Quy định hợp đồng lao động quá dài sẽ gây bất lợi cho người lao động

Chính trị - Ngày đăng : 15:27, 23/05/2012

(HNMO) – Ngày 23/5, thảo luận ở Hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Bộ Luật lao động (sửa đổi), các ý kiến chủ yếu tập trung làm rõ việc quy định mức trần thời gian của hợp đồng lao động xác định thời hạn, thời gian nghỉ thai sản của lao động nữ và tuổi nghỉ hưu của người lao động.


Các ý kiến chủ yếu tập trung làm rõ việc quy định mức trần thời gian của hợp đồng lao động xác định thời hạn, quy định thời gian làm thêm, qui định thời gian nghỉ thai sản của lao động nữ và tuổi nghỉ hưu của người lao động.

Quy định hợp đồng lao động quá dài sẽ gây bất lợi cho người lao động

Một trong những vấn đề nhận được sự quan tâm của nhiều đại biểu Quốc hội là quy định về hợp đồng lao động.

Trong báo cáo giải trình, tiếp thu, UBTVQH đưa ra 2 phương án quy định về hợp đồng lao động, cụ thể như sau:

"Điều 22. Loại hợp đồng lao động
Phương án 1
1. Hợp đồng lao động phải được giao kết theo một trong các loại sau đây:
a) Hợp đồng lao động không xác định thời hạn;
Hợp đồng lao động không xác định thời hạn là hợp đồng mà trong đó hai bên không xác định thời hạn, thời điểm chấm dứt hiệu lực của hợp đồng.
b) Hợp đồng lao động xác định thời hạn;
Hợp đồng lao động xác định thời hạn là hợp đồng mà trong đó hai bên xác định thời hạn, thời điểm chấm dứt hiệu lực của hợp đồng trong khoảng thời gian từ đủ 12 tháng đến 36 tháng.
c) Hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng.
2. Khi hợp đồng lao động quy định tại điểm b và điểm c khoản 1 Điều này hết hạn mà người lao động vẫn tiếp tục làm việc thì trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày hợp đồng lao động hết hạn nếu không ký kết hợp đồng lao động mới, hợp đồng đã giao kết trở thành hợp đồng lao động không xác định thời hạn.
Trường hợp hai bên ký kết hợp đồng lao động mới là hợp đồng xác định thời hạn thì cũng chỉ được ký thêm một lần, sau đó nếu người lao động vẫn tiếp tục làm việc thì phải ký kết hợp đồng lao động không xác định thời hạn.
3. Không được giao kết hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định mà thời hạn dưới 12 tháng để làm những công việc có tính chất thường xuyên từ 12 tháng trở lên, trừ trường hợp phải tạm thời thay thế người lao động đi làm nghĩa vụ quân sự, nghỉ theo chế độ thai sản, ốm đau, tai nạn lao động hoặc nghỉ việc có tính chất tạm thời khác.

Phương án 2
1. Hợp đồng lao động phải được giao kết theo một trong các loại sau đây:
a) Hợp đồng lao động không xác định thời hạn;
Hợp đồng lao động không xác định thời hạn là hợp đồng mà trong đó hai bên không xác định thời hạn, thời điểm chấm dứt hiệu lực của hợp đồng.
b) Hợp đồng lao động xác định thời hạn;
Hợp đồng lao động xác định thời hạn là hợp đồng mà trong đó hai bên xác định thời hạn, thời điểm chấm dứt hiệu lực của hợp đồng trong khoảng thời gian từ đủ 12 tháng đến tối đa 72 tháng.
c) Hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng.
2. Khi hợp đồng lao động quy định tại điểm b và điểm c khoản 1 Điều này hết hạn nếu người lao động vẫn tiếp tục làm việc thì trong thời hạn 30 ngày hai bên phải ký kết hợp đồng lao động mới, nếu không ký kết hợp đồng lao động mới, hợp đồng đã giao kết trở thành hợp đồng lao động không xác định thời hạn.
Trường hợp hai bên ký kết hợp đồng lao động mới là hợp đồng xác định thời hạn thì cũng chỉ được ký thêm một lần nhưng tổng thời hạn của cả hai lần ký không quá 72 tháng, sau đó nếu người lao động vẫn tiếp tục làm việc thì phải ký kết hợp đồng lao động không xác định thời hạn.
3. Không được giao kết hợp đồng lao động mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định mà thời hạn dưới 12 tháng để làm những công việc có tính chất thường xuyên từ 12 tháng trở lên, trừ trường hợp phải tạm thời thay thế người lao động đi làm nghĩa vụ quân sự, nghỉ theo chế độ thai sản, ốm đau, tai nạn lao động hoặc nghỉ việc có tính chất tạm thời khác".


