Trách nhiệm bị bỏ quên

Đời sống - Ngày đăng : 07:23, 24/05/2012

(HNM) - Khảo sát điều kiện làm việc của CNLĐ một số ngành nghề dệt may, cơ khí, sản xuất vật liệu xây dựng trên địa bàn TP cho thấy, hầu như ở nơi nào cũng có

Tình trạng tiếng ồn cao, nhiều khói bụi, nơi quá nóng, nơi dầm mưa, hoặc đương đầu với hóa chất độc hại mà không có trang phục bảo hộ lao động tối thiểu như găng tay, khẩu trang; nữ CNLĐ có thai, hoặc nuôi con nhỏ vẫn phải nhận những công việc nặng nhọc, độc hại, trong khi không hiếm DN "quên" trách nhiệm…


Công nhân nhiều ngành nghề vẫn thiếu trang phục bảo hộ lao động tối thiểu.
Ảnh: Khánh Nguyên

Sống chung với độc hại, ô nhiễm

Nguyễn Văn Quân, 24 tuổi, quê ở Văn Lâm (Hưng Yên), công nhân may túi xách tại một DN trên địa bàn huyện Gia Lâm kể, hằng ngày làm việc từ 8 đến 10 giờ trong nhà xưởng lợp tôn, mùa hè nóng đến mức chiếc quạt cây thổi thẳng vào người mà vẫn toát mồ hôi. Quanh năm suốt tháng phải chịu tiếng ồn quá lớn từ hơn 300 chiếc máy vận hành liên tục, cùng lúc, gây đau đầu, những hôm sức khỏe kém thường có cảm giác tức ngực, khó thở.

Tương tự về ô nhiễm tiếng ồn, CNLĐ ngành cơ khí lại có nguy cơ bị điếc rất cao. Nguyễn Thanh Tuân, 30 tuổi, công nhân một DN chuyên sản xuất cơ khí ở KCN Vĩnh Tuy (quận Hoàng Mai) buồn rầu cho biết, làm việc trong môi trường tiếng ồn rất lớn do những chiếc máy cắt, máy đột, dập phát ra, Tuân luôn cảm thấy đau đầu, hậu quả là sau một năm, khả năng nghe của Tuân giảm đi rất nhiều, bị mọi người gọi là "Tuân điếc".

Những CNLĐ như Quân và Tuân không hiếm gặp. Điều đáng quan tâm là, vì thu nhập và mưu sinh, NLĐ không có nhiều cơ hội tránh công việc dễ bị bệnh nghề nghiệp như vậy.

Bắt đầu từ đâu?

Theo ông Đỗ Trần Hải, Viện trưởng Viện Nghiên cứu khoa học kỹ thuật bảo hộ lao động, hiện nay chỉ có khoảng 8% số DN có công nghệ tiên tiến, 75% sử dụng công nghệ trung bình và lạc hậu. Môi trường làm việc bị ô nhiễm là khó tránh. Công nghệ sản xuất lạc hậu và sự hạn chế trong đầu tư kiểm soát ô nhiễm môi trường khiến môi trường lao động trở nên mất an toàn. Ngoài yếu tố này, còn do DN muốn giảm thiểu chi phí, không chú ý cải thiện môi trường, trang bị bảo hộ lao động, nhiều DN còn cố tình "quên" khám sức khỏe định kỳ, điều trị bệnh kịp thời cho CNLĐ. Thực tế nếu mỗi CNLĐ khi khám SKĐK theo quy định bắt buộc, tốn phí từ 200 nghìn đồng trở lên thì một DN có 50 lao động, bỏ qua việc này, mỗi năm DN có thể "tiết kiệm" hàng chục triệu đồng.

Để giải quyết vấn đề này, theo Tiến sĩ Nguyễn Khắc Hải, Viện trưởng Viện Y học lao động và vệ sinh môi trường, cần nâng cấp hệ thống y tế lao động bắt đầu từ các DN, từ huyện, tỉnh đến TƯ. Các DN vừa và nhỏ phải có y sĩ, DN lớn phải có bác sĩ được đào tạo bài bản về y tế lao động. Nhiều chuyên gia an toàn lao động và cán bộ CĐ cho rằng, để giải quyết tận gốc vấn đề này, Nhà nước cần có cơ chế rõ ràng, có mức phạt cụ thể đủ sức răn đe, buộc chủ sử dụng lao động phải quan tâm cải thiện điều kiện lao động, bảo đảm an toàn cho NLĐ. Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát các dây chuyền công nghệ đang và sẽ nhập vào nước ta để tránh nhập dây chuyền công nghệ lạc hậu, bẩn, thải ra từ các nước tiên tiến. Củng cố, phát triển và hoàn thiện các phòng khám bệnh nghề nghiệp (BNN) theo hướng mỗi trung tâm y tế dự phòng cấp tỉnh, thành phải có ít nhất một phòng khám BNN. Có hệ thống điều trị phục hồi chức năng cho NLĐ bị BNN. Tăng cường giáo dục truyền thông, làm cho các cấp chính quyền, giới chủ và NLĐ hiểu rõ, thực hiện nghiêm các quy định pháp luật liên quan đến y tế lao động, phòng chống BNN.

Linh Nhi