Cuộc đảo chiều từ nợ công
Luận đàm thời sự - Ngày đăng : 07:08, 22/05/2012
Thắng lợi với 50,21% số phiếu bầu, hơn đối thủ gần 4 điểm cách biệt, không chỉ giúp nhà lãnh đạo 60 tuổi trả được "món nợ" của hai kỳ bầu cử trước, phá tan tham vọng đắc cử 3 lần liên tiếp của đương kim Tổng thống Serbia Boris Tadic, mà còn cho thấy tác động khủng khiếp của cuộc khủng hoảng Khu vực đồng tiền chung Châu Âu (Eurozone) lên chính trường các quốc gia Cựu lục địa. Sự lên ngôi sau hai lần thất bại liên tiếp của một chính trị gia Serbia trong bầu cử Tổng thống không chỉ khẳng định cuộc đảo chiều rõ rệt của các cử tri Serbia mà còn cho thấy một cái nhìn thực tế hơn của người dân châu lục trước một Liên minh Châu Âu (EU) đang lùi bước về kinh tế.
Không thể phủ nhận, trong nhiều năm qua, EU luôn được coi là câu lạc bộ của các thành viên giàu có và gia nhập "ngôi nhà chung" này luôn là một bảo đảm cả về chính trị lẫn kinh tế khiến các quốc gia "đứng ngoài" phải khao khát. Vì thế, làn sóng kết nạp thành viên đã dậy lên từ năm 2004 đến năm 2007, đưa số lượng thành viên từ 15 lên 27 và EU tiếp tục là "giấc mơ" của người dân ở các quốc gia vùng Balkan như Croatia, Serbia. Do đó, không mấy ngạc nhiên khi bản lộ trình đầy "mùi mẫn" tới "miền đất hứa" EU đã giúp ông B.Tadic làm nên chiến thắng liên tiếp của mình trong các cuộc bầu cử Tổng thống Serbia nhiệm kỳ năm 2004 và 2008.
Tuy nhiên, thực tế giờ đây đã khác với những gì từng diễn ra cách đây 3 năm. Một Châu Âu vốn là biểu tượng của sự thịnh vượng, thống nhất đang biến thành tâm điểm của một cuộc khủng hoảng tài chính và đứng trước nguy cơ rời rã từng bộ phận do tốc độ gặm nhấm kinh hoàng của những món nợ công khó trả. Các khiếm khuyết của mô hình tài chính EU được áp đặt bởi ý chí chính trị nhất thể lỏng lẻo đang ngày lộ rõ. Sự thiếu đồng nhất trong chính sách tài chính giữa các thành viên trong liên minh tiền tệ lớn nhất thế giới này đang làm "vô hiệu hóa" mọi phương thuốc mà các nhà lãnh đạo châu lục từng tung ra. Hậu quả là, danh sách các quốc gia lâm vào khủng hoảng dưới cái tên chung "khủng hoảng Eurozone" ngày càng được nối dài. Sau Hy Lạp, Ireland và Bồ Đào Nha - ba quốc gia phải cầu viện tới gói cứu trợ của EU và Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) - nay đến lượt Tây Ban Nha và Italia ngấp nghé bờ vực phá sản khi mức tín nhiệm tín dụng của hai quốc gia này liên tục bị hạ bệ. Nền kinh tế của nhiều quốc gia một thời được xếp vào hàng đầu của châu lục đã không thể thoát khỏi trình trạng "ngủ đông" dài hạn. Điều đáng nói là, vượt qua các nỗ lực giải cứu, "bệnh tình" của đồng euro đến nay vẫn chưa thoát cơn nguy kịch. Sự bất lực này cho thấy EU và các đồng minh tài chính không thể khắc phục được khủng hoảng theo kiểu "chữa cháy" bằng cách xóa bỏ một phần những món nợ như đã đang thực hiện với Hy Lạp. Một cách rõ ràng hơn, cả hệ thống tài chính của Lục địa già đang đứng trước nguy cơ nổ tung dưới sức nặng và tình trạng tê liệt do các món nợ khổng lồ gây ra.
Đằng sau sự thay đổi đang diễn ra tại một Châu Âu phồn hoa là một hiện thực tàn khốc không dễ dàng chấp nhận rằng, Châu Âu đang mất dần vị trí trung tâm khi những khó khăn về kinh tế kéo theo những hệ lụy ghê gớm làm đảo lộn chính trường trên phạm vi toàn khu vực. Hơn 10 chính phủ trong EU đã sụp đổ. Khủng hoảng xã hội đang là nỗi lo thường trực với nhiều chính phủ. Do đó thật dễ hiểu tại sao "giấc mơ" EU ngày nào giờ đang bị nhiều nước xem xét lại. Thậm chí, ngay cả người dân ở những quốc gia thành viên cũng không còn muốn trung thành với liên minh. Không phải ngẫu nhiên khi nhiều nhà phân tích chính trị khu vực cho rằng, không phải các nhà lãnh đạo các nước mà chính cử tri sẽ khai trừ các quốc gia ra khỏi EU. Nhận định này đã và đang xảy ra tại Hy Lạp khi các chính đảng ủng hộ "thắt lưng buộc bụng" để đổi lấy gói cứu trợ của EU và IMF đều bị hạ bệ trong cuộc bầu cử quốc hội vừa qua. Trong khi đó, người dân Croatia - quốc gia láng giềng của Serbia, vừa được trao chiếc chìa khóa để chính thức gia nhập EU vào năm 2013 - đã tỏ ra bối rối vì không rõ liệu "ngôi nhà chung" có thể đứng vững trong "cơn trọng bệnh".
Đây cũng là một giải thích hợp lý cho chiến thắng được cho là khá bất ngờ của ông T. Nicolic - người đã thay đổi đường lối tranh cử từ hướng thân Nga sang xu thế trung dung hơn - khi không chấp nhận đưa Serbia vào EU bằng mọi giá, nhất là trong bối cảnh hiện nay.