Liệu có giảm ùn tắc?

Đời sống - Ngày đăng : 07:48, 24/05/2012

(HNM) - Từng gây xôn xao dư luận khi đưa ra ý tưởng thiết lập


Nhiều giải pháp được đưa ra nhằm khắc phục tình trạng ùn tắc giao thông. Ảnh: Như Ý


Ông Nguyễn Hữu Nghĩa (phường Phạm Đình Hổ, quận Hai Bà Trưng): Phải đánh giá một cách tổng thể

Khi đưa ra bất cứ một giải pháp nào nhằm hạn chế ùn tắc giao thông (UTGT), trước hết cần phải đánh giá một cách tổng thể đâu là nguyên nhân gây UTGT nghiêm trọng tại một số đô thị lớn. Cần phải biết chắc UTGT do số lượng người và phương tiện tăng lên quá nhanh? Do hạ tầng giao thông không phát triển tương xứng với lưu lượng người và xe hay do ý thức chấp hành giao thông của người dân? Tôi cho rằng, trước khi đề xuất, tác giả Mai Trọng Tuấn không nghiên cứu kỹ số lượng phương tiện hiện nay ở Hà Nội. Theo thống kê, Hà Nội hiện có khoảng 400.000 ô tô và 4 triệu xe máy. Với số lượng xe ô tô chỉ bằng khoảng một phần mười lượng xe máy, đề án cấm ô tô trong nội đô 5 giờ/ngày, 5 ngày/tuần liệu có phát huy tác dụng? Tôi thấy đề xuất này có một số bất cập. Thứ nhất, người dân có quyền được tự do đi lại, quyền được sử dụng phương tiện giao thông, nếu cấm đoán sẽ vi phạm hiến pháp. Thứ hai, số lượng người sử dụng phương tiện ô tô chỉ bằng 1/10 so với số lượng tham gia giao thông bằng xe máy. Nếu đã cấm thì phải cấm cả xe máy và ô tô, còn nếu chỉ cấm ô tô mà để cho xe máy tự do đi lại, khác nào chúng ta có sự phân biệt đối xử với người sử dụng phương tiện? Chẳng lẽ việc người dân dành dụm tiền để mua một chiếc ô tô lại là "có tội" đến mức bị cơ quan chức năng hạn chế quyền sử dụng? Còn nếu nói ô tô chiếm nhiều diện tích giao thông hơn xe máy, xe đạp, cần phải cấm thì chưa hẳn. Bởi lẽ, nếu một chiếc ô tô 4 chỗ ngồi bị cấm đi lại 5 giờ/ngày, thì nhiều khả năng 4 người ngồi trên xe sẽ phải chọn phương tiện xe máy để đi. Lúc đó, thay bằng 1 chiếc ô tô lưu thông trên đường, sẽ có cùng lúc 4 chiếc xe máy thay thế.

Anh Nguyễn Đình Long (phường Ngọc Lâm, quận Long Biên): Đừng coi ô tô là "thủ phạm" gây ùn tắc...

 Lâu nay, các cơ quan chức năng và một số người dân cho rằng ô tô là "thủ phạm" chính gây nên nạn UTGT. Đây là một quan niệm sai lầm. Tình trạng tắc đường bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân, trong đó có cả nguyên nhân từ ý thức của người lái xe, chứ không phải do chiếc xe to hay nhỏ. Người dân bỏ ra hàng trăm triệu, cả tỷ đồng để mua ô tô, nhưng chỉ được sử dụng năm ngày trong tuần, liệu có công bằng? Ở các nước phát triển, xe ô tô chạy đầy đường, vì sao không xảy ra ùn tắc? Phát triển hệ thống giao thông công cộng song hành với ô tô mới là đích đến của tất cả các đô thị văn minh, các quốc gia có nền kinh tế phát triển. Nhiều nước, người ta khuyến khích việc sử dụng hiệu quả xe ô tô bằng cách đặt trạm kiểm soát ở các cửa ngõ thành phố, phạt nặng những trường hợp sử dụng xe ô tô, nhưng chỉ đi một mình. Tại sao chúng ta không học họ phương pháp này để khuyến khích người lái xe ô tô chỉ ra đường khi có nhu cầu chở từ 3 người trở lên, trường hợp chỉ đi 2 người họ sẽ tự chọn xe gắn máy để tránh bị xử phạt?

Ông Nguyễn Văn Phúc (ngõ 62 đường La Thành, quận Ba Đình): Đẻ thêm thủ tục, không giảm phiền hà

Trước khi đề xuất các giải pháp hạn chế ô tô cá nhân vào nội đô để tránh UTGT thì đã có lệnh cấm các phương tiện vận tải hàng hóa hoạt động ban ngày có hiệu lực cả chục năm nay. Việc cấm xe tải được thực thi nhanh chóng, ít gây tranh cãi hơn bởi nó chỉ liên quan đến một bộ phận kinh doanh vận tải hàng hóa. Song cũng có ý kiến cho rằng, sở dĩ người kinh doanh bằng phương tiện vận tải chẳng quan tâm đến việc hạn chế giờ hoạt động, vì họ đã có "thuốc giải", đó là xin "cấp giấy phép phố cấm". Chủ phương tiện chỉ cần làm thủ tục xin giấy phép vào phố cấm với một mức phí rất thấp sẽ được phép hoạt động trên một số tuyến đường ghi trên giấy phép. Cũng giống như ý kiến "không thể cấm hoàn toàn xe cá nhân như đối với những tập đoàn kinh tế có ô tô biển trắng phải được cấp phép giờ cao điểm để làm việc, bảo đảm sản xuất, kinh doanh". Trong khi dù doanh nghiệp nhà nước hay tư nhân đều có trách nhiệm và nghĩa vụ đóng góp ngân sách nhà nước như nhau, nhưng người được cấp phép, người không được cấp phép sẽ dẫn tới sự bất bình đẳng trong xã hội. Và việc "đẻ" thêm một thủ tục hành chính cũng không phải là biện pháp thiết thực để giảm phiền hà, chống tiêu cực.

Chị Bùi Thu Trang (phố Lê Trọng Tấn, quận Thanh Xuân): Cần thêm nhiều cây cầu vượt...

Khi triển khai xây dựng cầu vượt lắp ghép tại 2 nút giao thông Láng Hạ - Thái Hà và Tây Sơn - Chùa Bộc, nhiều người còn băn khoăn, nghi ngờ về giải pháp chống ùn tắc này. Song chỉ vài ngày thông xe, kết quả đã được chứng minh trên thực tế, tình trạng ùn tắc tại hai nút giao thông này đã được giải quyết. Đó là một tín hiệu đáng mừng để các bộ, ngành và TP Hà Nội tiếp tục chỉ đạo triển khai thêm 2 cầu vượt lắp ghép ở ngã tư khác. Tất nhiên, để xây dựng một công trình giao thông công cộng là rất tốn kém. Tuy nhiên, khi một mức phí hay một loại quỹ nào đó được ban hành với đầy đủ minh chứng thuyết phục, với mục đích, mục tiêu rõ ràng chắc chắn người dân sẽ đồng tình và không ngại tham gia đóng góp.

Bảo Nga - Thùy Ngân