Bộ hết tiền, ứng viên chới với

Xã hội - Ngày đăng : 06:58, 22/05/2012

(HNM) -

Việc đột ngột dừng thực hiện Đề án 322 khiến nhiều người trúng tuyển rơi vào cảnh “đi thì lỡ, ở thì lo”. Ảnh: Trần Thanh Hải


Bỗng dưng "thất học"

Trước câu hỏi phải chăng việc xây dựng chỉ tiêu không có kế hoạch khoa học, ông Nguyễn Xuân Vang giải thích: Khi thông báo tuyển sinh cho đề án 322 sắp kết thúc, để không bị gián đoạn việc cử giảng viên đi học nước ngoài, chúng tôi đã tính đến chuyện "gối" vào đề án học 911 (cho đối tượng học tiến sĩ làm giảng viên, đã được phê duyệt song chưa được cấp kinh phí) nên tuyển vượt số lượng đi học tiến sĩ để "đón đầu". Theo ông Vang, việc xác định chỉ tiêu là có kế hoạch, song do khó khăn về kinh phí cho đề án 911 nên các chỉ tiêu đi học tiến sĩ "gối đầu" đã "chiếm dụng" bất đắc dĩ chỉ tiêu của đề án 322. Họ sẽ được chuyển sang đi học theo đề án 911 ngay trong năm 2012 khi đề án này được cấp kinh phí.

Hiện nay, vướng mắc nhất là những ứng viên ĐH và thạc sĩ. Do không có ngân sách nhà nước nên những ứng viên này không đi học được ở nước ngoài theo đúng nguyện vọng cá nhân. Bộ GD-ĐT đã đưa ra hướng giải quyết: Ứng viên chủ động nghiên cứu thông tin tuyển sinh trên trang web của Bộ và của Cục Đào tạo với nước ngoài để tìm các chương trình học bổng theo các diện học bổng hiệp định, học bổng nước ngoài cấp cho Việt Nam phù hợp với nguyện vọng đi học của mình. Đồng thời thí sinh liên hệ với Cục Đào tạo với nước ngoài để được ưu tiên sắp xếp vào danh sách ứng viên được chọn cử đi học bằng nguồn học bổng các nước cấp cho Việt Nam ngay trong năm học 2012-2013. Nếu ứng viên vẫn muốn đi học theo nguyện vọng cá nhân thì vẫn có thể đi học vào năm tới khi đề án mới được phê duyệt.

Sống trong chờ đợi

Tuy nhiên, nhiều ứng viên vẫn rất hoang mang trước hướng giải quyết này. Chị H.H.N, đại diện cho một số ứng viên trúng tuyển học thạc sĩ, bức xúc: "Để chuẩn bị cho việc đi học, chúng tôi đã phải bỏ qua các cơ hội khác trong công việc và học tập, dành nhiều thời gian, công sức học ngoại ngữ, trau dồi chuyên môn. Hầu hết chúng tôi đã được các trường ở nước ngoài chấp nhận, một số người đã đăng ký cả nhà ở rồi. Bây giờ chuyển sang một học bổng khác, ở một nước khác, chúng tôi lại phải bắt đầu từ đầu. Với riêng việc học tiếng, chỉ trong một thời gian ngắn làm sao chúng tôi có thể học ngay một ngoại ngữ hoàn toàn khác để đáp ứng đòi hỏi của việc học tập, nghiên cứu!"

Về việc tìm kiếm học bổng mới, các thí sinh đã trúng tuyển tại các trường ở Pháp cho biết: Chúng tôi đã mất nhiều công sức học tiếng Pháp trong khi các nước có học bổng thay thế chỉ có Marốc sử dụng tiếng Pháp. Các trường ở Bỉ hay Canada thì đã hết hạn đăng ký. Các nguồn học bổng khác mà ứng viên hiện nay có thể tiếp cận gồm Nhật, Srilanka, Cuba, Nga.

Về gợi ý "nếu ứng viên vẫn muốn đi học theo nguyện vọng cá nhân thì vẫn có thể đi học vào năm tới khi đề án mới được phê duyệt" cũng khiến các ứng viên băn khoăn không kém.

Ông Nguyễn Xuân Vang cho biết, Bộ GD-ĐT đã xây dựng đề án mới tương tự đề án 322, sẽ trình Chính phủ phê duyệt vào tháng 6. Tuy nhiên, các ứng viên không tin mình sẽ không thiệt thòi với phương án chờ đợi. Một ứng viên ĐH tỏ ý nghi ngờ: Làm sao chúng tôi yên lòng chờ đợi một đề án còn chưa được duyệt trong khi đề án 911 nói trên đã duyệt rồi mà giờ còn chưa có kinh phí?

Thông báo của Bộ cũng nêu rõ ứng viên phải gửi nguyện vọng đăng ký học bổng tới Cục Đào tạo với nước ngoài trước ngày 1-6 để kịp xử lý. Các ứng viên đều muốn thời hạn này được giãn ra, bên cạnh đó, đại đa số vẫn có đề xuất được giữ nguyên nguyện vọng ban đầu. Đáp lại, ông Nguyễn Xuân Vang cho biết, sẽ lùi thời hạn đăng ký nguyện vọng của ứng viên và bảo đảm các ứng viên này vẫn trong danh sách chờ cử đi du học. Ông Vang khẳng định, Bộ GD-ĐT đã có tờ trình Thủ tướng Chính phủ với đề xuất cấp thêm kinh phí để giải quyết cho những ứng viên đã có quyết định và đủ điều kiện đi du học theo đề án 322 theo đúng nguyện vọng. Đó là phương án các ứng viên mong đợi thay cho việc phải chờ đợi một đề án mới được phê duyệt.

Quỳnh Phạm