Quy rõ trách nhiệm, nâng mức xử phạt
Đời sống - Ngày đăng : 07:02, 25/05/2012
Bộ VH,TT&DL cũng vừa có Chỉ thị số 65/CT-BVHTTDL về chấn chỉnh hoạt động tổ chức, biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang. Vấn đề này đang được đông đảo người dân Thủ đô quan tâm.
Tình trạng nghệ sĩ ăn mặc phản cảm xuất hiện liên tiếp. |
Ông Nguyễn Văn Điện (xã Mỹ Đình, huyện Từ Liêm):
Quy rõ trách nhiệm cho người thực thi nhiệm vụ
Những hình ảnh người mẫu, ca sĩ… ăn mặc hở hang, đi ngược lại thuần phong mỹ tục và lối biểu diễn thiếu văn hóa đã bào mòn giá trị văn hóa của người Việt, làm lệch lạc cách nghĩ, cách sống của một bộ phận giới trẻ. Để xảy ra tình trạng này, trách nhiệm trước hết thuộc về các cơ quan quản lý nhà nước. Tại sao công cụ quản lý có trong tay mà vẫn không điều hành được? Chỉ thị số 65 thực chất là một văn bản mang tính nhắc nhở các cơ quan chức năng trong việc cấp phép, kiểm duyệt nội dung, hình thức biểu diễn, chứ chưa đưa ra được biện pháp mới để ngăn chặn triệt để những vi phạm đó. Nếu các cơ quan chức năng thiếu trách nhiệm thì vi phạm vẫn có thể "lọt lưới" và xã hội vẫn phải gánh hậu quả… Tính quyết định vẫn là ở con người, phải quy trách nhiệm rõ ràng hơn với người thực thi nhiệm vụ, thì việc chấn chỉnh mới khả quan.
Ông Võ Trọng Hữu (phường Đồng Tâm, quận Hai Bà Trưng):
Mức phạt phải đủ sức răn đe
Ca sĩ, diễn viên mặc phản cảm lên sân khấu mới chỉ bị phạt vi phạm hành chính, mức phạt còn quá nhẹ, chưa đủ sức răn đe. Vì vậy, nhiều người sẵn sàng chịu phạt để tên tuổi của họ được biết đến nhiều hơn. Theo tôi, phải phạt thật nặng những trường hợp cố tình vi phạm. Phạt tiền chỉ là hình thức bổ sung, cần phải có những chế tài phạt chính như nếu vi phạm lần đầu có thể cấm biểu diễn trong một thời gian; nếu tái phạm nhiều lần, thì thậm chí cấm biểu diễn vĩnh viễn...
Ông Vũ Quốc (phường Mộ Lao, quận Hà Đông):
Tăng cường phối hợp giữa các cơ quan chức năng
Vì sao chỉ trong một thời gian ngắn mà dư luận lại rộ lên những lời bàn tán, xì xào về những buổi biểu diễn nghệ thuật có những tiết mục phi văn hóa? Vì sao sự việc này có sức lan truyền nhanh và sâu rộng đến vậy? Điều này có thể lý giải bởi thông tin đó đã đáp ứng được sự tò mò của một bộ phận độc giả và quá nhiều tờ báo đã "săn" những tin như vậy để câu khách. Thực tiễn này đòi hỏi các cơ quan chức năng phải có sự phối hợp chặt chẽ trong quá trình quản lý, không nên chỉ nhìn nhận công việc và trách nhiệm của mình ở một khâu nhất định nào đó. Mặt khác, phải nâng cao mức xử phạt những ông "bầu", những doanh nghiệp tổ chức sự kiện và những người trực tiếp vi phạm, phải có những hình thức xử phạt thích đáng để những người vi phạm có ý thức tốt hơn về "cái tôi" của mình trước cộng đồng.
Bộ VH,TT&DL phải sớm ban hành quy định mới về hoạt động tổ chức biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang sao cho phù hợp với thực tiễn, bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật và giữ được thuần phong mỹ tục.