Phải lấp lỗ hổng giám sát các doanh nghiệp nhà nước
Chính trị - Ngày đăng : 06:32, 25/05/2012
Bên lề kỳ họp thứ ba, Quốc hội (QH) khóa XIII, ông Trần Du Lịch, Phó Trưởng đoàn đại biểu QH TP Hồ Chí Minh đã có cuộc trao đổi với báo chí về vấn đề này.
- Liên quan đến vụ tham nhũng tại Vinalines, dư luận rất quan tâm việc ông Dương Chí Dũng được bổ nhiệm làm Cục trưởng Cục Hàng hải chỉ 2 tháng trước khi vụ việc bị phát hiện. Ông bình luận gì về việc này?
- Tôi biết rằng trong quá trình thanh tra một tập đoàn kinh tế, khi chưa có kết luận của Thủ tướng, cơ quan thanh tra sẽ lập dự thảo và trao đổi với DN nhiều lần. Kết luận cuối cùng của thanh tra bao giờ cũng trao đổi với lãnh đạo DN và cho DN giải trình. Khi DN giải trình không được và không thuận thì thanh tra mới kết luận. Thế nên, đừng lấy ngày kết luận thanh tra so với ngày bổ nhiệm để nói: "Tôi bổ nhiệm trước khi thanh tra kết luận".
- Vậy thì tín nhiệm của Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng trong vụ việc này?
- Bộ trưởng phải giải trình trách nhiệm về việc bổ nhiệm Cục trưởng Cục Hàng hải trước QH và tôi tin rằng nhiều đại biểu QH cũng sẽ chất vấn việc này.
- Những bê bối tại hai DN nhà nước là Vinashin và Vinalines vừa qua cho thấy, liệu có cần sự giám sát của QH về trách nhiệm của người đứng đầu các bộ, ngành?
- Đó chính là lỗ hổng. QH là đại diện cao nhất của nhân dân mà không thể tham gia giám sát các tập đoàn, TCT nhà nước. Tại một số quốc gia, điều lệ của các tập đoàn, TCT nhà nước được đưa ra bàn bạc như một đạo luật và mọi quyết định có liên quan đều được đưa ra QH. Cơ quan nào ban hành quyết định thì phải giám sát nó. Trước mắt, chúng ta chưa thể xây dựng thành một đạo luật nên tôi đề nghị cần có điều lệ cho một số tập đoàn, TCT lớn.
- Qua thanh tra một số tập đoàn lớn thời gian qua, đã phát hiện không ít sai phạm. Dư luận băn khoăn việc xử lý trách nhiệm của những người đứng đầu tại những đơn vị này liệu đã thực sự nghiêm minh?
- Vụ việc xảy ra tại Vinashin, xử lý hình sự người trực tiếp chịu trách nhiệm là thỏa đáng. Chúng ta nghiêm khắc chứ không nhân nhượng. Nhưng cơ chế để xử lý vi phạm quản lý nhà nước của người đại diện thế nào thì đến nay vẫn chưa rõ ràng. Vì không rõ nên không có địa chỉ cụ thể để quy trách nhiệm. Thực tế này đòi hỏi phải có một đạo luật để quy trách nhiệm rõ ràng cho từng cá nhân.
- Vậy trách nhiệm của Chính phủ trong việc quản lý vốn nhà nước tại DN cần được thực hiện như thế nào, thưa ông?
- Từ kinh nghiệm thế giới, người ta quản lý DNNN như thế nào thì chúng ta phải làm cho đúng. Từ năm 1992 đến nay, chúng ta cũng đã có kinh nghiệm quản lý vốn nhà nước tại DN. Đã có lúc Thủ tướng, Chính phủ đã lập các TCT 90, 91, điều lệ của các TCT đều là nghị định của CP, nhưng sau đó chỉ là quyết định. Theo luật định, nghị định thì phải báo cáo Chính phủ, còn quyết định là trách nhiệm của Thủ tướng.
- Xin cảm ơn ông.