Nạn kinh doanh thực phẩm bẩn gia tăng

Kinh tế - Ngày đăng : 07:06, 22/05/2012

(HNM) - Từ đầu năm đến nay, Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) Hà Nội cùng lực lượng liên ngành liên tục bắt giữ nhiều loại thực phẩm kém chất lượng nhập lậu vào nội địa để tiêu thụ.


Nội tạng nhập lậu bị lực lượng QLTT thu giữ. Ảnh: Trung Kiên

Thời gian qua, hoạt động buôn lậu, sản xuất, vận chuyển buôn bán thực phẩm không bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) vẫn diễn biến phức tạp. Ngày 10-5 mới đây, Chi cục QLTT Hà Nội phối hợp với lực lượng liên ngành đã kiểm tra, bắt giữ 4 xe ô tô tải chở hơn 5,4 tấn gà không có chứng từ chứng minh nguồn gốc, không có giấy chứng nhận kiểm dịch theo quy định, đang trên đường đi tiêu thụ. Trước đó, Đội QLTT số 30 và Đội 7 cùng lực lượng chức năng phát hiện, tạm giữ xe của chủ hàng Trần Đức Hiếu tại Đan Phượng (Hà Nội) vận chuyển 3,5 tấn gà được nhập lậu từ Trung Quốc, sẽ được đưa về tiêu thụ chủ yếu tại các chợ quận Hà Đông và huyện Thường Tín...

Chi cục QLTT phối hợp với lực lượng chức năng còn điều tra, phát hiện và xử lý nhiều vụ vận chuyển, kinh doanh thực phẩm kém chất lượng, đã quá hạn sử dụng. Đội QLTT số 17 phối hợp với Phòng PC46 (CATP Hà Nội) kiểm tra kho lạnh của ông Nguyễn Duy Tâm, tại Bình Đà (Thanh Oai, Hà Nội) phát hiện hơn 20 tấn thịt, đuôi, chân, xương bò... không rõ nguồn gốc có hiện tượng phân hủy, không có giấy chứng nhận kiểm dịch thú y. Trước đó, Đội kiểm tra Công ty CP Xuất nhập khẩu Bách Hợp, phát hiện một lượng lớn thực phẩm chế biến đã hết hạn sử dụng, gồm 4,6 tấn thịt nguội các loại, bơ, phomát, xúc xích; 2 tấn bánh, kẹo, mỳ, bột kem... Đội QLTT số 11 phối hợp với Đội kiểm tra tuyến CA TP Hà Nội và lực lượng chức năng kiểm tra container mang biển số 60P-2008 đã phát hiện hơn 20 tấn chân, đuôi, nội tạng bò đang trong quá trình phân hủy...

Các loại hàng nêu trên đều chưa qua kiểm dịch, đe dọa sức khỏe người sử dụng, nhất là trong thời điểm nắng nóng dễ bùng phát nhiều dịch bệnh như hiện nay. Tuy nhiên, để xử lý triệt để tình trạng này là bài toán nan giải. Trong khi các loại hóa chất bảo quản thực phẩm độc hại ngày một nhiều, thì phương tiện phân tích không đáp ứng được yêu cầu. Vì vậy, lực lượng chức năng thiếu cơ sở để đưa ra khuyến cáo cụ thể về mức độ nguy hại của thực phẩm "bẩn". Một số văn bản quy phạm pháp luật chậm được ban hành, gây khó khăn cho việc thực thi công vụ của các lực lượng, như Luật An toàn thực phẩm có hiệu lực từ ngày 1-7-2010, nhưng đến nay vẫn chưa có nghị định hướng dẫn thi hành. Chế tài xử phạt đối với hành vi sản xuất, buôn bán những mặt hàng vi phạm ATVSTP chưa được cụ thể hóa trong một văn bản mang tính thống nhất, toàn diện và đủ sức răn đe. Từ trước đến nay, chưa có trường hợp nào bị xử lý hình sự về tội vi phạm quy định về ATVSTP vì không chứng minh được hành vi gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khỏe con người. Hiện nay, hành vi sản xuất, kinh doanh thực phẩm bẩn mới chỉ bị xử phạt hành chính, mức phạt lại quá thấp, không đủ sức răn đe.

Để góp phần giải quyết triệt để tình trạng nêu trên, các cấp có thẩm quyền cần sớm bổ sung, hoàn thiện hệ thống văn bản, chế tài để xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Chi cục QLTT Hà Nội cùng lực lượng liên ngành đẩy mạnh kiểm tra, kiểm soát nguồn hàng thực phẩm tươi sống, chế biến tại các cửa khẩu vào TP, các chợ, siêu thị... xử lý kịp thời vi phạm.

Thanh Hiền