Vì đâu nên nỗi?

Góc nhìn - Ngày đăng : 06:24, 22/05/2012

(HNM) - Vào những ngày này, Ban quản lý dự án 2 Tổng cục Đường bộ Việt Nam đang một lần nữa sửa chữa mặt cầu Thăng Long sau hàng chục lần đã làm công việc này.


Lần sửa chữa này theo kế hoạch mất chừng 10 ngày, công việc chủ yếu là láng ổ gà, các khe nứt, ụ nhựa, rãnh nhựa bị dồn cục nhiều chỗ trơ cả đế mặt cầu bằng thép trên diện tích khoảng 1.800m2, hư hỏng nặng khoảng 700m2 bằng bê tông nhựa. Khác với những lần trước dùng công nghệ bám dính của Anh, công nghệ thi công và vật liệu của Singapore, lần này giải pháp sửa chữa mặt cầu là của một công ty CHLB Đức, đã được Tổng cục Đường bộ ký hợp đồng. Có thể lần này việc sửa chữa cầu sẽ hoàn tất, tránh được cảnh vừa xong đã hỏng như nhiều lần. Và cũng có thể tốn thêm tiền nhưng hỏng vẫn hoàn hỏng. Điều đó phải chờ thời gian kiểm chứng.

Có điều gần như ai cũng biết, cứ mỗi lần sửa chữa không thành công, từ Bộ GTVT tới các đơn vị cấp dưới của bộ này đều đồng thanh đổ lỗi cho thời tiết. Khi thì lúc thi công gặp mưa. Khi thì lúc thi công gặp lạnh. Khi thì nắng nóng làm chảy nhựa, lớp bê tông nhựa không bám dính… nghĩa là đổ lỗi cho khách quan, còn chủ quan không có khuyết điểm gì. Nhưng nếu thời tiết trái khoáy, ảnh hưởng đến chất lượng thi công và chất lượng công trình đến thế thì sao 25 năm trời, kể từ khi cầu thông xe cho đến khi phải sửa chữa lớn, mặt cầu (nhất là hai phía đầu cầu) vẫn phẳng phiu, còn sau đó, suốt 3 năm trời (2009-2012) mặt cầu càng chữa càng hỏng? Ở đây là vấn đề kỹ thuật hay sự trốn tránh trách nhiệm, đổ lỗi cho khách quan của những người trực tiếp và chỉ đạo việc sửa chữa?

Một vấn đề nữa cần đặt ra là vì lý do gì lại không ký hợp đồng sửa chữa với chính những người xây dựng nó? Vào đầu hè năm 1985, cầu Thăng Long được thông xe sau nhiều năm chờ đợi với sự giúp đỡ tận tình của các chuyên gia, kỹ thuật viên và công nhân Liên Xô (cũ). Có thể nói, cầu Thăng Long, đúng như dòng chữ trên tượng đài hai bên đầu cầu là "chiếc cầu của tình hữu nghị Việt - Xô". Các bạn Liên Xô (nay là Liên bang Nga) đã làm việc hết mình để xây dựng thành công chiếc cầu hiện đại đầu tiên của Thủ đô và cũng là của Việt Nam trong điều kiện vô cùng khó khăn, gian khổ. Nhưng dù như vậy, đến thời điểm trải nhựa mặt cầu, các bạn Liên Xô vẫn yêu cầu không một người Việt Nam nào được có mặt ở khu vực thi công. Như vậy là có vấn đề bí mật kỹ thuật, bạn không muốn ta biết? Về sự kiện này, chắc nhiều người còn nhớ và chắc nhiều người trong ngành cầu đường bộ đã biết. Vậy vì sao chúng ta lại không ký hợp đồng sửa chữa mặt cầu với chính những cơ quan, đơn vị đã từng xây dựng cầu Thăng Long của Liên bang Nga mà lại ký với các nước khác, thậm chí kỹ thuật kết dính ký với một nước, vật liệu ký với một nước? Qua việc nứt vai đập Nhà máy Thủy điện Sông Tranh 2 cũng lộ ra một vấn đề tương tự. Đầm lăn bê tông là kỹ thuật Mỹ nhưng tiêu chuẩn kỹ thuật lại của Trung Quốc. Việc ký hợp đồng sửa chữa với các đơn vị từng thi công cầu có khó khăn chăng? Khó khăn thì hãy công khai cho dân biết. Còn nếu không khó khăn gì nhưng là ý muốn của những người trong ngành GTVT thì cũng cho dân biết vì hàng trăm tỷ đồng kia, nói cho cùng là tiền của dân. Nhân dân không muốn tốn kém thêm chỉ vì những người cầm tiền và tiêu tiền.

Vũ Duy Thông