Cần nhiều điểm bán hàng cố định

Xã hội - Ngày đăng : 07:02, 22/05/2012

(HNM) - Thời gian qua, các chuyến đưa hàng Việt với những sản phẩm chất lượng, giá thành hợp lý về nông thôn đã nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của người dân địa phương, thu hút được số lượng lớn người tiêu dùng (NTD) đến mua sắm.


Ngày càng có nhiều chuyến hàng về nông thôn, khu công nghiệp.

Theo Sở Công thương, nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân khu vực nông thôn, người lao động các khu công nghiệp, khu chế xuất (KCN-KCX), các chuyến bán hàng lưu động đã, đang được tổ chức liên tục gắn với cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" và các chương trình bình ổn giá. Năm nay, Hà Nội tổ chức khoảng 400 chuyến hàng lưu động tại 19 huyện, thị xã; ngoài ra, còn có 24 chuyến bán hàng chính sách xã hội cho đồng bào miền núi. Chương trình thực hiện theo hình thức bán hàng trên xe ô tô chuyên dụng hoặc các gian hàng nhỏ. Sở Công thương đã giao cho Tổng Công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) và các đơn vị thành viên tổ chức 334 chuyến hàng lưu động tại 19 huyện, thị xã; 24 chuyến bán hàng chính sách xã hội có trợ cước vận chuyển cho đồng bào miền núi. Đồng thời, giao cho Công ty CP Sản xuất và Thương mại An Việt đưa hàng về 15 KCN-KCX. Tại mỗi huyện, KCN-KCX, các đơn vị sẽ tổ chức hai phiên chợ Việt ở những khu vực đông dân cư, liên xã trong khoảng 2-5 ngày, với các mặt hàng thực phẩm chế biến, quần áo, giày dép, đồ dùng học tập, văn phòng phẩm… Các DN tham gia đều cam kết hàng hóa bảo đảm chất lượng, có xuất xứ rõ ràng, giá bán phù hợp với đặc điểm của từng khu vực; tổ chức nhiều chương trình khuyến mãi, quảng bá sản phẩm, hàng hóa và dịch vụ, nhằm thu hút và khuyến khích NTD sử dụng hàng Việt Nam.

Đưa hàng Việt về nông thôn, KCN-KCX là hoạt động hữu hiệu, giúp người dân mua được hàng "nội" chất lượng tốt, giá phù hợp và kích thích sản xuất trong nước. Từ đầu năm đến nay, Sở Công thương đã tổ chức hơn 100 chuyến hàng về nông thôn, KCN-KCX, triển khai nhiều chương trình kích cầu tiêu dùng, bình ổn giá các mặt hàng thiết yếu. Các chuyến đưa hàng Việt với những sản phẩm chất lượng, giá hợp lý về nông thôn đã nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của người dân địa phương, thu hút được số lượng lớn NTD đến mua sắm. Tuy nhiên, phần lớn người dân khi đến mua hàng đều mong muốn có những điểm bán hàng Việt cố định, chứ không đơn thuần chỉ là những chuyến hàng lưu động.

Các DN tham gia chương trình đưa hàng về nông thôn cho biết, khó khăn nhất trong việc bán hàng về nông thôn hiện nay là hạ tầng thương mại nông thôn còn yếu và đang bị bỏ trống. Thực tế, việc phát triển các điểm bán hàng mà cụ thể là phát triển chợ nông thôn một cách quy củ không phải dễ thực hiện. Kinh nghiệm của tỉnh Vĩnh Phúc cho thấy, ở những khu vực trung tâm, đô thị nhỏ còn dễ "gọi" đầu tư, nhưng về các xã, vùng sâu, vùng xa thì rất khó khăn, dù TP có cả cơ chế hỗ trợ vốn. Nhiều ý kiến khẳng định, để đẩy mạnh bán hàng về nông thôn, rất cần sự hỗ trợ của các cấp có thẩm quyền trong việc thiết lập kênh bán hàng ổn định và ngày càng rộng khắp. Tổng Công ty Hapro đặt mục tiêu đạt 50% trong tổng doanh thu 7.000 tỷ đồng vào năm 2015 là từ thị trường nông thôn. Để đạt được mục tiêu đó, Hapro đang tập trung phát triển mạng lưới bán lẻ cố định với các sản phẩm bảo đảm về chất lượng, mẫu mã phong phú, giá phù hợp tại các xã, thị trấn, huyện để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân. Đại diện Saigon Co.op Hà Nội cũng cho biết, cần phải có nhiều điểm bán hàng cố định tại các địa phương thì việc bán hàng về nông thôn mới đạt hiệu quả. Mặt khác, các DN có thể liên kết với địa phương để phát triển các dự án thương mại. Với chương trình hợp tác này, các địa phương sở tại sẽ khảo sát nhu cầu thực tế, giúp DN định hướng tiếp cận; khi DN về nông thôn sẽ hỗ trợ các điều kiện bán hàng, giúp thiết lập các điểm bán lẻ. Về phía DN, cần xây dựng các chương trình bán lẻ hợp lý, ưu tiên phục vụ nhu cầu cụ thể của người dân địa phương.

Sở Công thương giao các đơn vị tổ chức các chuyến bán hàng lưu động đến các xã, liên xã tại các huyện, KCN-KCX. Trong đó, Tổng Công ty Thương mại Hà Nội cùng các đơn vị thành viên thực hiện các chuyến đưa hàng về 19 huyện, thị xã trên địa bàn TP; 24 chuyến bán hàng chính sách xã hội có trợ cước vận chuyển cho đồng bào miền núi tại các xã Yên Bình, Tiến Xuân, Yên Trung (huyện Thạch Thất); xã Phú Mãn, Đông Xuân (huyện Quốc Oai) và xã An Phú (huyện Mỹ Đức).

Tại các KCN-KCX, Công ty CP Sản xuất và Thương mại An Việt thực hiện chính tại 15 khu vực: Bắc Thăng Long (huyện Đông Anh), Quang Minh (huyện Mê Linh), Nội Bài (Sóc Sơn), Đài Tư (Long Biên), Nam Thăng Long (Đông Anh), Sài Đồng A, Sài Đồng B (huyện Gia Lâm)… Công ty TNHH Phát triển Thành Đồng II, Tổng Công ty Lương thực miền Bắc phối hợp bán hàng tại KCN Bắc Thăng Long. Ngoài ra, Công ty CP Intimex Việt Nam thực hiện bán hàng tại huyện Thanh Trì, Phú Xuyên; Công ty TNHH Sài Gòn Co.op Hà Nội, Công ty TNHH MTV Đầu tư và Phát triển Nông nghiệp Hà Nội phối hợp thực hiện bán hàng tại huyện Từ Liêm; Công ty TNHH Phát triển Thành Đồng II bán hàng tại huyện Mê Linh, Đông Anh; Tổng Công ty Lương thực miền Bắc phụ trách bán hàng tại huyện Hoài Đức, Gia Lâm; Công ty CP Nhất Nam thực hiện tại huyện Sóc Sơn, Thạch Thất…

Thanh Minh