Giữ bình yên cho biển

Chính trị - Ngày đăng : 06:52, 23/05/2012

(HNM) - Với chức năng là lực lượng chuyên trách của Nhà nước thực hiện quản lý về an ninh, trật tự, an toàn (ANTTAT) trên biển, lực lượng Cảnh sát Biển (CSB) Việt Nam đang phát huy vai trò là lực lượng nòng cốt cùng với các lực lượng khác thực hiện nhiệm vụ phối hợp quản lý nhà nước về ANTTAT trên biển.


Cảnh sát Biển được đầu tư, trang bị phương tiện hiện đại.

Theo số liệu thống kê của Cục CSB, từ năm 2005 đến nay, tại các vùng biển nước ta đã xảy ra hơn 6.000 vụ phạm pháp hình sự. Mặt khác, tình trạng đối tượng, phương tiện nước ngoài xâm phạm an ninh, chủ quyền biển, đảo của Việt Nam để nắm tình hình hoặc khai thác trộm tài nguyên biển cũng đang gia tăng về số lượng.

Hoạt động buôn lậu, buôn bán hàng giả và gian lận thương mại trên các vùng biển Việt Nam rất phức tạp, với nhiều lĩnh vực, trong đó tập trung vào 5 nhóm hàng chính là khoáng sản, gỗ quý, hàng điện tử, xăng dầu và pháo các loại. Các đối tượng buôn lậu, buôn bán hàng giả, gian lận thương mại dùng nhiều thủ đoạn khác nhau nhằm trốn tránh các cơ quan, lực lượng thực thi pháp luật trên đất liền và trên biển.

Thượng úy Trần Đức Thắng, Thuyền trưởng tàu CSB 3004, Hải đội 101, Vùng CSB 1 kể lại: Vào lúc 5 giờ ngày 3-3-2012, tàu 3004 tuần tra, kiểm soát tại khu vực quần đảo Long Châu, đã phát hiện và kiểm tra hai tàu hàng mang số hiệu QN 3519 do Vũ Đình Văn, sinh năm 1967, quê Quảng Ninh làm thuyền trưởng, cùng 6 thuyền viên chở 1.500 tấn than cám và tàu Quang Dũng 71, mang số hiệu HN 2332 do Nguyễn Thế Hữu, sinh năm 1967, quê Nam Định làm thuyền trưởng, cùng 5 thuyền viên chở gần 1.500 tấn quặng. Số than, quặng trên đều không có giấy tờ chứng minh hàng hóa hợp pháp và cả hai tàu này đều chở lượng hàng vượt trọng tải cho phép.

Bên cạnh các thủ đoạn về hồ sơ, giấy tờ, các đối tượng thường hoạt động vào ban đêm, hoặc lợi dụng các đảo ven bờ, dùng phương tiện được trang bị khá hiện đại để tránh các phương tiện của các lực lượng tuần tra trên biển, chạy trốn hoặc tẩu tán hàng hóa khi cần. Đặc biệt, có nhiều phương tiện dùng biển kiểm soát giả khi hành trình trên biển và đổ dầu bóng lên mặt boong để ngăn chặn, gây khó khăn cho cán bộ, chiến sĩ thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, kiểm soát. Ngoài ra, hoạt động vận chuyển, mua bán trái phép các chất ma túy trên biển cũng diễn biến hết sức phức tạp. Đã có nhiều vụ vận chuyển ma túy với số lượng lớn bằng đường biển đã được phát hiện trong những năm gần đây.

Hiện nay, CSB Việt Nam đã được trang bị các loại tàu hiện đại, như tàu tuần tra cao tốc TT 400, TT 200, TT 120, tàu kéo cứu nạn 3.500 mã lực, các thiết bị trinh sát, phòng chống tội phạm ma túy. Đại tá Nguyễn Văn Tương, Chính ủy Cục CSB cho biết, tới đây, CSB sẽ đưa vào hoạt động tàu CSB đa năng DN 2000 và máy bay tuần thám biển CaSa 212-400. Công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật và công tác bảo đảm an toàn hàng hải cho bà con ngư dân được thực hiện bằng nhiều hình thức khác nhau như: in ấn cấp phát tờ rơi, in sao băng đĩa hình, cử cán bộ chuyên môn đi các âu cảng, làng chài để tuyên truyền, đặc biệt là tuyên truyền trên các kênh thông tin đại chúng. CSB sẽ tăng cường sự phối hợp với các lực lượng chức năng; đồng thời hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật quy định nhiệm vụ, mối quan hệ; xây dựng cơ chế lãnh đạo, chỉ huy, điều hành thống nhất giữa các lực lượng; hoàn thiện về tổ chức, biên chế, trang bị của lực lượng để nâng cao khả năng thực thi pháp luật trong quản lý, bảo vệ biển, đảo, phát huy thế trận quốc phòng - an ninh trên biển, đảo.

Bài, ảnh: Đức Hạnh