Góp ý về nội dung này, đại biểu Nguyễn Văn Tuyết - Bà Rịa - Vũng Tàu ủng hộ phương án 1. Theo đại biểu Tuyết, khi thiết lập quan hệ hợp đồng lao động vì nhiều lý do, việc làm sẽ khiến người lao động chấp nhận những cam kết mà họ không mong muốn. Vì vậy, nếu thiết lập quan hệ quá dài sẽ dẫn đến bất lợi cho người lao động, thời hạn hợp đồng lao động vừa phải sẽ tạo điều kiện cho người lao động khi thiết lập lại quan hệ sẽ có cơ hội thỏa thuận cao hơn. Hơn nữa, ở phương án thứ hai, mức tối đa giao kết hợp đồng chỉ là 72 tháng, mức trần tối đa giữ nguyên. Vì vậy, không nhất thiết phải qui định loại hợp đồng 72 tháng, bởi như vậy sẽ khó bảo vệ quyền lợi cho người lao động.

Ủng hộ phương án 1, đại biểu Lê Văn Hoàng - TP Đà Nẵng cho rằng, phương án này cho phép người lao động và chủ sử dụng lao động chủ động ký hợp đồng lần thứ nhất có thời hạn từ 12 tháng đến 36 tháng, trường hợp 2 bên ký hợp đồng lao động mới, loại hợp đồng xác định thời hạn thì cũng chỉ ký thêm một lần. Nếu người lao động phù hợp với công việc được tuyển dụng thì người sử dụng lao động dễ dàng quyết định việc ký hợp đồng không xác định thời hạn. Trường hợp cố tình sử dụng người lao động mà không muốn ràng buộc hợp đồng lâu dài thì cũng bị pháp luật hạn chế vì đã 2 lần ký hợp đồng ngắn hạn.

Bên cạnh đó, người lao động không phù hợp với công việc thì quy định thời hạn 3 năm cũng thuận lợi cho cả 2 bên chấm dứt hợp đồng và người lao động còn thời gian để tiếp tục làm những công việc khác. Cho nên, tôi thấy phương án 1 đây là phương án có tính khả thi cao hơn.

Chung quan điểm, các đại biểu Nguyễn Trung Thu - Long An, Đỗ Văn Vẻ - Thái Bình cho rằng, nếu kéo dài hợp đồng có thời hạn 72 tháng như phương án hai thì sẽ gây thiệt hại cho người lao động. Vì trong quá trình làm việc theo hợp đồng, có nhiều chính sách thay đổi theo từng thời điểm nhưng người lao động không thể yêu cầu người sử dụng lao động sửa đổi, bổ sung các nội dung có liên quan trong hợp đồng đã ký kết ban đầu. Hơn nữa, nếu hợp đồng xác định thời hạn quá dài sẽ dẫn đến hết thời hạn hợp đồng, người lao động lúc đó tuổi đã cao, sẽ xảy ra khả năng doanh nghiệp không tuyển dụng nữa và người lao động không thể tìm được việc làm mới.

“Thực tế hiện nay đã có rất nhiều doanh nghiệp thực hiện hợp đồng lao động có thời hạn dạng chuỗi, mỗi năm ký hợp đồng lại một lần để tránh việc nâng lương cho người lao động”, đại biểu Thu nói.


Tuy nhiên, cũng có ý kiến ủng hộ phương án 2, như đại biểu Nguyễn Thị Khá (Tám Khá) - Trà Vinh. Đại biểu Khá phân tích, giữa phương án 1 và phương án 2 cơ bản nó không khác nhau, phương án 1 từ 12-36 tháng và được ký thêm một lần thì tổng số cũng là 72 tháng. Phương án 2 tổng số cũng là 72 tháng nhưng nó có sự linh hoạt, mềm dẻo, có thể người sử dụng lao động thỏa thuận ký lần đầu 12 tháng và lần sau họ tùy theo công việc, tùy theo nhu cầu và được thỏa thuận công bằng giữa đôi bên, thống nhất giữa đôi bên, họ có thể ký 60 tháng nữa, nhưng phải đảm bảo tổng số hai lần ký không quá 72 tháng.

“Tôi đề nghị phương án 2 để có sự mềm dẻo hơn”, đại biểu Khá nói.

Nhất trí với quy định cho phụ nữ nghỉ sinh 6 tháng

Quy định cho phụ nữ nghỉ sinh 6 tháng được đa số đại biểu ủng hộ. Theo đại biểu Nguyễn Thị Khá – Trà Vinh, tất cả những người lao động khi nghỉ thai sản đều được nghỉ 6 tháng như nhau, kể cả trước và sau khi sinh, do họ tự cân đối sức khỏe của họ. Tuy nhiên, đại biểu Khá cũng đề nghị, một số ngành đặc thù như về lao động trí óc, lao động hành chính.... nhẹ nhàng, không độc hại, khi nghỉ đủ 4 tháng, người mẹ có thể đi làm nhưng phải có sự thỏa thuận giữa hai bên.

Đồng quan điểm, đại biểu Nguyễn Thị Thanh Hòa - Bắc Ninh cho rằng, việc phụ nữ sinh con cho nghỉ 6 tháng là xứng đáng. Đối với một số trường hợp đặc biệt, đại biểu Hòa ủng hộ việc nâng thêm thời gian nghỉ thai sản.

