Sức ép chưa giảm
Thế giới - Ngày đăng : 07:24, 24/05/2012
Phát biểu với báo chí, ông Y.Amano và Trưởng đoàn đàm phán hạt nhân Iran Saeed Jalili đã cùng đánh giá: Cuộc hội đàm "sâu sắc" và "hết sức hữu ích". Trở về Vienna (Áo), ngày 22-5, ông Y.Amano còn nhấn mạnh việc đã cùng với ông S.Jalili đưa ra quyết định nhằm đi đến thỏa thuận về đường hướng khung để giải quyết vấn đề hạt nhân của quốc gia Hồi giáo này. Đây được xem là tiền đề quan trọng, tác động tích cực tới cuộc đàm phán giữa Iran và nhóm P5+1 (gồm năm nước ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc là Anh, Trung Quốc, Pháp, Nga, Mỹ và Đức), ngày 23-5, tại thủ đô Baghdad (Iraq). Theo đó, tại vòng đàm phán thứ hai này (sau vòng đàm phán đầu tiên đạt được nhiều triển vọng ngày 14-4, tại Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ), hai bên bắt đầu tiến hành đối thoại nhằm đặt nền tảng để chấm dứt cuộc khủng hoảng kéo dài liên quan tới chương trình hạt nhân gây tranh cãi của Iran.
Cuộc khủng hoảng hạt nhân Iran chưa thể tìm ra lối thoát trong tương lai gần. |
Ngày 19-5, sau khi kết thúc Hội nghị Thượng đỉnh Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G8) tại trại David, Mỹ, các nhà lãnh đạo G8 đã đưa ra tuyên bố tái khẳng định những "quan ngại" đối với chương trình hạt nhân gây tranh cãi của Iran. Tuy nhiên, với kết quả của cuộc hội đàm giữa IAEA và Tehran, gánh nặng mới nảy sinh liên quan đến vấn đề hạt nhân của Iran đã được gỡ bỏ. Vấn đề được thảo luận đã trúng, đúng vào những bất đồng tồn tại giữa hai bên. Đó là về giải trừ hạt nhân, ngăn chặn phổ biến vũ khí hạt nhân và sử dụng năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình như được nêu trong Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT); trao đổi về việc tiếp cận cơ sở quân sự Parchin, nơi IAEA nghi ngờ Tehran đang tiến hành hoạt động sản xuất vũ khí hạt nhân. Hai bên cũng thảo luận việc "củng cố" IAEA để cơ quan này làm việc hiệu quả hơn và nhất trí mở rộng hợp tác "hiệu quả" trong các lĩnh vực nông nghiệp, y tế và công nghiệp...
Hiện tại, thái độ của các cường quốc phương Tây đối với cuộc khủng hoảng hạt nhân Iran được các nhà quan sát đặc biệt quan tâm. Trong một động thái mới, ngày 22-5, Nhà Trắng đã "dè dặt" bày tỏ hoan nghênh thỏa thuận mới đạt được giữa Iran và IAEA, song Người phát ngôn Nhà Trắng Jay Carney khẳng định, Mỹ vẫn sẽ tiếp tục gây áp lực và thực thi các biện pháp trừng phạt mới nhằm cảnh báo Tehran về cái giá sẽ phải trả nếu họ tiếp tục không tôn trọng các cam kết của mình. Washington sẽ chờ đợi việc Tehran cho phép các thanh sát viên quốc tế tiếp cận các cơ sở hạt nhân, tài liệu để xác định liệu chương trình hạt nhân của quốc gia Hồi giáo này có thực sự phục vụ các mục đích hòa bình hay không. Ngày 21-5, Thượng viện Mỹ đã nhất trí thông qua gói trừng phạt kinh tế mới đối với ngành dầu mỏ Iran; yêu cầu các công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán Mỹ khai rõ các mối quan hệ buôn bán với Iran cho giới chức tài chính. Trước đó, ngày 18-5, Hạ viện Mỹ do đảng Cộng hòa chi phối, đã chuẩn y việc sử dụng vũ lực chống Iran nếu nước này đe dọa Mỹ và các đồng minh của nước này bằng vũ khí hạt nhân. Động thái này mở đường cho việc sử dụng vũ lực, một nguyên tắc chủ chốt trong chính sách của Mỹ nhằm ngăn cản Iran sở hữu bom nguyên tử.
Về phần mình, chính quyền Tehran cũng có những phản ứng cứng rắn. Nhà đàm phán hạt nhân hàng đầu của Iran, ông Saeed Jalili tuyên bố, quốc gia Hồi giáo này sẽ không lùi bước trước áp lực của phương Tây và tố cáo các cường quốc phương Tây đang tiến hành cuộc chiến tranh tâm lý với người dân nước này. Ngày 22-5, Tehran cho biết đã đưa hai thanh nhiên liệu hạt nhân được làm giàu trong nước ở cấp độ 20% tới lò phản ứng nghiên cứu tại Tehran, một trong hai thanh đã được nạp vào lõi lò phản ứng, động thái khiến giới chức phương Tây lo ngại...
Bất chấp những tín hiệu tích cực đạt được trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng hạt nhân của Iran, dư luận cho rằng, sức ép vẫn không hề giảm. Chiêu bài gia tăng bao vây, cấm vận về kinh tế cùng với lăm le các biện pháp quân sự của phương Tây nhằm buộc Tehran lùi tham vọng hạt nhân tiếp tục được thể hiện.