triệu USD mỗi năm). Chỉ còn lại tí teo (10%) dành cho phía có tài nguyên, tức là Công ty Than Uông Bí.

Nghe thông tin thấy thật đau xót khi tài nguyên của đất nước bị thất thoát!

Nhưng còn đau lòng hơn trước thái độ của các cơ quan quản lý. Ai cũng có thể hiểu một "chân lý" đơn giản là đã bỏ đồng tiền ra đầu tư thì làm sao phải thu về được lợi nhuận nhiều nhất. Và "chân lý" ấy cũng được Vietmindo thực hiện triệt để, nhất là khi thời gian khai thác dành cho họ có hạn. Vậy là họ đã cố gắng ở mức cao nhất, lấy đi nhanh nhất những gì tốt nhất. Chỗ có nhiều than tốt, dễ làm thì họ đào khoét, chỗ khó thì họ bỏ lại, khai thác vượt mức cho phép và xả thải bừa bãi gây nên thảm họa cho một vùng tài nguyên.

Vậy nhưng, những người có trách nhiệm của ta phản ứng ra sao?

Thật không thể tưởng tượng được khi Phó Tổng Giám đốc Công ty Than Uông Bí hồn nhiên phát biểu: "Chúng tôi biết đối tác khai thác vượt công suất nhưng không có chế tài nào để yêu cầu họ dừng lại. Nếu chúng tôi không chở than cho họ thì họ sẽ thuê người khác". Chẳng điều gì có thể lý giải tại sao họ lại vô cảm đến vậy!?

Càng không thể hình dung nổi là từ tháng 8-2011, đoàn kiểm tra của Tổng cục Địa chất khoáng sản và Sở Tài nguyên - Môi trường tỉnh Quảng Ninh đã phát hiện các sai phạm ở đây. Nào là khai thác vượt công suất, chưa lập thiết kế mỏ, đến chưa hoàn thành dự án cải tạo môi trường, chưa ký quỹ cải tạo phục hồi môi trường, chưa điều chỉnh giấy phép theo trữ lượng đã chuyển đổi... Nhưng kiểm tra xong rồi bỏ đấy, để bây giờ công luận lên tiếng mới nói "sắp tới sẽ tiến hành phúc tra lại". Ai sẽ phải chịu trách nhiệm khi chính vị Phó Tổng Giám đốc Công ty Than Uông Bí cho biết, đã có công văn báo cáo Tập đoàn Than - Khoáng sản, tỉnh Quảng Ninh, Bộ Công thương… nhưng chỉ có tập đoàn phúc đáp chỉ đạo không được cho phép Vietmindo tăng sản lượng, còn các bộ, ngành, địa phương không có văn bản trả lời?

Dư luận hẳn chưa thể quên vụ "cướp than động trời" từng xảy ra ở mỏ Mạo Khê, tỉnh Quảng Ninh hai năm về trước! Cuộc đổ bộ của "đạo binh than thổ phỉ" kéo dài suốt 7 đêm, từ 29 tháng Chạp đến ngày mùng 6 Tết Canh Dần mà không gặp bất cứ trở lực nào. Đáng nói là sẽ không có sự lộng hành ấy nếu không có sự tiếp tay của chính những người có trách nhiệm quản lý. Những người ấy nắm trong tay trọng trách bảo vệ nhưng họ lại chính là những con sâu, con chuột gặm nhấm, đào khoét và bán rẻ nguồn tài nguyên của quốc gia.

Năm 2011, Việt Nam đã lần đầu tiên thực hiện nhập khẩu than và trớ trêu là nguồn nhập lại từ Indonesia. Nhiều người đặt vấn đề rằng, nỗi đau sẽ tăng gấp bội nếu chúng ta lại phải nhập lại chính than của chúng ta!

Nữ Quỳnh