“Thực tế một người lao động cũng chỉ sinh có 2 con, nếu cả cuộc đời lao động ít nhất 20 năm thì có 2 lần nghỉ 6 tháng tôi nghĩ chúng ta cũng không nên tiếc. Phụ nữ mỗi một lần sinh các cụ thường nói đây là lần vượt cạn, mà lần vượt cạn một mình rất nguy hiểm, chúng ta thấy chỉ sơ sẩy một chút là có khi mất cả tính mạng”, đại biểu Hòa nói.

Đại biểu Cù Thị Hậu - Hưng Yên cũng nhất trí, nên tính đến một phương án nếu 6 tháng cho tất cả mọi đối tượng thì những người lao động nặng nhọc, độc hại nên là 7 tháng.

“Phải có một quy định rõ ràng như vậy chứ nếu chúng ta cứ đồng loạt như nhau, những người lao động trong khu vực hành chính sự nghiệp họ có thể đi sớm, về muộn một chút, buổi trưa về cho con bú được nhưng công nhân đã bị cái máy trói chặt chân không thể đi đâu được và cũng không cho con bú được. Do đó, tôi đề nghị nên nghiên cứu đối với đối tượng người lao động làm việc trong khu vực nặng nhọc, độc hại”, đại biểu Hậu đề nghị.

Ủng hộ thời gian nghỉ sinh 6 tháng, đại biểu Ngô Thị Minh - Quảng Ninh đề nghị thêm, cần quy định rõ trách nhiệm của cơ quan sử dụng lao động nữ khi họ nghỉ sinh con xong bị mất việc hoặc họ không còn được ở vị trí trước khi họ nghỉ sinh con và trách nhiệm của gia đình, những người chồng không tạo điều kiện cho vợ được chăm sóc (kể cả vật chất và tinh thần) trong thời gian nghỉ sinh con, hoặc cơ quan bảo hiểm không thanh toán kịp thời tiền bảo hiểm cho người phụ nữ nghỉ sinh con...

Đại biểu Phạm Đức Châu - Quảng Trị lưu ý thêm trường hợp cần có quy định nếu người mẹ sau khi sinh mà chết trong thời kỳ nghỉ thai sản thì sẽ giải quyết như thế nào đối với người bố, người chồng, người cha?

“Tôi nghĩ cần phải có quy định này để đảm bảo việc chăm sóc tốt hơn cho đứa trẻ, nếu không may sau khi sinh mẹ bị chết thì cần phải có quy định trong luật. Luật bảo hiểm xã hội có quy định về trả bảo hiểm xã hội chứ không quy định cho người cha được nghỉ”, đại biểu Châu nói.

Nam, nữ có tuổi nghỉ hưu khác nhau không có nghĩa là không bình đẳng

Dẫu vẫn còn một số ít ý kiến ủng hộ phương án nâng độ tuổi nghỉ hưu của lao động nữ lên bằng với tuổi nghỉ hưu của nam giới như hiện nay, nhưng đại đa số đại biểu ủng hộ việc giữ nguyên tuổi nghỉ hưu theo luật hiện hành.

Đại biểu Lê Đắc Lâm - Bình Thuận cho rằng, quy định tuổi nghỉ hưu như hiện hành: nam 60 tuổi, nữ 55 tuổi và đối với một số đối tượng là người lao động công việc nặng nhọc, độc hại, làm việc ở vùng cao, biên giới, hải đảo hoặc người có trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao, người lao động làm công tác quản lý và một số trường hợp đặc biệt khác thì theo quy định của Chính phủ là phù hợp.

“Không nên nam nữ nghỉ hưu bằng nhau, nữ nghỉ hưu bằng như nam. Như thế không có nghĩa là không bình đẳng mà tôi nghĩ đó là sự bình đẳng. Đối với phụ nữ, ngoài việc lo công việc của xã hội, công tác việc làm như nam còn phải lo công việc gia đình với thiên chức của người phụ nữ thì quá là khó khăn trong điều kiện hiện nay. Tôi có tìm hiểu, gặp gỡ nhiều lao động nữ, họ đều có mong muốn được nghỉ hưu sớm hơn để có điều kiện chăm lo công việc gia đình”, đại biểu Lâm nói.

Đại biểu Trần Ngọc Vinh - TP Hải Phòng cũng nhất trí giữ nguyên như quy định hiện hành. Với trường hợp nghỉ hưu ở tuổi cao hơn, mặc dù luật đã quy định một khung là không quá 8 năm, đại biểu Vinh đề nghị thêm, để làm chặt, những đối tượng này không được giữ ở cương vị lãnh đạo.

Cũng trong phiên làm việc hôm nay, các đại biểu thảo luận về một số nội dung còn nhiều ý kiến khác nhau của dự thảo Luật bảo hiểm tiền gửi và nghe Tờ trình đề nghị Quốc hội bãi nhiệm tư cách đại biểu Quốc hội đối với bà Đặng Thị Hoàng Yến, đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Long An.

H.V