“Một cửa điện tử” - cánh mở, cánh khép
Chính trị - Ngày đăng : 06:50, 22/05/2012
Hệ thống “Một cửa điện tử” quận Ngô Quyền (Hải Phòng) hoạt động có hiệu quả.
Tự thân vận động
MCĐT là một ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) nhằm tin học hóa các giao dịch giữa tổ chức, cá nhân với cơ quan hành chính nhà nước và giữa các cơ quan hành chính nhà nước theo cơ chế "một cửa, một cửa liên thông", giúp tiết kiệm thời gian, công sức cho người dân khi đi làm các TTHC. Địa phương đầu tiên ứng dụng MCĐT là TP Hồ Chí Minh (từ năm 2005) và đã cho hiệu quả rõ rệt. Điển hình là mô hình MCĐT tại quận Tân Bình. Từ chỗ những ứng dụng CNTT còn hạn chế do thiếu nhân lực, thiếu trang thiết bị, song do được chọn để triển khai ứng dụng MCĐT, quận Tân Bình đã mạnh dạn đầu tư triển khai hệ thống máy chủ, internet, hệ thống phần mềm ứng dụng trong việc cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, cấp giấy phép xây dựng… Kết quả là đã giảm khối lượng công việc thủ công từ 20% đến 30%; chuyên viên dễ dàng tra cứu văn bản, tiếp nhận, xử lý hồ sơ; lãnh đạo quận và người dân trực tiếp giám sát được số lượng, tình trạng giải quyết hồ sơ. Nhận thấy hiệu quả và tính cần thiết của MCĐT, năm 2009, TP Bắc Giang đã triển khai và đến nay, 100% các huyện, TP cùng 6 đơn vị cấp sở đã xây dựng xong MCĐT. Đó là những điển hình về sự quyết tâm triển khai MCĐT và thu được kết quả bước đầu, song trên thực tế, số lượng các đơn vị này không nhiều và điều dễ nhận thấy là hầu hết các đơn vị đều từ quyết tâm mà tự triển khai thực hiện. Cán bộ CNTT Sở Thông tin truyền thông (TT-TT) tỉnh Bắc Giang đã tự viết phần mềm MCĐT trên nền tảng phần mềm mã nguồn mở (hiện có 2 huyện và 3 sở của Bắc Giang đã cài đặt phần mềm này). Việc tự viết này đã giúp tiết kiệm hàng tỷ đồng, bởi nếu thuê các DN bên ngoài viết sẽ phải trả mức giá từ 300 đến 500 triệu đồng/điểm huyện, trong khi đó tự viết chỉ phải đầu tư khoảng 1 tỷ đồng.
Tuy nhiên, ngay tại các đơn vị đã ứng dụng MCĐT cũng còn nhiều trăn trở bởi việc đầu tư cho MCĐT khá tốn kém, mà lại chưa có sự phối hợp nhịp nhàng giữa các cơ quan hành chính cũng như giữa chính quyền với người dân. Hiện tại, phần mềm MCĐT được áp dụng tại Bắc Giang đã sẵn sàng nhận hồ sơ qua mạng nhưng trên thực tế chưa có hồ sơ nào được gửi qua mạng. Theo lãnh đạo Sở TT-TT Bắc Giang: "Nguyên nhân là do: chưa có chứng thực điện tử nên hồ sơ điện tử gửi đến chỉ để tham khảo, vẫn phải chuyển hồ sơ bằng giấy thì mới giải quyết được, hơn nữa có MCĐT nhưng còn thiếu công dân điện tử".
Thước đo hiệu quả "một cửa điện tử"
Bộ TT-TT vừa ban hành Bộ tiêu chí đánh giá hệ thống MCĐT áp dụng cho toàn quốc sẽ giúp các địa phương chủ động đánh giá hiệu quả đầu tư cho "một cửa". Trong bộ tiêu chí này, chất lượng của một hệ thống MCĐT được đánh giá thông qua 3 thành phần: Mức độ cung ứng dịch vụ công (được đánh giá bởi 2 tiêu chí: Đầy đủ thông tin và dịch vụ, chất lượng dịch vụ); chất lượng ngoài (đánh giá bởi 5 tiêu chí: chức năng; hiệu năng hoạt động; tính khả dụng; tính tin cậy; khả năng bảo trì, chuyển đổi) và chất lượng sử dụng (qua 5 tiêu chí: hiệu quả đối với cơ quan, đơn vị giải quyết thủ tục hành chính; hiệu quả đối với người dân, doanh nghiệp; an toàn, bảo mật; hoạt động ổn định; thỏa mãn người dùng). Mô hình chất lượng, phương pháp và quy trình đánh giá về căn bản sẽ dựa trên các tiêu chuẩn quốc tế ISO-9126 và ISO-14598. Theo các chuyên gia, bộ tiêu chí sẽ như một phương tiện để các địa phương định kỳ tự đánh giá và xem xét mức độ hiệu quả của việc đầu tư triển khai hệ thống MCĐT. Các dự án đầu tư MCĐT cũng có thể căn cứ vào bộ tiêu chí để đánh giá nghiệm thu, vận hành thử. Các địa phương thì có thể dùng bộ tiêu chí để xếp hạng hệ thống MCĐT của chính quyền cấp xã, huyện.
Trước thực tế việc triển khai MCĐT ở các đơn vị cấp huyện, cấp xã trong cả nước chưa đồng đều, nên chăng, các cơ quan chức năng cần tính tới sự đầu tư đồng bộ, nhân rộng các mô hình MCĐT hiệu quả như ở quận Tân Bình (TP Hồ Chí Minh), TP Bắc Giang (Bắc Giang) và quận Ngô Quyền (Hải Phòng)... đồng thời, cần chủ động tuyên truyền, hướng dẫn người dân tích cực tiếp cận các dịch vụ công theo hướng hiện đại. Như vậy, mới có cơ sở để đánh giá hiệu quả MCĐT một cách chính xác, hướng tới xếp được thứ hạng các hệ thống MCĐT, nâng cao tính cạnh tranh, góp phần đạt được mục tiêu hiện đại hóa hành chính như Nghị quyết 30c-NQ/CP của Chính phủ ban hành Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2020: Đến năm 2020, hầu hết các giao dịch của các cơ quan hành chính nhà nước được thực hiện trên môi trường điện tử.