Cần đánh giá sâu hơn những yếu kém
Chính trị - Ngày đăng : 11:17, 24/05/2012
Chủ trì phiên thảo luận tại tổ Hà Nội là Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị.
Theo đại biểu Bùi Thị An, trong năm 2011 và những tháng đầu năm 2012, nền kinh tế đất nước tương đối ổn định và phát triển. Tuy nhiên, sự tăng trưởng kinh tế đất nước, mặc dù đã chú ý đến tính bền vững nhưng chưa đạt được kết quả như mong muốn. Vấn đề nổi lên hiện nay trong quá trình phát triển, theo đại biểu An, đó chính là môi trường, tai nạn giao thông và an toàn vệ sinh thực phẩm.
“Tôi cho rằng, Đảng, Chính phủ và Nhà nước đã nhận ra được sự khắc nghiệt của kinh tế thị trường, chắc chắn sẽ có những giải pháp tốt”, đại biểu An nói.
Đại biểu An đề nghị, Chính phủ cần đánh giá cụ thể hơn về mô hình tăng trưởng, tiến hành tái cơ cấu với những giải pháp tổng thể.
Chung quan điểm, đại biểu Nguyễn Hồng Sơn cho rằng, trước tình hình số doanh nghiệp giải thể ngày càng tăng, Chính phủ cần có giải pháp tổng thể để tháo gỡ khó khăn cho các DN. Đặc biệt, cần xem xét miễn thuế thu nhập và tăng tính hiệu quả của các gói kích cầu.
“Theo tôi, Chính phủ nên giảm 50% tiền thuê đất với các dự án còn khó khăn. Chính phủ hiện có 2 phương án trả tiền thuê đất 1 lần hoặc hàng năm, trước đây khi DN phát triển, muốn nộp tiền một lần Chính phủ không cho vì còn phải điều tiết hằng năm, nếu nộp ngay sẽ giảm nguồn thu. Nhưng hiện nay, khi kinh tế khó khăn, Chính phủ lại yêu cầu nộp tiền thuê đất 1 lần hoặc 1 năm. Đề nghị Chính phủ hủy ngay yêu cầu này”, đại biểu Sơn nói.
Đại biểu Nguyễn Đình Quyền nhận xét tình hình kinh tế-xã hội đất nước còn nhiều bất cập mà trong báo cáo chưa được chỉ rõ nguyên nhân.
“Hàng chục nghìn DN đã phá sản với nhiều lý do, trong đó có nguyên nhân không tiếp cận được nguồn ưu đãi hạ lãi suất. Chính phủ đã đưa ra nhiều giải pháp nhưng nếu không có bước đi hiệu quả sẽ rất khó khăn”, đại biểu Quyền nói.
Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh cũng đề nghị, báo cáo Chính phủ cần có những đánh giá cụ thể, khách quan, đúng về những khó khăn, hạn chế, tìm ra nguyên nhân, từ đó mới đưa ra được những giải pháp hiệu quả.
“Theo tôi, nguyên nhân trước hết là tình hình tôn trong pháp luật không nghiêm từ trên xuống dưới, từ TƯ đến địa phương, cơ sở, trách nhiệm người đứng đầu không được xử lý nghiêm, chưa tập trung giải quyết những vấn đề dân sinh bức xúc”, đại biểu Khánh nói.
Quan tâm đến lĩnh vực giáo dục - đào tạo, y tế, đại biểu Đào Trọng Thi cho rằng, trong điều hành các lĩnh vực này, chúng ta có một hạn chế chung là chỉ quan tâm đến số lượng, chưa đề cao yêu cầu chất lượng.
“Yếu tố chất lượng liên quan mật thiết đến phát triển bền vững. Ví dụ như trong lĩnh vực giáo dục, nếu chúng ta chỉ quan tâm đến tăng trưởng số lượng bao nhiêu sinh viên/vạn dân, bao nhiêu trường trung học chuyên nghiệp, đại học... thì càng tăng về số lượng, chúng ta sẽ làm giảm chất lượng”, đại biểu Thi dẫn chứng.
Theo đại biểu Thi, cần đặt ra một hệ thống chỉ tiêu bao gồm cả số lượng và chất lượng cho các lĩnh vực phát triển xã hội. Lúc đầu, chuẩn có thể thấp, nhưng dần dần sẽ đạt và tiến tới ngang bằng các nước trong khu vực và thế giới.
Đánh giá khía cạnh xã hội, đại biểu Nguyễn Bắc Son cho rằng, xã hội hiện còn nhiều vấn đề bất ổn, nhất là trong lĩnh vực đất đai. Ngoài ra, còn một hiện tượng xã hội cũng cần lưu ý đó là người dân chống lại người thi hành công vụ, chính quyền. Theo đại biểu Sơn, ngoài sự tự phát còn có nguyên nhân do những người thực thi pháp luật chưa tốt.
“Chúng ta phát triển kinh tế - xã hội nhưng chất lượng chưa bền vững, tiềm ẩn nhiều vấn đề... Tôi đề nghị cần kiểm điểm tái cơ cấu ngân hàng, tìm hiểu sau mỗi lần tái cơ cấu có lợi ích nhóm hay không, cần tránh tái cơ cấu nhưng làm giảm sức mạnh, không để một số người nhân tái cơ cấu hưởng lợi ích cá nhân mà không phục vụ lợi ích toàn dân”, đại biểu Sơn nói.
Chiều nay, các đại biểu Quốc hội tiếp tục thảo luận tại tổ về đề án tái cơ cấu nền kinh tế.