“Bóng ma” trở lại?

Luận đàm thời sự - Ngày đăng : 06:23, 23/05/2012

(HNM) - Hội nghị Thượng đỉnh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tại thành phố Chicago, bang Illinois (Mỹ) với sự tham dự của lãnh đạo hơn 50 quốc gia trên thế giới đã bế mạc chiều 21-5.

Với Washington, cuộc gặp thượng đỉnh NATO trong hai ngày qua có tầm quan trọng đặc biệt, bởi nó được tổ chức tại Mỹ sau 13 năm và diễn ra ngay tại thành phố Chicago - quê hương của Tổng thống Barack Obama. Trong bối cảnh chỉ còn 6 tháng nữa là đến ngày bầu cử tổng thống, đây là cơ hội để ông chủ Nhà Trắng gia tăng điểm số trong cái nhìn của các cử tri qua cách khẳng định vai trò lãnh đạo thế giới của Mỹ tại hội nghị. Vì thế, Nhà Trắng đã xây dựng một chương trình nghị sự dày đặc gồm 6 vấn đề quan trọng liên quan tới an ninh toàn cầu. Và, bất chấp các cuộc biểu tình rầm rộ của hàng ngàn người phản đối sự hiện diện của các nhà lãnh đạo NATO, đồng thời kêu gọi giải tán "cỗ máy chiến tranh" này, Hội nghị vẫn kết thúc với Tuyên bố chung Chicago, khẳng định cam kết quan hệ đồng minh xuyên Đại Tây Dương. Qua đó, các nhà lãnh đạo NATO không quên vạch rõ tương lai của các chiến dịch quân sự ở Afghanistan; đồng thời bảo đảm cho liên minh quân sự này có đủ khả năng đối phó với cái gọi là những "mối đe dọa toàn diện".

Song vấn đề gây chú ý đối với dư luận quốc tế tại Hội nghị lớn nhất của NATO từ trước tới nay này là tuyên bố khởi động giai đoạn đầu của Hệ thống phòng thủ tên lửa Châu Âu (NMD) có tên gọi "Năng lực tạm thời" gồm một hệ thống radar tại Thổ Nhĩ Kỳ, các tàu chiến trang bị tên lửa đánh chặn ở Địa Trung Hải, Trung tâm Chỉ huy và Kiểm soát được đặt tại Ramstein (Đức). Động thái nhạy cảm này không chỉ thổi bùng những âm ỉ gây bất hòa trong quan hệ vốn nhiều khúc mắc và nghi kỵ giữa NATO và Nga, mà còn làm rõ nguy cơ tái sinh "bóng ma" thời kỳ Chiến tranh Lạnh.

Trên thực tế, dự án NMD gồm 4 giai đoạn đã được Mỹ theo đuổi suốt 30 năm qua trong khuôn khổ chương trình phòng thủ quốc gia chống tên lửa đạn đạo. Sau khi Tổng thống Mỹ B.Obama và Tổng thống Nga D.Medvedev "nhấn nút" tái thiết lập mối quan hệ vào năm 2009, dư luận quốc tế kỳ vọng hai cường quốc hạt nhân hàng đầu thế giới sẽ khép lại bất đồng để bước sang thời kỳ đối thoại có tính xây dựng hơn, đồng thời tìm ra tiếng nói chung trong nhiều vấn đề song phương và đa phương. Tuy nhiên, hy vọng thành công của chính sách tái khởi động quan hệ hai nước đã nhanh chóng lụi tàn xung quanh tham vọng không ngừng về NMD của Washington. Ngoài ra, quan điểm khác biệt giữa hai bên về giải pháp giải quyết bất ổn tại Trung Đông và Bắc Phi, về tình hình hạt nhân tại Iran và vấn đề Syria cũng là những yếu tố mới đe dọa đưa quan hệ Nga - Mỹ quay lại thời kỳ băng giá, bởi còn quá ít nền tảng để xây dựng niềm tin giữa hai "cựu thù".

Đến lúc này, nếu bi quan, có thể nói rằng quá trình "tái khởi động" quan hệ Nga - Mỹ đã bị hủy bỏ. Còn nếu lạc quan hơn, có thể nhận định việc "tái khởi động" quan hệ Nga - Mỹ chưa kết thúc, mà mới chỉ… lâm nguy. Với việc nhà lãnh đạo Vladimir Putin vừa trở lại vị trí Tổng thống nước Nga và nước Mỹ đang triển khai năm bầu cử, có rất ít cơ hội từ cả hai phía để thực hiện các bước đi lớn hướng tới một sự hòa giải. Không khó để phát hiện dấu hiệu của sự lạnh nhạt giữa Mátxcơva - Washington trong giai đoạn hiện nay nếu nhìn lại quyết định của Tổng thống Mỹ B.Obama không tham dự hội nghị cấp cao Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương (APEC) dự kiến diễn ra từ ngày 1 đến 8-9, tại Nga với lý do bận rộn cho chiến dịch vận động tranh cử. Trước đó, Tổng thống Nga V.Putin cũng đã hủy bỏ kế hoạch sang Mỹ tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển hàng đầu thế giới (G8) diễn ra ngay trước Hội nghị Thượng đỉnh NATO tại Mỹ vì lý do bận xúc tiến thành lập nội các mới.

Sau những gì vừa diễn ra, có thể thấy, phương Tây khó đổi hướng chính sách gây sức ép nhằm cô lập Nga trên trường quốc tế bằng thái độ thiện chí theo quan điểm chung sống hòa bình thực sự như họ vẫn tuyên bố. Trong khi đó, với sức mạnh mới, Mátxcơva không dễ dàng chấp nhận những âm mưu "thọc gậy bánh xe" nhằm kìm hãm sự phát triển của xứ Bạch dương trên trường quốc tế. Điện Kremlin cũng không hề che giấu ý định xây dựng một thế giới đa cực nhằm phá bỏ cục diện một thế giới mà ở đó Mỹ chiếm ưu thế, vốn kéo dài từ thời kỳ kết thúc Chiến tranh Lạnh tới nay. Tóm lại, sự nghi kỵ vẫn là rào cản lớn nhất khiến quan hệ ba bên Mỹ - NATO và Nga không thể sớm tìm ra hướng đi chung nhằm mang lại ổn định then chốt cho vấn đề an ninh toàn cầu.

Lâm Phương